Gần 3.000 y bác sĩ, học viên y khoa từ nhiều tỉnh thành cả nước đã về Bắc Giang chống dịch trong cái nóng gay gắt giữa mùa hè và bộ đồ bảo hộ.

Trực tuyến: Gặp y bác sĩ đang chống dịch ở Bắc Giang - Ảnh 1.

Bắc Giang đang là điểm nóng nhất của dịch, với số ca mắc ghi nhận nhiều nhất nước và vẫn đang tăng hằng ngày, vẫn chưa tới đỉnh dịch.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến 17h30 ngày 30-5 tỉnh đã ghi nhận 2.216 ca mắc COVID-19. Ngoài ra, có trên 17.100 trường hợp F1 cùng hàng chục ngàn người phải cách ly tập trung.

Dự báo F0 sẽ tiếp tục tăng, đời sống người dân đang bị đảo lộn khi 8/10 huyện thị của Bắc Giang phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, mà mùa vải đang sắp vào chính vụ...

Từ khi dịch bùng phát, các y bác sĩ tại chỗ căng mình ra chống dịch. Thiếu nhân lực, vật lực, tỉnh phải huy động cả sinh viên trường y vào cuộc. Và trong những ngày khó khăn, y bác sĩ từ Yên Bái, Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, Nha Trang... đã đến chi viện cho Bắc Giang.

"Bắc Giang đang khoanh vùng dịch dần, những điểm nóng lớn nhất đang có dấu hiệu đỡ hơn" - tin vui ấy từ Bắc Giang đang làm bớt đi những lo lắng.

Nhưng đằng sau những tin tức tích cực ấy là sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu - những "chiến sĩ" áo trắng tình nguyện xa nhà chống dịch, xa cha mẹ già, con thơ, chống chọi với cái nóng hầm người, rát da, nóng đến mất nước trong bộ đồ bảo hộ kín mít...

Nhiều người kiệt sức ngất xỉu, có người mệt nhoài ngã bên vệ đường mà ngủ. Có người để lại con nhỏ ở nhà, đứa trẻ thấy mẹ trên tivi đã bật khóc: "Mẹ ơi sao mẹ chưa về"...

Tất cả họ đều đang phải tạm biệt gia đình, "cấm trại" tại bệnh viện và các điểm ăn ở tập trung chống dịch, nguy cơ lây nhiễm rình rập hằng ngày.

Có người đã đi "thường trực chống dịch" đến lần thứ 4, thứ 5 trong 1 năm qua, mỗi đợt hàng tháng trời. Như Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã đi Đà Nẵng, Hải Dương, đi Lào và giờ là về Bắc Giang...

Để hiểu hơn phần nào nỗi vất vả của các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, mời bạn đọc theo dõi những chia sẻ của các y bác sĩ trong chương trình "Trực tuyến với các chiến sĩ áo trắng từ tâm dịch Bắc Giang" do Tuổi Trẻ Online tổ chức từ 14h-15h30 ngày 1-6-2021.

MỜI BẠN ĐỌC THEO DÕI NỘI DUNG TRAO ĐỔI VỚI CÁC BÁC SĨ:

Thanh Trúc:
Anh là người từng có thời gian trực tiếp điều trị cứu sống bệnh nhân 91 (phi công người Anh), từng có mặt trên hầu hết tất cả các mặt trận chống dịch ở Gia Lai, Đà Nẵng, Kiên Giang và nay là Bắc Giang. Cảm xúc của anh và các đồng NHỮNG nghiệp khi được điều động ra Bắc Giang lần này như thế nào?
BS Trần Thanh Linh:
Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng những ngày sắp tới tại Bắc Giang sẽ là những ngày vô cùng khó khăn, vất vả và đầy áp lực. Diễn biến dịch tại Bắc Giang đang rất phức tạp khi mà con số F0 được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo đó số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ rất nhiều.

Ngoài ra, với thời tiết rất nóng tại Bắc Giang khiến môi trường làm việc chắc chắn sẽ vô cùng khắc nghiệt, mặc khác nguy cơ lây nhiễm cũng chực chờ với biến thể của virus lần này. Tuy nhiên vượt lên tất cả, tôi cùng các đồng nghiệp của mình tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều cảm thấy tự hào bởi là một trong những đội điều trị đặc biệt đầu tiên được Bộ Y tế tin tưởng điều động ra giúp Bắc Giang.

Vào tâm tịch Bắc Giang, chúng tôi mang theo niềm tin mãnh liệt sẽ cứu được nhiều bệnh nhân nặng như đã từng làm ở  tâm dịch Đà Nẵng, ở Bệnh viện Chợ rẫy với phi công người Anh để sớm khống chế được dịch.

Nguyễn Trường Trung:
Cả ba đợt dịch bác sĩ Linh đều tham gia điều trị chính, quá trình điều trị xong còn chịu cách ly y tế. Có thể thấy 1 năm quá bận rộn và trong tư thế lên đường bất cứ lúc nào. Vợ và con anh chấp nhận chuyện này như thế nào? Sau mỗi đợt dịch anh có được nghỉ bù không?
BS Trần Thanh Linh:
Vào tâm dịch bộn bề công việc điều trị, tối đến những lúc nào có thể chúng tôi vẫn nhận được lời hỏi thăm, đồng viên từ các con, từ những người thân trong gia đình qua điện thoại.

Thực ra đây không phải là lần đầu chúng tôi đi chống dịch mà đã rất nhiều lần rồi. Có lẽ chúng ta đã thấy gần 2 năm qua, với hai mùa hè và hai cái tết đi qua, chúng ta vẫn đang trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Gia đình tôi rất hiểu, chia sẻ chuyện tôi đi thường xuyên. Trong tình hình dịch hiện tại, chúng tôi cảm thấy yên lòng để tập trung vào công việc khi có được những hậu phương (vợ, con, bạn bè, đồng nghiệp) luôn hậu thuẫn, an ủi và luôn luôn chia sẻ tất cả khó khăn. Điều này tiếp thêm rất nhiều động lực cho anh em ở tâm dịch. Dù ở phương xa nhưng chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp.

Pham Huy Hoang:
Thời tiết nóng bức, công việc vất vả, chị và các y bác sĩ ở Bắc Giang đã vượt qua như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thời:
Thời tiết nắng nóng 38, 39 độ, cộng thêm môi trường rất nhiều áp lực mà lại mặc một bộ quần áo bảo hộ như vậy thì rất nóng. Bản thân tôi là lãnh đạo thì cần phải chia sẻ nhiều hơn và thường xuyên động viên các anh em vòng trong tiếp xúc với các đối tượng F0 cùng nhau cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Chúng tôi lập 1 nhóm riêng để chia sẻ với nhau, cũng như để những bạn bên trong cần những gì thì báo để bên ngoài chúng tôi đáp ứng kịp thời; bên cạnh đó chúng tôi thường xuyên động viên nhau, nhất là những là bạn ở tuyến trong.
 
Ngô Thị Đài:
Brazil xin thuốc chữa COVID thành công vậy Việt Nam mình có xin không ạ?
Ông Nguyễn Trường Sơn:
Cho đến bây giờ các biện pháp điều trị đặc hiệu cho COVID-19 thì mình chưa có kể cả trên thế giới cũng chưa được chứng minh bằng khoa học một cách rõ ràng.

Vì vậy tất cả thông tin mà các bạn có đều là tham khảo. Quan điểm của Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam là tất cả những biện pháp nào mà chúng ta có thể tận dụng để cứu chữa các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là các bệnh nhân COVID-19 nặng, chúng ta đều đã áp dụng rồi. Cho nên các bạn hoàn toàn có thể yên tâm nếu các biện pháp đó có bằng chứng khoa học rõ ràng thì chúng ta sẽ triển khai áp dụng.

Lan Chi:
Từ Nha Trang ra Bắc Giang, điều gì làm chị bất ngờ trong đợt dịch này? Chị có ngỡ ngàng và lo khi số mắc ghi nhận dương tính quá đông?
Bà Huỳnh Kim Mai:
Ban đầu chúng tôi nhận lệnh đi gấp, chưa biết đến Bắc Giang sẽ làm gì. Ra đến Bắc Giang, Ban Chỉ đạo phân công chúng tôi làm nhiệm vụ chuẩn bị phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, đối tượng chúng tôi được phân công là xét nghiệm những người ở khu cách ly tập trung, những đối tượng ở cộng đồng có nguy cơ cao như có ho, sốt, có test nhanh dương tính.

Chúng tôi đến đây tối 22-5, sáng 23 là đưa phòng xét nghiệm vào vận hành luôn. Đầu tiên là xét nghiệm trước cho toàn bộ nhân viên bệnh viện và bệnh nhân, sau đó là các mẫu đến từ khu cách ly.

Truong Giang:
Thưa ông tình hình dịch ở Bắc Giang hiện thế nào? Dự báo khi nào ổn định trở lại? Cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Trường Sơn:

Tình hình dịch ở Bắc Giang có sự khác biệt là mức độ lây lan nhanh hơn mặc dù chúng ta có phong tỏa, công nhân trong khu phong tỏa chỉ ở trong nhà trọ, thực phẩm được tiếp tế tới tận cửa nhưng tỷ lệ lây lan trong khu cách ly vẫn rất cao.

Thứ nữa như ở Đà nẵng thì những bệnh nhân nặng là người cao tuổi, có bệnh nền, nhưng ở Bắc Giang ngay cả những người trẻ, không có bệnh nền cũng diễn biến nặng.

Hiện tại tình hình dịch vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp và khó lường. Tôi hy vọng trong khoảng thời gian từ giờ đến cuối tuần thì tình hình có thể khống chế được.

Thùy Dung:
Bệnh viện Phục hồi chức năng Bắc Giang không chuyên điều trị COVID, khi nhận nhiệm vụ các anh chị gặp nhiều khó khăn không?
Bà Nguyễn Thị Thời:
Thực ra bệnh viện Phục hồi chức năng là có chức năng và nhiệm vụ là điều trị bệnh cho những bệnh nhân phục hồi chức năng và khuyết tật là chủ yếu. Được giao điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, bước đầu cũng rất khó khăn nhưng với sự nhiệt tình, tâm huyết của tất cả tập thể y bác sĩ thì khoảng 1 thời gian ngắn chúng tôi đã cùng nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ bên trong đến bên ngoài, các y bác sĩ đã phối hợp với nhau rất tốt cho nên kết quả điều trị rất thành công.
nguyen thi thoi
Bác sĩ Nguyễn Thị Thời - Ảnh: NAM TRẦN
Nguyễn Tiến Đạt:
Các bác sĩ vào vùng dịch là làm việc hết mình. Những hình ảnh ấy được nhân dân rất trân trọng và thương cảm. Nhưng nếu để tình trạng đó xảy ra nhiều thì không tốt. Ông cho hỏi các cơ quan đã có quy trình nào để tránh tình trạng bác sĩ ngất xỉu khi làm nhiệm vụ chưa ạ?
Ông Nguyễn Trường Sơn:

Trong điều kiện thời tiết như thế này, một số đơn vị điều trị đã lắp máy lạnh để tăng thông khí trong phòng hồi sức, khu vực hồi sức có đỡ hơn. Nhưng đúng là điều kiện làm việc của y bác sĩ rất khó khăn, chúng tôi đã mời Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường và họ đã sáng tạo ra một công nghệ có thể thổi không khí, vai trò như một chiếc quạt vào bộ trang phục bảo hộ, giúp tăng thời gian làm việc của y bác sĩ sử dụng bộ trang phục này.

Chúng tôi cũng đã thay đổi thời gian lấy mẫu, theo hướng lấy mẫu từ 5-9 giờ sáng và 17-21 giờ tối, thậm chí có thể là 19-23 giờ, thời điểm đó đỡ nóng hơn.

nguyen truong son
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang chỉ huy chống dịch ở Bắc Giang - Ảnh: NAM TRẦN
Thái Bình:
Tại Bắc Giang hiện đang có bao nhiêu nhân viên y tế tham gia chống dịch? Bao nhiêu sinh viên trường y? Theo ông cuộc chiến này còn kéo dài bao lâu?
Ông Nguyễn Trường Sơn:
Bây giờ có các lực lượng về y tế bên cạnh các Bệnh viện Trung ương, các cơ sở y tế địa phương và các lực lượng sinh viên thì tổng cộng khoảng 2.200 người. Trong đó nhiều trường Đại học Y của Hà Nội và các tỉnh thành đã cử lực lượng sinh viên đến đây tham gia lực lượng lấy mẫu cũng như tiêm vắc xin cho công nhân.

Các sở y tế cũng đã cử các lực lượng kể cả các bác sĩ giỏi về hồi sức tham gia vào các khâu trong công tác xét nghiệm cũng như điều trị.

Hiện tại tình hình dịch vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp và khó lường. Tôi cũng hy vọng trong khoảng thời gian ngắn tới, các bạn hỏi chắc chắn thì rất khó, nhưng mà từ giờ đến cuối tuần thì tình hình có thể khống chế được.

Hoàng Tiến:
Đâu là điểm giống và khác nhau giữa những lần anh được điều động chi viện vào tâm dịch, từ Gia Lai, Đà Nẵng, Kiên Giang, Bắc Giang?
BS Trần Thanh Linh:
- Tất cả những lần chi viện đều trong hoàn cảnh rất khẩn trương nhưng luôn sẵn sàng. Chúng tôi có rất ít thời gian chuẩn bị hành trang cá nhân và chỉ vài câu từ biệt gia đình là đi ngay. Tuy nhiên mỗi lần là một cảm xúc khác nhau.

Tôi nhớ ở đợt dịch tại Đà Nẵng, chỉ với chiếc ba lô đi làm rồi tức tốc ra sân bay đi ngay. Ngày đi không nghĩ rằng những ngày sắp đến tại Đà Nẵng sẽ khốc liệt và đầy gian nan. Ở đó như một cuộc chiến thật sự, khi mà tôi cùng các đồng nghiệp không có khái niệm ngày đêm với những con số bệnh nhân nặng và tử vong cứ tăng lên từng giờ. Ở đó có rất nhiều cảm xúc không thể quên được.

Còn đợt dịch ở Gia Lai số bệnh nhân ít hơn, nhẹ hơn nhiều. Tuy nhiên đó là khoảnh khắc cận tết Nguyên đán, phải tiếp tục rời xa gia đình người thân. Cảm giác lúc ấy rất khó tả lắm khi nhìn thấy không khí sum vầy của bao gia đình. Và cuối cùng điều may mắn khi cả đoàn hoàn thành nhiệm vụ về với gia đình vào đúng thời khác giao thừa, điều đó vô cùng hạnh phúc.

Còn với Bắc Giang hôm nay, chúng tôi xác định ngày đi sẽ lâu hơn, nhiều cam go hơn với biến thể virus làm tốc độ lây lan nhanh và bệnh diễn tiến nặng hơn. Nhưng với kinh nghiệm và kiến thức thu được qua chinh chiến bao nhiêu đợt dịch, tôi cùng các đồng nghiệp có niềm tin mãnh liệt hơn sẽ chiến thắng được đợt dịch lần này.

tran thanh linh
Bác sĩ Trần Thanh Linh đang tham gia chống dịch ở Bắc Giang - Ảnh: NAM TRẦN
Thùy Trang:
Giữa tâm dịch tinh thần và niềm tin của anh và các đồng đội như thế nào? Nếu có một lời nhắn nhủ hậu phương, anh sẽ nói điều gì?
BS Trần Thanh Linh:
-Tất cả chúng tôi vẫn đang giữ vững ý chí và bầu nhiệt quyết với niềm tin mãnh liệt là cứu được nhiều bệnh nhân nặng và sẽ sớm dập được dịch hoàn thành nhiệm vụ và trở về. Dù ngày trở về chắc chắn vẫn còn xa nhưng tất cả đều tự nhủ không được thất bại, không được bỏ cuộc.

Thay mặt cho 13 thành viên Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi gởi lời tri ân đến lãnh đạo bệnh viện, các phòng ban, bạn bè đồng nghiệp đã luôn sát cánh cùng chung tôi, động viên gia đình người thân và ủng hộ nhiều mặt. Những tin nhắn, những cuộc gọi đã giúp chúng tôi thấy ấm áp hơn.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng cảm ơn đến người dân cả nước nói chung và người dân Bắc Giang nói riêng đã cùng đồng hành, chia xẻ về tinh thần và vật chất. Đặc biệt chúng tôi muốn gởi lời đến gia đình, vợ con đã luôn ủng hộ, gánh vác mọi phần việc vất vả không kém khi chúng tôi không có ở nhà.

Lại tiếp tục ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) thứ hai tôi cùng đồng nghiệp thất hứa với các con nhỏ của mình. Nhưng tôi muốn nói với các con tội rằng các con vẫn còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác vì vẫn còn bà, còn mẹ bên cạnh; trong khi có nhiều trẻ em khác phải cách ly điều trị một mình vì mắc COVID mà bên cạnh không có người thân ruột thịt nào...

Minh Mẫn:
Bắc Giang đang là ổ dịch lớn nhất nước kể từ khi dịch xâm nhập vào VN. Đã gần 1 tuần có mặt tại tâm dịch, dưới góc độ là một bác sĩ điều trị, anh đánh giá như thế nào về tình hình dịch COVID-19 nói chung tại Bắc Giang và khả năng điều trị các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang nói riêng?
BS Trần Thanh Linh:
- Bắc Giang đang đi đúng hướng kiểm soát dịch. Hiện FO, F1 đã được khoanh vùng cách ly ngay từ đầu. Tuy nhiên con số F1 vẫn còn lớn do vậy số bệnh nhân F0 cũng sẽ tiếp tục còn. Tuy nhiên với sự quyết liệt của chính phủ, Bộ Y tế với bộ phận thường trực công tác đặc biệt do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ huy cùng rất nhiều chi chiến sĩ áo trắng vẫn đang ngày đêm chống dịch, tôi tin rằng sẽ sớm khống chế được dịch sớm nhất

Hiện nay Bệnh viện Phổi Bắc Giang có thể thu dung 55 bệnh nhân nặng nguy kịch tại phòng hồi sức tích cực và 80 bệnh nhân nhẹ tại lầu bệnh nhẹ. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn chưa đến 10 giường bệnh nặng tại ICU (phòng hồi sức tích cực) còn trống, có 4 bệnh nhân thở máy và lọc máu nguy kịch, 7 bệnh nhân thở oxy dòng cao và rất nhiền bệnh nhân thở oxy.

Hầu hết bệnh nhân đều tổn thương phổi. Mặc dù có rất nhiều bệnh nhân trẻ khỏe trước đó nhưng bệnh diễn tiến nặng vẫn rất nhanh. Hiện nay ekip 13 thành viên của Bệnh viện Chợ Rẫy luôn túc trực ngày đêm cùng các đồng nghiệp tại địa phương tích cực theo dõi và điều trị.

Tiên lượng trong thời gian tới sẽ còn nhiều bệnh nhân nặng đến nguy kịch. Về trang thiết bị như máy thở chức năng cao, máy lọc máu, ECMO; thuốc thiết yếu, dinh dưỡng thuốc; y cụ và vật tư tiêu hao đã được địa phương và Bộ Y tế cung ứng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị đạt hiệu quả tối ưu nhất…với mục tiêu tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc tích cực tối ưu nhất và giảm thiểu tối đa số bệnh nhân tử vong.