Ngày 5-6, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (TP.HCM) có thông báo khẩn về việc lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cư trú ở quận này đang làm việc ở quận huyện khác để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa (giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp) giải đáp những băn khoăn xung quanh chuyện xét nghiệm này.
* Việc xét nghiệm này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ? Vì sao người có kết quả âm tính không được quay về nhà cho đến khi hết giãn cách?
- Theo quy định của UBND TP.HCM, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc ở các cơ quan nhà nước với công việc có tính chất quan trọng, đặc thù không thể làm việc tại nhà phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi ra khỏi quận Gò Vấp.
Từ 5-6, chúng tôi sẽ tiếp nhận danh sách người lao động đăng ký xét nghiệm (qua email: phongkhnv.ttytgv@gmail.com) từ các cơ quan, đơn vị. Cách này giúp chúng tôi thuận tiện trong việc sắp xếp, điều phối các điểm xét nghiệm hợp lý, hạn chế tình trạng dồn đông người về một trạm y tế phường, gây quá tải và không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Song song việc lập danh sách, chúng tôi đồng thời tổ chức xét nghiệm và quy định mỗi người chỉ được thực hiện xét nghiệm một lần duy nhất (miễn phí). Chúng tôi đề nghị thủ trưởng các đơn vị là người trực tiếp triệu tập nhân sự, phải có trách nhiệm gửi danh sách những người "thực sự đi làm" (không thể làm việc tại nhà) để chúng tôi xét nghiệm.
Người có kết quả âm tính được ra khỏi quận Gò Vấp đi làm việc nhưng không được quay lại cho đến ngày hết giãn cách. Các cơ quan, đơn vị nhà nước phải chủ động tạo điều kiện bố trí chỗ ăn, ở cho người lao động.
Đây có thể nói là vấn đề rất khó, nhưng với điều kiện hiện tại buộc các cơ quan đơn vị phải tạo điều kiện cho người lao động. Không thể vừa xét nghiệm xong, một người chạy tới chạy lui đi làm, coi như xét nghiệm như không.
Việc một người xét nghiệm âm tính không được quay về Gò Vấp cho đến khi hết giãn cách, bởi với một người dù kết quả xét nghiệm âm tính nhưng chưa chắc họ không mắc bệnh; chưa kể khi đi làm họ có thể lây nhiễm từ các nguồn bên ngoài.
Quy định này "cắt ngang" kịp thời các nguy cơ, trong đó có nguy cơ từ người đang trong thời kỳ ủ bệnh mà chưa phát hiện (giá trị của xét nghiệm 3 ngày, thời gian phát bệnh từ 1-14 ngày)
* Còn đối với cơ quan, đơn vị có trụ sở ở quận Gò Vấp thì xử lý ra sao, thưa bác sĩ?
- Với trường hợp này thì không cần phải xét nghiệm. Theo văn bản chỉ đạo, thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm bố trí tối đa không quá 1/3 số lượng người lao động làm việc tại trụ sở; đảm bảo thực hiện nghiêm việc khai báo y tế trên tokhaiyte.vn khi ra vào quận Gò Vấp theo quy định.
* Có nhiều công ty, doanh nghiệp, tập đoàn có nhân viên sinh sống trên địa bàn quận Gò Vấp cũng khá băn khoăn, liệu họ có được chuyển danh sách nhân viên cần xét nghiệm không?
- Đối với các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn có cả mấy chục ngàn người, do đó việc xét nghiệm là không thể làm nổi, trường hợp nếu là chuyên gia cần thiết phải đi làm, chúng tôi cũng chỉ chấp nhận xét nghiệm vài ba người thôi.
Nội dung văn bản cũng nêu rõ giao các địa phương chịu trách nhiệm rà soát, theo dõi khuyến khích các đơn vị hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết.
An Giang hạn chế các loại xe từ vùng có dịch
Chốt kiểm soát do Công an TP Long Xuyên, An Giang tổ chức trên tuyến quốc lộ 91 đoạn giáp TP Cần Thơ để kiểm tra người và phương tiện từ ngoài vào tỉnh - Ảnh: BỬU ĐẤU
* An Giang chặn xe khách, taxi, xe chở hàng từ vùng dịch về ngang qua tỉnh này có đúng không, cụ thể ra sao? (Trần Minh Chiến, TP.HCM)
- Chiều 5-6, ông Nguyễn Phú Tân - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang - cho biết hàng hóa thiết yếu vẫn lưu thông bình thường từ vùng dịch vào An Giang nhưng phải tuân thủ quy định phòng chống dịch của địa phương.
Theo thông báo hướng dẫn công tác phòng chống dịch đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi về từ An Giang và vùng có dịch, Sở GTVT đã thống nhất với Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Công thương hướng dẫn như sau:
Tạm dừng toàn bộ hoạt động xe khách, theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi đi và về qua địa bàn các tỉnh có dịch như: Long An, Bạc Liêu, Trà Vinh, TP.HCM, Bắc Giang và Bắc Ninh từ 0h ngày 1-6 cho đến khi có thông báo mới. Riêng tỉnh Đồng Tháp áp dụng từ 17h chiều 3-6.
Riêng đối với hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ thiết yếu đi từ vùng dịch về An Giang vẫn lưu thông được với điều kiện lái xe, người bốc xếp hàng hóa theo xe có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền đã được tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, hoặc phải có kết quả xét nghiệm Realtime-PCR âm tính trong vòng 5 ngày trước khi đến An Giang.
Trường hợp không đảm bảo được 2 yêu cầu trên, phải đổi tài xế người trong tỉnh An Giang trước ngõ vào tỉnh có sự giám sát của cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 theo quy định.
Công an tỉnh An Giang cũng thành lập 9 tổ, chốt đóng quân tại các cửa ngõ vào tỉnh An Giang. Xe khách, xe du lịch từ tỉnh có dịch được yêu cầu quay đầu xe.
* Người từ TP.HCM về An Giang sẽ phải cách ly tập trung theo quy định của tỉnh này có phải không?
- Tỉnh An Giang cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả các trường hợp đi về từ vùng dịch, vùng thực hiện theo chỉ thị số 15 và chỉ thị số 16 về An Giang từ ngày 2-6 đều phải áp dụng biện pháp cách ly y tế như sau: cách ly tập trung 21 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày 14 và ngày 20 đối với người về từ vùng tâm dịch, vùng thực hiện theo chỉ thị 16; cách ly tại nhà 14 ngày đối với người về từ vùng thực hiện theo chỉ thị 15.
Các trường hợp về từ ngày 16-5 đến ngày 30-5 theo dõi sức khỏe tại nhà, khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc, báo ngay cho trạm y tế khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác...
Không tổ chức đón, tiếp khách (từ các tỉnh, thành phố đang có ca mắc trong cộng đồng) tại cơ quan, trụ sở làm việc. Trong thời gian này, không giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi ra ngoài tỉnh.