Hội nghị ADMM-15 đã thông qua Tuyên bố Bander Seri Begawan kỷ niệm 15 năm ADMM hướng tới một ASEAN sẵn sàng cho tương lai, hòa bình và thịnh vượng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN cũng nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng để Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua việc thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), theo lịch trình đã được nhất trí.
Các bên cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; hoan nghênh các sáng kiến xây dựng lòng tin như Bộ Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển đối với tàu hải quân (CUES), Hướng dẫn về tránh va chạm bất ngờ trên không đối với máy bay quân sự (GAME), Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN (ADI),…
Bên lề ADMM lần thứ 15 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8 (diễn ra từ ngày 15 đến 16-6), chiều 15-6 đã diễn ra cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN - Trung Quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự đồng chủ trì của Thiếu tướng Pehin Datu Lailaraja Dato Paduka Seri Haji Awang Halbi bin Haji Md Yussof và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình, ổn định khu vực; đánh giá cao vai trò của Trung Quốc và hợp tác quốc phòng - an ninh giữa ASEAN với Trung Quốc thời gian qua, đặc biệt trong khuôn khổ ADMM+ và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị các bên cần tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC, nhất là thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, kiềm chế các hành động, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.