Những ngày gần đây, chứng kiến hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đang oằn mình chống dịch; kinh tế, xã hội ảnh hưởng nặng nề; rồi trực tiếp tiễn những đồng chí, đồng đội của mình vào tâm dịch thực hiện nhiệm vụ; có những đồng đội ở nơi xa vì nhiệm vụ phòng dịch mà không về chịu tang mẹ được, có đồng chí chưa thực hiện được lời hứa: “Hết dịch bố sẽ về” với con... đã khiến trong lòng Đại úy Vũ Văn Quốc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1 dâng lên những cảm xúc khó tả.
Đặc biệt, khi chứng kiến sự đồng lòng của cả nước hướng về Bắc Giang, Bắc Ninh, khi các đoàn bác sĩ, nhân viên y tế từ nhiều địa phương trên cả nước (thậm chí ngay cả những vùng cũng đang là điểm nóng dịch bệnh như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…) lên đường chi viện cho hai địa phương này; rồi hình ảnh hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội; giảng viên, sinh viên y khoa đã “xếp bút nghiên”, những cán bộ y tế nghỉ hưu của địa phương cũng tình nguyện xin về vùng tâm dịch để kề vai, sát cánh cùng đồng đội và nhân dân chống Covid-19… trở thành nguồn cảm hứng, thôi thúc để Đại úy Vũ Văn Quốc viết nên ca khúc "Có một nghề".
Tìm kiếm thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại Tiểu khu 67. Ảnh: Trình Hà/qdnd.vn |
Chỉ trong khoảng 1,5 tiếng đồng hồ (từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ ngày 23-5), với cây đàn ghi ta và cây bút, anh đã vừa viết lời, vừa ghi lại giai điệu bài hát và ca khúc này đang được cộng đồng mạng chia sẻ, đánh giá đi vào lòng người bởi những ca từ rất thật, rất gần gũi qua các câu chuyện đời thường của chính đồng đội mình, những người đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, cũng như những người đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước!
Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Vũ Văn Quốc cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, ngày xưa có tên là làng Phan, nay là thôn Phan Thượng, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Cuộc sống của anh cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác khi kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ lam lũ, vất vả quanh năm, cơm ăn không đủ 3 bữa, cũng có lúc phải độn khoai, độn sắn. Tuy vậy, tuổi thơ của anh cũng vẫn trôi đi êm đềm như một giấc mơ, không có sóng gió, không nhiều biến cố và cũng không phải suy tư; mà nó rất vô tư, hồn nhiên như đúng nghĩa vốn có của hai từ trẻ th
“Cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, lực lượng cứu hộ Quân khu 5 dầm mưa nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong đợt mưa lũ tháng 10-2020 tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Văn Chung/qdnd.vn |
Tháng 9 năm 2008, bước vào tuổi 18, Vũ Văn Quốc trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị, với anh đây là ngưỡng cửa đầu tiên của cuộc đời mình. Trải qua 5 năm học tập, rèn luyện, sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại công tác tại chính ngôi trường mà mình mơ ước. Từ đó đến nay, Vũ Văn Quốc đã lần lượt trải qua nhiều vị trí công tác và hiện nay đang được điều động về thực tế chức vụ Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng (Quân khu 1) anh hùng.
Đại úy Vũ Văn Quốc tâm sự, qua 3 năm phấn đấu, cống hiến và công tác tại một đơn vị chủ lực đủ quân với nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và cơ động thực hiện các nhiệm vụ do Bộ, Quân khu và Sư đoàn giao, anh có dịp đem những gì được trang bị tại Nhà trường ra áp dụng, so sánh với thực tiễn tại đơn vị cơ sở. Tuy đặc thù mỗi đơn vị, mỗi môi trường công tác khác nhau, nhưng ở đây, anh cảm nhận được một nhịp sống hối hả với cường độ huấn luyện, công tác lớn, yêu cầu nhiệm vụ cao, thường xuyên có những tình huống bất ngờ, đòi hỏi mỗi quân nhân luôn phải ở tâm thế sẵn sàng và có quyết tâm sắt đá mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ga Ry (Bộ đội Biên phòng Quảng Nam) giúp nhân dân Tây Giang dựng lại nhà sau bão số 9. Ảnh: Huỳnh Chín/qdnd.vn |
“Tôi đã trực tiếp cùng cán bộ, chiến sĩ đi cứu dãy Nham Biền trong biển lửa tại Yên Dũng, Bắc Giang; cùng tham gia các đợt hành quân bắn đạn thật, diễn tập các cấp; luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn; làm công tác dân vận, rồi vừa qua là xuất quân vào tâm dịch, cùng chính quyền và nhân dân hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh chống “giặc” Covid-19… Cũng có lúc bản thân thấy căng thẳng, mệt mỏi, song nhờ được sống trong tình thương yêu, đùm bọc của đồng chí, đồng đội và nhân dân, chúng tôi đã vượt qua tất cả, đúng như lời thề mà sáng thứ Hai hằng tuần mỗi quân nhân đều đồng thanh hô “xin thề” dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, Đại úy Vũ Văn Quốc cho biết.
Hơn 13 năm quân ngũ, 31 năm cuộc đời, anh cảm thấy thấm thía và rất ý nghĩa khi nghĩ về câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai” trong ca khúc “Một rừng cây một đời người” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Theo như ca từ thì “nghề” được nhắc tới trong bài hát là “nghề bộ đội”. Trong thời bình, dù không phải đối mặt với các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhưng cuộc đời người chiến sĩ vẫn gắn với những gian lao, vất vả, nhọc nhằn và hy sinh. Chưa bao giờ người lính biết kể công, đó là khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với Bộ đội Cụ Hồ, bởi Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trọn đời cống hiến, phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Các lực lượng cứu hộ Quân khu 4 tích cực tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 tháng 10-2020. Ảnh: Trọng Hải/qdnd.vn |
Trước thử thách Covid-19, Bộ đội Cụ Hồ luôn đi đầu trong “cuộc chiến không tiếng súng”. Bộ đội dựng lán ngủ rừng, nhường doanh trại cho người dân cách ly; chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho nhân dân như người thân trong gia đình; sát cánh với các địa phương phòng, chống dịch... Cán bộ, chiến sĩ vì nhiệm vụ chung, phải gác lại những nỗi niềm riêng: Niềm vui riêng và cả nỗi đau riêng. Là hạnh phúc lứa đôi phải gác lại chờ ngày chung vui. Là nỗi đau cha mẹ, người thân qua đời không thể về làm tròn chữ hiếu.
“Trong tâm bão, giữa đại dịch, dù là bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào… khi Tổ quốc cần, nhân dân cần, Bộ đội Cụ Hồ đều có mặt. Chính vì vậy, đừng vô tâm khi so sánh bộ đội với bất cứ ngành, nghề nào. Nếu đây là một nghề lương cao, hay cao sang, các bạn trẻ hãy đăng ký thi vào các trường Quân đội. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn chào đón những ai đủ đức, đủ tài để phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, Đại úy Vũ Văn Quốc chia sẻ.
Đại úy Vũ Văn Quốc trình bày ca khúc trong MV. Ảnh chụp từ clip. |
Lời bài hát Có một nghề
Có một nghề được gọi là lương cao
Bởi chiến tranh khói lửa đã không còn.
Có một nghề được gọi là lương cao
Trong thời bình nghề lính rất cao sang.
Có phải lính thời nay chẳng sương gió
Không có đớn đau, không phải hy sinh!
Tổ quốc ơi chúng tôi luôn thầm lặng
Hiến thanh xuân cho đất nước yên bình.
Ai còn nhớ Rào Trăng ngày ấy
Đồng đội tôi đã mãi mãi không về.
Anh nằm đó giữa rừng sâu nước lạnh
Vợ hiền, con thơ mãi mãi đơn côi!
Con xin lỗi mẹ ơi vì Covid
Mẹ ra đi con vẫn ở tuyến đầu.
Nén nhang này con khóc mẹ trên chốt
Ngày bình yên con sẽ về ôm mẹ.
Những nỗi gian lao làm sao kể xiết
Trong thời bình người lính vẫn xông pha.
Mẹ Việt ơi chúng con luôn sẵn sàng
Dẫu ra đi không hẹn ngày quay về.
Mẹ Việt ơi chúng con luôn sẵn sàng
Dẫu ra đi mãi mãi... không về!