Chế biến tôm xuất khẩu ở Nhà máy Thủy sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau
Doanh nghiệp và người nuôi có lãi
Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Anh Khoa (Cà Mau), cho biết, dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm, do một số nước kiểm soát hàng nhập khẩu nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, khi hàng hóa đưa tới cảng phải nằm chờ cả tháng để nước sở tại lấy mẫu kiểm dịch, dẫn đến chi phí gia tăng.
Tuy nhiên, nhờ chủ động và thích ứng tốt nên từ đầu năm 2021 đến nay, công ty đã xuất khẩu tôm các loại tăng cao so cùng kỳ. Dự báo cả năm 2021, xuất khẩu của công ty tăng 2-3 lần so với với năm ngoái.
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành tôm và cũng đối diện với nhiều sóng gió do dịch Covid-19, ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện Công ty CP Chế biến thủy sản Minh Cường, bộc bạch: “Tình hình xuất khẩu tôm của doanh nghiệp những tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá. Hiện nay, công ty cố gắng duy trì sản xuất, xuất khẩu và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về phòng dịch Covid-19, với quyết tâm không để dịch bệnh vào nhà máy”.
Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, qua thống kê đến cuối tháng 5-2021, xuất khẩu tôm của tỉnh ước hơn 423 triệu USD, đạt 40% kế hoạch năm, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Tại Bạc Liêu, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm ước khoảng 280 triệu USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Các tỉnh khác ở ĐBSCL, tình hình xuất khẩu tôm cũng tăng trưởng khả quan so cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với xuất khẩu thì nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL tiếp tục mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông Phạm Văn Quắn, ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cho hay: “Mấy tháng trước, giá tôm sú loại 30 con/kg tới 200.000 - 220.000 đồng/kg, nay giảm xuống khoảng 170.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 30 con/kg hiện khoảng 130.000 - 140.000 đồng/kg… giá này người nuôi vẫn đảm bảo lợi nhuận”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong tháng 5-2021, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 790 triệu USD, tăng 24%; lũy kế xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,27 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,33 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Đây là kết quả ấn tượng trong thời điểm nhiều mặt hàng nông sản khác đang vất vả về đầu ra.
Nhiều thị trường tiềm năng
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) nhận định, xuất khẩu thủy sản của nước ta đang phục hồi. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu tới trên 120 thị trường; trong đó Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia... là những thị trường xuất khẩu thủy sản có trị giá lớn nhất.
Đối với con tôm, ưu thế là nhu cầu nhập khẩu trên thế giới đang tăng khá mạnh, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan và những nhà cung cấp khác bị giảm do chịu tác động xấu bởi dịch Covid-19. Tận dụng việc này, các doanh nghiệp của nước ta đã tăng tốc xuất khẩu tôm trong những tháng đầu năm và thu về kết quả tốt.
Dự báo trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường có mức tăng trưởng tốt đối với mặt hàng tôm của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng gia tăng xuất khẩu mặt hàng tôm vào EU, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Đối với thị trường Hàn Quốc cũng đang có những tín hiệu hồi phục tốt, kinh tế tăng trưởng khả quan, vì thế thương mại thủy sản với các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
Các thị trường khác như Australia, Canada, Anh, Nga… sẽ tiếp tục là những thị trường tiềm năng mới, bởi nhu cầu gia tăng và không gặp những bất ổn hay rào cản thị trường…
Trong thời gian qua, giá cước vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, chi phí thuê container đều tăng mạnh, cộng với việc thiếu tàu, nhiều chi phí phát sinh từ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19… đã gây gánh nặng cho doanh nghiệp xuất khẩu, làm giảm tính cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác về mặt hàng tôm. Ngoài ra, giá thức ăn cho tôm liên tục tăng lên mức 800.000 - 900.000 đồng/bao (20kg) đẩy chi phí sản xuất tăng lên. Đây là những áp lực đè lên hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL, đòi hỏi cần có giải pháp ứng phó hợp lý để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong thời gian tới… |