Ổ dịch tại nhóm truyền giáo Phục Hưng có chu trình lây lan nguy hiểm. Từ ổ dịch này, virus với chủng biến thể Ấn Độ đang “vươn vòi” xâm nhập sâu vào cộng đồng, các tòa nhà cao tầng, các khu công nghiệp và các tỉnh thành phía Nam.

 
9 chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng - Ảnh 1.

Chỉ mới 8 ngày trôi qua kể từ khi ổ dịch tại nhóm truyền giáo Phục Hưng được phát hiện (ngày 26-5), đã có 265 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận. 

Theo nhận định của ngành y tế TP.HCM cũng như của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ổ dịch này đang "khó kiểm soát nhất" và các ca nhiễm không rõ nguồn gốc có thể tiếp tục gia tăng thời gian tới trong cộng đồng. 

Chuỗi lây nhiễm đã sang chu kỳ thứ 4

Ổ dịch được phát hiện từ 3 ca "chỉ điểm" đầu tiên vào thăm khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh). Thông tin truy vết cho thấy vợ của người quản lý nhóm này (BN6293) từng di chuyển ra Hà Nội ngày 23-4, đến ngày 29-4 thì trở về TP.HCM và bắt đầu có triệu chứng bệnh từ ngày 13-5. 

Dù vậy, từ ngày 16 đến 23-5 nhóm này tổ chức họp 2 lần tại cơ sở ở phường 3, quận Gò Vấp. 

Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 2-6, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nói nếu tính từ người đầu tiên xuất hiện triệu chứng, đến nay chuỗi lây nhiễm đã bước sang chu kỳ thứ 4, tức F4 (vòng tiếp xúc, chưa nhiễm).

9 chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng - Ảnh 2.

Xe chở nhân viên y tế vào các nơi phát sinh ca nhiễm lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: H.T.

Nhóm này có 55 người trực tiếp sinh hoạt, cho đến nay đã có 40 người mắc COVID-19. Từ đó lây lan ra cho hàng trăm người khác trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM. 

Cụ thể có 20/22 địa phương có ca bệnh cư trú trên địa bàn (ngoại trừ quận 11 và huyện Cần Giờ chưa có ca nhiễm). Các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh nhất, bao gồm quận Gò Vấp (24 ca), quận 12 (23 ca), quận Bình Thạnh (22 ca), quận Tân Phú (24 ca), quận Tân Bình (25 ca). 

Các quận trên, theo ông Bỉnh, có dân số và mật độ dân số cao, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.

Ngoài ra, ổ dịch còn phát tán ra 6 tỉnh khu vực phía Nam, bao gồm Long An, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bình Dương, Tây Ninh, Đắk Lắk thông qua môi trường làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè. 

Theo ông Bỉnh, đây chính là ổ dịch buộc ngành y tế TP.HCM phải huy động một lượng lớn nhân viên y tế từ khối điều trị, dự phòng tham gia lấy mẫu xét nghiệm với số mẫu được lấy "khổng lồ", gần 4.000 người tiếp xúc gần (F1) và trên 274.000 người tiếp xúc xa (F2).  

"Với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh, cộng với mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt... nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thành phố là rất cao, thậm chí lây lan đến các tỉnh thành lân cận", ông Bỉnh đánh giá. 

Xâm nhập vào các tòa nhà, khu công nghiệp

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc, vào các khu công nghiệp khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.

9 chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng - Ảnh 3.

Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân ở phường 15, quận Gò Vấp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong quá trình truy vết, ngành y tế TP.HCM phát hiện một chuỗi lây nhiễm "đóng đô" phát tán từ các cơ sở lao động, dịch vụ, cụm dân cư. 

Điển hình có 9 chuỗi lây nhiễm xâm nhập vào 9 nơi, như Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN, quận Tân Bình có 50 ca; Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, quận Tân Phú có 23 ca; Trường mầm non Kid Town, quận 12 có 20 ca...

Cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend, quận Tân Bình và trụ sở quận 1 có 18 ca; khu nhà trọ trong hẻm đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp có 15 ca và khách sạn Sheraton, quận 1 có 8 ca. 

Đặc biệt, virus còn xâm nhập phát sinh ca bệnh ở tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận; Công ty Concentrix trong Công viên phần mềm Quang Trung; tòa nhà cao tầng trên đường Nguyễn Du, quận 1. 

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, đến nay thành phố đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc - Hóc Môn. 

Ngoài ra, từ tối 30-5 có thêm 1 trường hợp được phát hiện dương tính tại Long An, là nhân viên làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức). Đây là công ty có 1.082 người lao động và ngành y tế đã xác định 146 người F1 cần cách ly tập trung và xét nghiệm. 

Ông Bỉnh cho rằng có một số người sinh hoạt trong nhóm truyền giáo làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp. "Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp, hoặc ngược lại thông qua người lao động. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng", ông Bỉnh nêu cảnh báo. 

Xét nghiệm sàng lọc 45.000 công nhân trong Khu công nghệ cao

Trước diễn biến khó lường của ổ dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo ngành y tế tập trung lấy mẫu sàng lọc COVID-19 trên diện rộng, quy mô 50.000 mẫu/ngày.

Việc lấy mẫu tập trung vào đơn vị bầu cử, tổ bầu cử, những nơi liên quan đến hội viên nhóm truyền giáo Phục Hưng và hơn 280.000 lao động cùng 3.000 chuyên gia tại khu công nghiệp, khu chế xuất, Khu công nghệ cao sẽ được lấy mẫu xét nghiệm.

Hiện ngành y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 45.000 công nhân làm việc trong Khu công nghệ cao TP Thủ Đức.