Việt Nam là quốc gia có năng suất mủ cao su thiên nhiên vượt trội, nhưng lợi nhuận từ mủ cao su mang lại chưa thực sự hấp dẫn. Để phát huy lợi thế về nguồn lực đất đai và tạo sức cạnh tranh sản phẩm cao su Việt Nam trên trường quốc tế, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang tái cơ cấu hoạt động, triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm công nghiệp cao su.
Mở rộng biên lợi nhuận từ đất
Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam, từ năm 2013-2020, Việt Nam đều dẫn đầu châu Á về năng suất mủ cao su với trung bình từ 1,67 tấn đến 1,72 tấn/ha/năm. Năm 2019, trong 7 nước có sản lượng và năng suất mủ cao su thiên nhiên dẫn đầu thì Việt Nam đạt mức cao nhất 1,67 tấn/ha/năm, vị trí thứ 2 là Thái Lan với 1,48 tấn/ha/năm, kế đến là Malaysia 1,46 tấn, Ấn độ 1,44 tấn, Campuchia 1,15 tấn, Indonesia và Trung Quốc xấp xỉ 1 tấn/ha/năm. Ước tính năng suất mủ cao su bình quân Việt Nam hiện nay vẫn đạt 1,67 tấn/ha/năm và tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về năng suất mủ cao su ở khu vực châu Á. VRG hiện có 12 công ty thành viên, 80 nông trường trực thuộc nằm trong danh sách “Câu lạc bộ 2 tấn”, một số nông trường đã đạt năng suất 3 tấn/ha. Câu lạc bộ 2 tấn/ha trở thành nhân tố nòng cốt để VRG hoàn thành các kế hoạch về sản lượng, doanh thu của đơn vị, cũng như nâng cao thu nhập của người lao động.
Tuy Việt Nam có lợi thế năng suất, nhưng do giá mủ cao su duy trì ở mức thấp trong nhiều năm qua khiến lợi nhuận từ cao su mang lại chưa cao. Phương án chuyển đổi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất là xu hướng phù hợp đã được VRG thúc đẩy triển khai. Tính đến năm 2020, Tập đoàn đã phê duyệt thực hiện hai khu NNCNC tại các Công ty CP Cao su Phước Hòa, Công ty CP cao su Đồng Phú và 13 dự án NNCNC với tổng diện tích hơn 4,3 nghìn ha. Đến nay, VRG đã thực hiện được 5 dự án, tổng diện tích 586 ha.
Từ năm 2016, VRG đã tạo hành lang cho một số đơn vị thành viên triển khai thí điểm làm NNCNC. Tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng tại Bình Dương với dự án đầu tiên trồng 117 ha chuối cấy mô hợp tác theo mô hình liên doanh liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) với thương hiệu Chuối Dole (thương hiệu nông sản nổi tiếng thế giới của Hoa Kỳ). Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết: “Chuối sau khi thu hoạch, sơ chế và đóng gói sẽ được xuất khẩu sang thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Sản phẩm từ chuối giúp lợi nhuận công ty thu được tăng đáng kể so với trồng cây cao su. Cụ thể, trong năm 2020, doanh thu từ chuối hơn 63 tỷ đồng, lợi nhuận từ chuối đạt khoảng 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm, cao hơn hàng chục lần so với trồng cao su. Từ kết quả đó, Công ty dự kiến sẽ mở thêm trên 1,3 nghìn ha để trồng chuối chuyên canh.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (Bình Phước), cũng đang đạt hiệu quả bước đầu khi thử nghiệm mô hình ứng dụng NNCNC 80 ha trồng xen canh chuối già Nam Mỹ giữa các lô cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Theo tính toán, mô hình trồng chuối xen cao su đem lại lợi nhuận từ 3,5-5 triệu đồng/ha. Riêng đối với các dự án trồng chuối chuyên canh, lợi nhuận cố định hàng năm khoảng 40 triệu/ha, cao hơn nhiều lần so với cây cao su. Trong 10 năm tới, Cao su Bình Long dự ki phát triển diện tích NNCNC từ một nghìn đến hai nghìn ha. Riêng từ nay đến 2025, công ty sẽ phát triển khoảng 500 ha diện tích trồng chuối, kể cả trồng xen canh lẫn trồng chuyên canh.
Tạo chuỗi sản phẩm công nghiệp cao su
Trong những năm qua, sản phẩm cao su thiên nhiên xuất khẩu của VRG đã khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế, nhưng hiệu quả từ sản phẩm cao su mang lại chưa cao. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới, VRG xác định nhiệm vụ phải kéo dài chuỗi sản phẩm từ nông nghiệp đến sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su có giá trị cao và cung ứng dịch vụ cho chuỗi sản phẩm này.
Hiện nay, VRG có sáu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp cao su đã phát triển một số sản phẩm như: Nệm, gối từ cao su thiên nhiên của Công ty CP Kỹ thuật Cao su Đồng Phú (DORUFOAM); Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… thương hiệu Geru Star của Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru, sản lượng trên 1,2 triệu quả/năm; Băng tải, dây curroie của Công ty CP Cao su Bến Thành, sản lượng 113.000m2/năm; Chỉ sợi cao su, thun bản, thun luồn, chỉ thun cover… của Công ty CP chỉ sợi VRG SADO, sản lượng trung bình 3 nghìn tấn/năm; Sản phẩm “đồ chơi cho thú cưng” của Công ty CP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Cao su với sản lượng trung bình 1,5 triệu sản phẩm/năm (chiếm khoảng 10 – 15% sản lượng tiêu thụ của khách hàng trên cả nước); Sản phẩm lốp xe tải và lốp xe gắn máy thương hiệu«««VRG với 15 chủng loại sản phẩm, hiện đã phân phối phân phối trên ba nghìn bộ lốp xe tải và trên 31 nghìn chiếc lốp xe gắn máy phục vụ cho các đơn vị thành viên Tập đoàn; Công ty CP Cơ khí Cao su thiết kế, sản xuất và lắp đặt tương đương 85% nhu cầu thiết bị chế biến cao su thiên nhiên của toàn ngành cao su trong nước…
Nổi bật nhất trong lĩnh vực công nghiệp cao su của VRG có thể kể đến sản phẩm găng tay y tế của Công ty CP VRG Khải Hoàn có nhà máy đặt tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, nhu cầu găng tay y tế toàn cầu tăng cao. Nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của các thị trường khó tính, găng tay y tế VRG Khải Hoàn đã chinh phục được các thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Australia… Năm 2020, công ty đạt kết quả kinh doanh ngoài dự kiến với tổng doanh thu hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 440 tỷ đồng. Ông Dương Duy Phú, Tổng giám đốc công ty CP VRG Khải Hoàn, cho biết: “Hiện, các đối tác đã ký đơn hàng găng tay y tế đến hết năm 2021, thậm chí cả năm 2022. Do đó, các công xưởng sản xuất phải chạy hết công suất 24/24. Gần 1,3 nghìn công nhân của công ty thay nhau làm ba ca liên tục. Dựa trên tính toán nhu cầu găng tay y tế trong tương lai, công ty đang triển khai xây dựng thêm một nhà máy nữa, nâng tổng công suất sản xuất găng tay lên mức 5 tỷ chiếc/năm, gấp đôi hiện tại. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quí III, năm 2021.”
Trong những năm qua, sản phẩm bóng thể thao của Công ty Cổ phần thể thao Ngôi Sao Geru được các quốc gia như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Nam Phi… rất ưa chuộng. Mỗi tháng, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu từ 70.000 đến 100.000 USD vào các thị trường khó tính này (tăng 15-20% so với cùng kỳ năm 2020). Ông Trần Văn Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru, hồ hởi cho biết: “Nhờ thường xuyên cải tiến chất lượng và mẫu mã nên công ty thường xuyên nhận được các hợp đồng dài hạn của các khách hàng nước ngoài. Trong đó, công ty đang thực hiện hợp đồng cung ứng bóng tập luyện một môn thể thao dành cho người khuyết tật của nhiều quốc gia tham dự kỳ Thế vận hội Paralympic Mùa hè lần thứ 16 dự kiến tổ chức tại Tokyo vào cuối tháng 8 năm nay. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng phát triển thị trường trong nước. Trung bình mỗi tháng, công ty cung ứng cho thị trường nội địa khoảng 40.000 bóng thể thao.”
Theo đáng giá của VRG, sản xuất công nghiệp cao su của tập đoàn VRG là lĩnh vực còn non trẻ so với nhiều thương hiệu khác cùng chủng loại nên còn hạn chế về quy mô và sản lượng, nhưng cũng có những sản phẩm đã khẳng định chất lượng, nhận được sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài nước. Ước tính năm 2020, các doanh nghiệp công nghiệp cao su đóng góp doanh thu cho VRG khoảng 2,8 nghìn tỷ đồng. Ông Huỳnh Tấn Siêu, Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết: “Trong thời gian tới, ngành cao su cần có chiến lược dài hạn, tạo dựng thương hiệu VRG chung cho các sản phẩm công nghiệp cao su, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm công nghiệp thương hiệu VRG. Bên cạnh đó là cải tiến chất lượng, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, kiểm soát chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp hiện có của năm công ty công nghiệp cao su. Thời gian tới, VRG sẽ hợp tác, liên kết, kêu gọi đầu tư thông qua một số đơn vị sản xuất có chuyên môn và sẽ mở rộng qui mô khi hoạt động ổn định và có hiệu quả.”