“Tôi mong muốn bằng nghề nghiệp của mình sẽ đóng góp một chút cho cuộc chiến chống dịch, tôi nghĩ ai cũng cố gắng hơn một chút, làm việc nhiều hơn một chút, có như vậy chúng ta mới thành công trong cuộc chiến lớn này” - nhà báo Phạm Quang Vinh, Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ trong cuộc trò chuyện.

Làm ảnh không thể không đến tận nơi

+ Nói đến làm báo ảnh là nhắc tới những phóng viên với máy móc thiết bị đồ nghề nặng trịch. Tác nghiệp trong mùa dịch lần này, công việc của anh và đồng nghiệp như thế nào?

- Là phóng viên ảnh của báo nên tất cả các mảng tôi đều làm từ kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao…, không bỏ sót một lĩnh vực nào. Năm nay dịch bùng phát trở lại, cơ quan thành lập một tổ chuyên làm về dịch và gần như không ngày nào là chúng tôi không có tin, bài về dịch. Tác nghiệp mùa dịch tôi tự dặn chính mình điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn, chuẩn bị mọi điều kiện để tác nghiệp. Trước khi ra khỏi nhà đến nơi tác nghiệp, bao giờ tôi cũng có quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay… tất cả luôn trong tư thế sẵn sàng. Khi phỏng vấn luôn nhớ giữ khoảng cách, tác nghiệp xong mọi thiết phải được phun thuốc khử khuẩn, lúc cởi bỏ đồ mặc trên người bao giờ cũng bỏ găng tay cuối cùng. Tôi nghĩ, đi tác nghiệp nhiều phóng viên vì say nghề, cuốn theo sự kiện dễ bị quên những yếu tố này.

Tác nghiệp trong các khu cách ly, nhà báo Phạm Quang Vinh luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Tác nghiệp trong các khu cách ly, nhà báo Phạm Quang Vinh luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngoài việc có được hình ảnh đắt giá, tôi và đồng nghiệp luôn nghĩ tới phỏng vấn các nhân vật, khai thác thêm được thông tin cho hấp dẫn hơn nữa, thay vì chỉ có những bức ảnh. Có như vậy thông tin mới đa chiều hơn.

+ Theo anh khó khăn nhất của phóng viên ảnh vào thời điểm này là gì?

- Chúng tôi phải lăn lộn, giáp mặt với những nguồn lây, ngay cả các F0, F1, F2 mà có khi không biết. Nhưng phải đến, tiếp cận vì không đến khu vực đó thì không ghi được hình. Có thể phóng viên chuyên viết sẽ phỏng vấn online, qua điện thoại, còn làm ảnh không thể không đến tận nơi. Dịch xảy ra không bao giờ báo trước, nhiều khi đang ngồi ăn cơm tối ở nhà, có điện thoại là lên đường luôn, tin tức thời sự bao giờ cũng rất quan trọng, chậm sẽ mất tính thời sự.

Bên cạnh những khó khăn đó, chúng tôi có những người bạn cùng là phóng viên ảnh, mọi người cùng rủ nhau đi trên một phương tiện để tiết kiệm chi phí, chia sẻ kinh nghiệm và những nguồn tin trong mùa dịch. Khi vào tâm dịch anh em vẫn động viên nhau giữ gìn sự an toàn. Đi nhiều, chúng tôi thấy các y, bác sỹ hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với người bệnh, F1, F2… Nghĩ vậy chúng tôi gạt bỏ nỗi sợ hãi sang một bên để làm việc bình thường. Sợ thì ai cũng sợ nhưng khi đã vào hiện trường tác nghiệp thì tập trung hoàn thành nhiệm vụ một cách cẩn trọng và nhanh nhất.

+ Tôi có theo dõi tin bài trên Đại Đoàn Kết, nhiều hình ảnh được ghi nhận ở những tâm dịch như: Bắc Ninh, Bắc Giang. Anh có thể chia sẻ thêm về những chuyến đi này?

- Đi nhiều nơi, nhưng tôi nhớ lần tham dự lễ xuất quân của 200 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển từ Quảng Ninh lên đường sang Bắc Giang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch. Thức dậy từ 3h sáng, tôi cùng đồng nghiệp di chuyển về Quảng Ninh, đến nơi tôi xin lên xe đi cùng lực lượng y bác sỹ từ Quảng Ninh sang Bắc Giang để đưa tin. Trên xe tôi thấy các bác sỹ và tình nguyện viên đều còn rất trẻ, nhưng ai cũng có một tâm trạng hăng hái, nhiệt tình, sẵn sàng đi vào tâm dịch.

Khi phỏng vấn, nhiều bạn đều trả lời là rất muốn đóng góp một phần cho cuộc chiến chống dịch. Hỗ trợ tỉnh bạn cũng như hỗ trợ cho quê hương mình, làm sao để dịch không lây lan ra. Họ xác định đây là cuộc chiến đầy cam go và lâu dài. Ngày các y bác sỹ trẻ lên đường, tôi hình dung ở đây không khác gì ngày xưa ông cha ta xung phong ra trận vào chiến trường. Ai cũng hồ hởi dù họ biết vào đó xác định vào là hiểm nguy, chưa biết ngày về.

Vừa chạy vừa chụp, mồ hôi ướt toàn thân

+ Bạn bè đồng nghiệp thường bắt gặp các anh mặc kín mít từ đầu đến chân khi tác nghiệp để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Mặc như vậy khi chạy theo sự kiện hẳn là có nhiều khó khăn?

- Có những ngày tôi mặc khoảng 3 tiếng bộ đồ bảo hộ, gần như kín hết, đeo hai chiếc khẩu trang, vừa chạy vừa chụp, mồ hôi ướt toàn thân, găng tay lõng bõng nước bên trong. Như lần tác nghiệp đưa tin sự kiện phong tỏa, phun khử khuẩn Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW... Chúng tôi có chạy theo xe khử khuẩn, hơi thở nhiều đến mức kính mắt mờ đi, gần như không nhìn thấy gì. Trong cái nắng mùa hè, bộ đồ bảo hộ càng thêm bức bối, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ chụp để có thật nhiều ảnh, với nhiều góc khác nhau. Không có thời gian để thay đồ bảo hộ khác và nếu thay ra rồi mặc vào sự kiện sẽ diễn ra xong, bên cạnh đó việc thay đồ ở một nơi đang khử khuẩn như vậy là điều tối kỵ. Lúc xong việc mới thấy thấm mệt. Nhưng qua những lần đó tôi mới thấy các y bác sỹ mặc cả ngày, tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây thì vất vả hơn công việc chúng tôi nhiều.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 10 nghìn công nhân KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - một bức ảnh của nhà báo Phạm Quang Vinh.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 10 nghìn công nhân KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - một bức ảnh của nhà báo Phạm Quang Vinh.

+ Theo anh, một phóng viên ảnh, nhất là phóng viên ảnh tác nghiệp trong đợt dịch này cần phải trang bị cho mình những gì, làm sao để săn được khoảnh khắc ấn tượng?

- Làm nghề nào cũng vậy phải có niềm đam mê, hăng say với nghề nghiệp, nếu không có đam mê say nghề sẽ không thể vượt qua được. Không thể cập nhật tin tức về dịch hằng ngày. Mỗi lần đi tác nghiệp, người phóng viên phải coi đây là niềm tự hào của mình, cần cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao. Đi làm đêm hôm đã đành, nhưng làm báo ảnh thời sự thì phải luôn có tư thế sẵn sàng. Ngoài tư trang đồ nghề, phải có kiến thức để bảo vệ bản thân mình, bảo vệ cộng đồng, hạn chế những rủi ro. Để có những bức ảnh đẹp, phóng viên ảnh phải có sự chuẩn bị, phán đoán tình huống tốt. Người có kinh nghiệm sẽ quan sát và đọc tình huống tốt. Vì trong một sự kiện thời sự có những tình huống diễn ra rất nhanh chỉ vài giây, không lặp lại.

+ Tác nghiệp trong một đại dịch như Covid-19 hẳn để lại cho những phóng viên thường xuyên có mặt ở tâm dịch như anh những xúc cảm không thể nào quên?

- Tôi thấy rằng, nếu như mình có điều kiện có thể đi được, thì hãy cố gắng làm hết sức. Như lần tôi đi làm tin “Bầu cử trong khu cách ly ở Bắc Ninh”. Ngày hôm đó cử tri cả nước đi bầu cử, tôi đã liên hệ rất nhiều nơi để được xin vào đưa tin về ngày bầu cử trong khu cách ly. Phần lớn là những nơi mình liên hệ đều trả lời không được phép vào. Nhưng cuối cùng tôi vẫn liên hệ được thành công, tôi nghĩ rằng làm sự kiện về bầu cử trong thời gian diễn ra đại dịch như vậy sẽ khó có thể lặp lại. Nếu mình làm nghề cảm mà thấy chân quý nghề của mình thì hãy luôn tận tâm với tác phẩm, làm sao để tác phẩm có tính hấp dẫn nhất. Tác nghiệp trong đợt dịch này tôi mới thấy nhiều lực lượng ở tuyến đầu chống dịch rất vất vả. Tôi mong muốn bằng nghề nghiệp của mình sẽ đóng góp một chút cho cuộc chiến chống dịch, ai cũng cố gắng hơn một chút, đóng góp nhiều hơn một chút, có như vậy chúng ta mới có thể thành công trong cuộc chiến lớn này.

+Xin cảm ơn anh!