800.000 liều vắc xin trong số gần 1 triệu liều vừa được Nhật Bản tặng sẽ được chuyển tới TP.HCM trong sáng nay 17-6. TP.HCM sẽ sử dụng số vắc xin này như thế nào?
Theo thông tin tại cuộc làm việc của bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch COVID-19 và Sở Y tế TP.HCM vào chiều 16-6, 800.000 liều này sẽ tiêm xong trong thời gian 5-7 ngày.
Chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng 800.000 liều
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ngành y tế TP đã xây dựng các kế hoạch triển khai tiêm chủng với nhiều kịch bản khác nhau, dựa trên số lượng vắc xin được phân bổ từ 500.000 liều cho đến 10.000.000 liều.
Với 800.000 liều được phân bổ trong đợt thứ 4, ngoài các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến tiêm chủng cho các đối tượng: người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng khoảng 1 triệu người.
Về việc tổ chức tiêm chủng, TP.HCM dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng bao gồm các điểm tiêm chủng tại trung tâm y tế, trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày, tại mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày.
Để thực hiện, TP.HCM sẽ huy động tổng lực các lực lượng từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn, các bệnh viện đa khoa thành phố, quận, huyện; các đơn vị bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế, trạm y tế… để đáp ứng quy mô, tiến độ.
Đối với các phản ứng bất lợi sau tiêm, tại tất cả các điểm tiêm sẽ được chuẩn bị hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu; bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm với lực lượng mỗi đội gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng;
Tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn sẵn sàng vận chuyển người đến bệnh viện khi cần thiết; đồng thời cũng tổ chức theo dõi sau tiêm, cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần…
Danh sách tiêm chủng hoàn thành trong ngày 18-6
Theo ông Nguyễn Vũ Thượng - phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nên chủ động xây dựng danh sách để phân chia các nhóm tiêm theo từng nhóm, từng mốc thời gian để hạn chế tập trung đông người, tuân thủ các quy định về việc đeo khẩu trang; nên xây dựng hệ thống hotline cũng như số điện thoại tư vấn để người được tiêm chủng có thể liên hệ khi cần.
Đối với người trên 65 tuổi mà TP.HCM dự định tiêm đợt này, cần xin ý kiến chỉ đạo để đảm bảo quy định về mặt pháp lý. Cân nhắc việc triển khai kế hoạch tiêm chủng lưu động tại các địa điểm như trường học, nhà văn hóa để tận dụng các nguồn lực ứng trực, cấp cứu… đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng bộ phận thường trực tại TP.HCM, dựa trên tiến độ dự kiến, danh sách đối tượng tiêm chủng phải được hoàn thành trong ngày 18-6, với các thông tin về nhóm đối tượng, địa chỉ, nơi làm việc, địa điểm tiêm...
Ông Sơn yêu cầu xây dựng lịch tiêm chủng cho từng nhóm đối tượng để hạn chế tập trung đông người. Phòng chờ sau tiêm nên bố trí các ghế ngồi có lưng dựa. Hotline cần phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giải đáp thắc mắc của các đối tượng được tiêm.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Thứ trưởng Sơn giao Bệnh viện Chợ Rẫy làm đầu mối phụ trách làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực hỗ trợ TP.HCM triển khai kế hoạch tiêm chủng; giao Đại học Y dược TP.HCM tổ chức tập huấn toàn bộ lực lượng tham gia tiêm chủng, hoàn tất trong ngày 18-6.
Tối muộn 16-6, gần 1 triệu liều vắc xin Nhật Bản tặng đã về tới Việt Nam, 800.000 liều trong số này chuyển tới TP.HCM trong sáng nay 17-6, số còn lại được chuyển cho 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cũng đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng tại các địa điểm rộng như sân vận động, với số lượng tiêm chủng 200.000 mũi/ngày. Tuy nhiên khó khăn của Hà Nội hiện nay là chưa tiếp cận được nguồn vắc xin.