Ảnh minh họa.

Việt Nam đã lựa chọn giải pháp bao phủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Hàng loạt phương án đang được thực thi... Giờ đây tiêm vaccine phòng Covid-19 là quyền lợi đối với bản thân mỗi người, đồng thời là trách nhiệm đối với cộng đồng. 

Một năm rưỡi qua, đại dịch Covid-19 đã hoành hành trên khắp thế giới, làm hơn 175 triệu người mắc, cướp đi sinh mạng của gần 3,8 triệu người. Mỗi nước có mức độ ảnh hưởng của dịch đến đời sống kinh tế - xã hội khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, phần lớn các quốc gia đều bị đảo lộn đời sống cả kinh tế và xã hội.

Việt Nam đang trong làn sóng dịch thứ tư, cũng là làn sóng gây ảnh hưởng nặng nề nhất khi có tới hơn 6.780 người mắc Covid-19, gấp hơn hai lần của ba đợt trước cộng lại. Đợt dịch lần thứ tư này ghi nhận biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp và tại các sự kiện tập trung đông người… cho nên dịch đã lan nhanh, trên phạm vi rộng.

Do chưa lường hết mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh của chủng virus mới, mới đầu, một số địa phương đã có sự lúng túng, bị động. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương…, đến thời điểm này dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.

Tại hai điểm nóng Bắc Giang và Bắc Ninh, số ca mắc giảm hơn so với các tuần trước đây; đối với TP Hồ Chí Minh cũng đang huy động lực lượng tập trung truy vết, khoanh vùng, xử lý các ổ dịch không để lây lan.

Các địa phương trong cả nước luôn tập trung toàn bộ lực lượng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, chú trọng ở mức cao nhất công tác giám sát, phát hiện, xử lý các ổ dịch tại cộng đồng để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Dù vậy, từ thực tế của các nước cho thấy, để có thể ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19 thì giải pháp vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất. Hầu hết các quốc gia đã và đang phấn đấu thực hiện mục tiêu bao phủ vaccine cho ít nhất hai phần ba số dân đến hết năm 2021.

Việt Nam đã lựa chọn giải pháp bao phủ vắc-xin để tạo miễn dịch cộng đồng. Hàng loạt phương án đang được thực thi. Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp 5K+ vaccine, trong đó 5K là giải pháp ngắn hạn, trước mắt, vắc-xin là giải pháp lâu dài. Giờ đây tiêm vaccine phòng Covid-19 là quyền lợi đối với bản thân mỗi người, đồng thời là trách nhiệm đối với cộng đồng. 

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai rất đồng bộ. Có sự kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy dự phòng là cơ bản, tấn công là vấn đề quyết định. Bộ Y tế đang triển khai chiến lược vaccine, phấn đấu có đủ 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để có thể tiêm cho khoảng 75% số dân, làm tiền đề đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Qua những cuộc đàm phán, trao đổi, Việt Nam đã được các nhà cung cấp, các hãng sản xuất cam kết từ nay đến hết năm 2021 cung ứng khoảng 130 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh các kênh đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, các tổ chức quốc tế để bảo đảm đủ nguồn cung mục tiêu 150 triệu liều.

Mặt khác, để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho cuộc chiến chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19. Quỹ sẽ ưu tiên các hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu sản xuất vaccine  trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Với mục đích cao đẹp đó, ngay từ ngày đầu công bố thành lập, quỹ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo quần chúng nhân dân. Sự đồng lòng đó tô đẹp thêm truyền thống đoàn kết, yêu nước, nhân ái của con người Việt Nam.
 
Bằng những giải pháp phù hợp, sự đồng lòng của đông đảo tầng lớp nhân dân, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.