Nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng “lò vôi”, chủ của khu du lịch Đại Nam) livestream trên mạng xã hội để “bóc phốt”, tố cáo nhiều người trong giới nghệ sĩ gây xôn xao cộng đồng mạng với lượng người theo dõi rất lớn.
Trước đó, bà Hằng cũng bị Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM mời lên làm việc và bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng liên quan đến thông tin làm tổn hại uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Trong buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vào cuối tháng 5, đại diện được ủy quyền của bà Phương Hằng đã thừa nhận bà Hằng có những thiếu sót trong phát ngôn. Bà Phương Hằng cũng cam kết sẽ rút kinh nghiệm (trong văn bản giải trình), cẩn trọng trong phát ngôn, không dùng từ ngữ làm ảnh hưởng đến người khác...
Tuy nhiên, tối 10/6, bà Phương Hằng tiếp tục livestream và sử dụng những ngôn ngữ xấu xí để đả kích người khác như: “một con quỷ đội lốt người”, “một con rắn độc”, “một sát thủ không hề tầm thường”... Buổi livestream này được bà Hằng đặt tiêu đề là “Đại hội vạch mặt”.
Nói về vấn đề này, ông Phan Viết Lượng - Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, gần đây tình trạng một số người sử dụng mạng xã hội để livestream và sử dụng các từ ngữ mang tính bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác diễn biến phức tạp, thậm chí tăng số lượng vụ việc cũng như tính chất vụ việc so với trước đây.
Theo ông Phan Viết Lượng, nhiều người hiện nay dùng mạng xã hội nhưng có hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ như dùng mạng xã hội livestream để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, đưa thông tin sai sự thật... Việc này đi quá đà, ảnh hưởng đến nhân phẩm, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân. Thậm chí có nhiều vụ việc lên đến đỉnh điểm, rất bức xúc.
“Vụ việc bà Phương Hằng diễn ra trong thời gian tương đối dài, thu hút lượng người theo dõi rất lớn. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, trao đổi và có biện pháp để sớm chấm dứt vụ việc. Những sai phạm, việc làm không chuẩn mực khi cơ quan chức năng phát hiện, nhắc nhở, có giải pháp kịp thời thì người trong cuộc sẽ phải xem lại mình. Qua đây cũng là bài học cho người sử dụng mạng xã hội, cần nhớ rằng mặt trái của mạng xã hội rất nhiều, phải nâng cao ý thức khi sử dụng.” - ông Phan Viết Lượng nói.
Đã đến lúc cần xử lý nghiêm
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cũng nhấn mạnh, mạng xã hội tuy là môi trường ảo nhưng cũng có những quy định, luật pháp cụ thể và mỗi công dân có nghĩa vụ tuân thủ theo pháp luật.
Pháp luật đã có nhiều quy định để quản lý môi trường mạng, nhằm giới hạn hành vi của các chủ thể, để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể khác. Đặc biệt phải kể đến Luật An ninh mạng và các văn bản về quản lý hoạt động bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện.
“Tôi nghĩ đã đến lúc cần xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ hơn nữa môi trường mạng” – Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên quyền tự do ngôn luận cũng bị giới hạn bởi quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.
Nếu ai đó thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách quá đà, quá giới hạn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc quyền lợi của Nhà nước thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội vu khống; làm nhục người khác; Chuyển hoặc đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Vị luật sư này cũng dẫn chứng thời gian gần đây bà Nguyễn Phương Hằng nổi lên như một “sự kiện” của mạng xã hội khi liên tục livestream trên mạng xã hội bày tỏ quan điểm, thái độ đối với nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là tố cáo ông Võ Hoàng Yên và một số nghệ sĩ.
Những buổi livestream của bà Hằng được rất nhiều người theo dõi, có người ủng hộ tán thành, hùa theo thành trào lưu bới móc, quy kết. Ngoài ra cũng không ít người phản đối, chê bai, thậm chí lên mạng xã hội tố cáo bà Hằng... Sự việc như vậy đang gây những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến môi trường mạng.
“Có thể nói hoạt động trên mạng xã hội của bà Hằng và một nhóm người vài tháng gần đây đã tạo ra những mâu thuẫn giữa các nhóm trên mạng xã hội. Hiện tượng nói tục, chửi bậy, chửi bới lẫn nhau ngày càng phổ biến. Đặc biệt là hiện tượng thách đố nhau tìm ra thông tin, tìm cách xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, để đánh cắp dữ liệu, xúc phạm danh dự dần trở nên phổ biến. Những điều này làm ảnh hưởng xấu đến an ninh xã hội, thuần phong mỹ tục” – Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Trước thực trạng này, rất cần thiết có những biện pháp mạnh tay hơn nữa từ các cơ quan chức năng để chấn chỉnh./.