Thông thường, vào tháng 6 hàng năm - trước thềm 21/6: Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi hay có thói quen viết một cái gì đó về công việc, nghề nghiệp của mình. Báo chí - làm báo, một lĩnh vực và công việc mà 30 năm trước khi còn ở trường đại học tôi đã “bén duyên” và bắt đầu bằng các bài viết về văn nghệ. Chất men say ấy đã trở thành nghiệp, ngay sau khi tốt nghiệp tôi đã xin về một tòa soạn, và được nhận làm phóng viên…
Báo chí có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

Báo chí có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

Có thể nói tuổi nghề với 3 thập kỷ làm báo của tôi gắn liền với trào lưu, chủ trương “đổi mới” của đất nước (1991 - 2021). Một chặng đường, giai đoạn mà Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi trong đường lối mở cửa nền kinh tế, thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài và ghi nhận những thành quả quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Một Việt Nam mà hôm nay như đang nhìn thấy, chạm đến những vận hội lớn trong tương tác và định vị vị thế trong bức tranh toàn cầu. Đây chính là vinh dự và thành tựu của đổi mới.

Khi đang suy nghĩ về những thành công mà đất nước đã đạt được, khởi đi từ làn gió mát của Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) với thông điệp mạnh mẽ trong cụm từ “đổi mới” được cộng đồng quốc tế ghi nhận về các bước phát triển của Việt Nam trong suốt 35 năm qua, trong đó có vai trò đóng góp của báo chí. Một đồng nghiệp gọi điện mời tham gia diễn đàn, chủ đề: “Có nên quản lý báo chí theo tôn chỉ, mục đích…?” và nhờ tôi có nội dung tham gia.

Quả thật, chính câu hỏi này, hay nói đúng hơn là chủ đề bàn luận trên đã làm tôi có chút băn khoăn. Câu hỏi trong tôi đặt ra là tại sao chúng ta đặt lại vấn đề này trong thời kỳ được gọi là thời đại công nghệ 4.0?

Theo tôi, nhân loại đã bước sang thập kỷ thứ 3 của thiên niên kỷ thứ 3. Thời đại mà khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo… đang chứng minh năng lực siêu hạng trong khả năng kết nối và dẫn dắt thế giới với tần suất tạo ra các cuộc cách mạng ngày càng nhiều và tư duy nhận thức của con người đương đại cũng chịu sự tác động, thay đổi trước những thành tựu của khoa học công nghệ. Và như thế, ý niệm báo chí - hoạt động báo chí - tư duy báo chí… cũng sẽ là một bộ phận bị chi phối bởi xu thế công nghệ và tâm lý người đọc. Đó là tất yếu.

Đời sống báo chí được nhận thức và vận hành, nhìn chung tương đồng và phù hợp trước các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trước các tiếng nói và nguyện vọng chính đáng của người dân…

Đời sống báo chí được nhận thức và vận hành, nhìn chung tương đồng và phù hợp trước các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trước các tiếng nói và nguyện vọng chính đáng của người dân…

Một cách sinh động đời sống báo chí được nhận thức và vận hành, nhìn chung tương đồng và phù hợp trước các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trước các tiếng nói và nguyện vọng chính đáng của người dân… Đây chính là những bước chuyển quan trọng, góp phần tạo nên những thành tựu lớn của đất nước nhìn trên phương diện phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân, tiến bộ và công bằng xã hội, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế… mà báo chí Việt Nam trong 3,5 thập kỷ qua đã cùng với các chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước có đóng góp rất quan trọng làm nên những thắng lợi.

Do vậy, trước các thành tựu về khoa học công nghệ mới, chúng ta càng không nên làm nhỏ đi vai trò báo chí thông qua các quy định giới hạn tôn chỉ, mục đích cho từng cơ quan báo chí, dễ dẫn đến sự phân mảnh trong hoạt động báo chí. Để khi có những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước cần sự hiệu triệu… sẽ giảm hẳn tính linh hoạt và động lực mà báo chí có khả năng đồng hành, kết nối, góp phần làm nên những thành công to lớn của đất nước như báo chí từng tham gia, đóng góp và được ghi nhận.

Từ cách tiếp cận vấn đề trên, chúng ta nên xem báo chí như là một hoạt động nghề nghiệp, một bộ phận trong Nhà nước pháp quyền. Có nghĩa là chúng ta không nhất thiết phải đặt lại vấn đề nên hay không nên quản lý báo chí thông qua các quy định, theo tôn chỉ, mục đích gắn với cái tên tờ báo (manchette)... Vì như thế vô hình chung sẽ giới hạn tính năng động, sáng tạo và quyền được thông tin sự thật của báo chí (nhìn ở góc độ quyền hạn và tư duy người làm báo); các tương tác mang tính phản biện, đồng hành... là chức năng của báo chí, làm điểm tựa cho phát triển xã hội.

Muốn có một nền báo chí lành mạnh, phục vụ cho những giá trị xã hội văn minh, tiến bộ… đòi hỏi đất nước phải có một lực lượng người làm báo, một mặt bằng báo chí có trình độ, có nghiệp vụ, có đạo đức, yêu nghề và yêu nước. Ở phương diện này có thể nói rằng vai trò của các Cơ quan quản lý báo chí/ Hội của những người làm báo lâu nay chưa làm tốt vai trò của mình. Nghĩa là chưa gắn kết cộng đồng báo chí thông qua công tác quản lý; thiếu các liên kết tổ chức đào tạo nguồn nhân lực trong ngành báo chí; thiếu các sinh hoạt và huấn luyện đạo đức nghề nghiệp gắn với trách nhiệm tôn trọng pháp luật của người làm báo;… và thiếu cả chức năng làm “đầu tàu” trong việc xây dựng phát triển nền báo chí nước nhà tiên tiến trước các tiến bộ trong ứng dụng khoa học công nghệ, trước yêu cầu số hóa để hội nhập phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Như vậy, chúng ta nên tập trung xây dựng nền báo chí tiên tiến, hiện đại gắn với khoa học công nghệ làm động lực phát triển và tiến bộ xã hội hơn là loay hoay đi tìm các ứng phó trong cách quản lý đã không còn phù hợp với thực tiễn khách quan của đời sống báo chí trước yêu cầu đổi mới phát triển của đất nước.