DNSG - Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang y tế.

Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh để găm hàng khẩu trang y tế

Thời gian qua, đã có nhiều cơ sở sản xuất trong cả nước đầu tư, tham gia sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải, các trang thiết bị phòng, chống dịch với năng lực đảm bảo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt một số cơ sở đã sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, máy thở chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện nghiêm Thông báo số 253 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch trước tình hình hiện nay, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, nguồn nguyên liệu, sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường theo hướng chủ động sản xuất gắn với bảo đảm chất lượng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm. 

Ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Đề nghị tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, tăng giá bất hợp lý tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân.

Mức phạt đối với hành vi găm hàng khẩu trang

Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác mà tổ chức, cá nhân có hành vi găm hàng là vi phạm pháp luật, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, với mức phạt tiền như sau:

1. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây mà không có lý do chính đáng:

- Cắt giảm địa điểm bán hàng;

- Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó;

- Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó;

- Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.

2. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây mà không có lý do chính đáng:

- Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường;

- Ngừng bán hàng hóa ra thị trường;

- Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng;

- Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.

3. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi:

Găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó; đồng thời bị tịch thu phương tiện.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3-6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác thì bị xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa theo quy định tại Điều 48 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, với mức phạt tiền có thể lên đến 1 tỷ đồng.

Lưu ý:

Mức phạt tiền trên đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm, phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

HT