Báo chí phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Công tác báo chí tuyên truyền cần đổi mới hơn và phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí.

Báo chí phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc - Ảnh 1.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản, trưa 16-6 - Ảnh: PHẠM ĐÔNG

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu kết luận hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản 6 tháng đầu năm, sáng 16-6.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng 6 tháng đầu năm công tác báo chí, xuất bản "đầy ắp sự kiện quan trọng" và "hết sức đặc biệt", thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, việc chấp hành chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí ngày càng được tăng cường. Báo chí, xuất bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị, chủ động trong thông tin, tuyên truyền, trong dự báo, phát hiện nắm bắt tình hình cũng như kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề mới trong đời sống xã hội. Những vấn đề mới, phức tạp cũng đã được nhận ra, giải quyết kịp thời…

Bên cạnh kết quả thì công tác báo chí, xuất bản 6 tháng đầu năm cũng bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, trong đó có những thiếu sót, hạn chế đã được nhận diện, chỉ ra từ lâu nhưng chậm được khắc phục. 

Cũng có những hạn chế mới nảy sinh như chất lượng tham mưu chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; công tác định hướng chính trị, tư tưởng trong thông tin trên báo chí có lúc, có trường hợp chưa thật kịp thời, thiếu chiều sâu. 

Ý thức, sự nhạy cảm chính trị của lãnh đạo một số cơ quan báo chí, xuất bản, người làm báo, người làm xuất bản còn hạn chế. 

Tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, chưa đề cao việc tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị, xu hướng khai thác, khơi gợi, đề cập lại những vấn đề lịch sử theo một quan điểm khác với quan điểm chính thống hoặc đã được kết luận trước đây. 

Thông tin thiếu toàn diện, có cách nhìn nhận những vấn đề trong đời sống xã hội theo hướng gai góc, mang tính tiêu cực tiếp tục diễn ra.

Đặc biệt, việc phát hiện, điều chỉnh, quản lý, xử lý thông tin sai sự thật, tiêu cực, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội chưa được kịp thời và nghiêm túc. Việc quản lý phóng viên, người làm báo, văn phòng đại diện còn lỏng lẻo…

 
Báo chí phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc - Ảnh 2.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông cùng lãnh đạo Hội Nhà báo VN, Hội Xuất bản VN cùng chủ trì hội nghị giao ban - Ảnh: PHẠM ĐÔNG

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh báo chí, xuất bản cần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch báo chí, xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại như tinh thần của nghị quyết đại hội Đảng.

Báo chí cần tập trung tuyên truyền thật tốt những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021 và nhiệm kỳ 2021-2026. 

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp với hội nhà báo, hội xuất bản và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản. 

Đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Các cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cơ quan báo chí, xuất bản trực thuộc; tăng cường rà soát, chấn chỉnh công tác tổ chức, điều hành hoạt động cơ quan báo chí, xuất bản để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Chú trọng quản lý hoạt động của phóng viên, cộng tác viên, phóng viên thường trú…

"Báo chí phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Công tác tuyên truyền cần đổi mới hơn. Muốn vậy các cơ quan quản lý, chủ quản cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí. Cần hiện đại hóa báo chí trong thời đại khoa học công nghệ phát triển để báo chí có điều kiện hoạt động, phát triển hiện đại hơn…" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa kết luận.