Tiêm vaccine Covid-19 tại khu công nghệ cao TP HCM, sáng 19-6. Ảnh: CAO THĂNG
Sáng 19-6, tại Công ty FPT Software Hồ Chí Minh trong Khu công nghệ cao TPHCM diễn đã ra buổi lễ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19.
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Hoà Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Về phía Nhật Bản, nước vừa tài trợ 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam có ngài Nobuhiro Watanabe, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM.
Ngoài ra còn có đại diện các bộ, ngành trung ương cùng sở, ngành TP Thủ Đức và TPHCM; và 500 cán bộ công nhân viên Công ty FPT Software Hồ Chí Minh được tiêm vaccine Covid-19 đợt này.
Đảng, Chính phủ cám ơn nhân dân thành phố
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhắc lại, từ ngày 27-4 đến nay, Việt Nam đã bước vào trận chiến thứ 4 với “giặc Covid-19” và tại TPHCM đã ghi nhận hơn 1.100 ca mắc. Đồng chí nhắc nhở, đây là “trận chiến” có diễn biến phức tạp nhất, khó lường nhất, do có nhiều biến chủng lây bệnh với khả năng lây lan nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn, nặng hơn, vì thế số lượng ca mắc nhiều hơn và đã ảnh hưởng đến rất nhiều mặt của cuộc sống, từ sức khoẻ, thói quen sinh hoạt, gây xáo trộn các hoạt động xã hội và ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng chia sẻ những khó khăn mà TPHCM đang gặp và ghi nhận: “Trong “trận chiến” này, TPHCM bước vào tuần giãn cách thứ 3. Ba tuần giãn cách là thành phố sôi động nhất cả nước phải chấp nhận “chậm lại” để ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh; là 3 tuần các lực lượng tuyến đầu, trực tiếp tham gia chống dịch gồm y tế, quân đội, công an, biên phòng và các cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp của thành phố phải làm việc không biết mệt mỏi, không có giờ nghỉ, không quản vất vả, hiểm nguy để tận dụng từng giây, từng phút với quyết tâm cao nhất là nhanh chóng truy vết, khoanh vùng để sớm kiểm soát dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường".
Trước những nỗ lực vượt bậc của TPHCM trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đồng chí Trương Hoà Bình đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác kính yêu.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh: “Thay mặt lãnh đạo Đảng, Chính phủ tôi xin gửi lời cám ơn sâu sắc nhất đến toàn thể các tầng lớp nhân dân của TPHCM, những người đã đồng lòng, luôn hợp tác và chia sẻ khó khăn với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố trong thời gian giãn cách và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch”.
Nhắc lại kỳ tích phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đúc kết: “Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, cả thế giới lo lắng, bất an vì chữa thì không có thuốc, phòng thì không có vaccine. Tại thời điểm đó, Việt Nam tự hào đã tự chữa khỏi được cho nhiều bệnh nhân nặng, cũng chính ở thành phố này”. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, nhất là tốc độ lây lan nhanh, rộng hơn tại TPHCM, đồng chí Trương Hoà Bình lưu ý biện pháp tốt nhất là thực hiện nghiêm “5K” + vaccine, để ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng chia sẻ về nguồn cung vaccine thực sự còn hạn chế do việc mua và nhập về Việt Nam còn khó khăn, khan khiếm nhưng Nhà nước, Chính phủ đã nỗ lực đến mức tối đa, huy động, vận động bằng mọi cách sớm nhất, nhanh nhất để nhân dân được tiếp cận với vaccine; trước mắt ưu tiên cho những điểm nóng, những khu vực có nguy cơ cao.
“TPHCM là đô thị đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, nhưng lại đang là điểm nóng của đợt dịch lần thứ 4 này. Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận 1 triệu liều vaccine hỗ trợ từ Nhật Bản, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia đã quyết định phân bổ ngay 786.000 liều cho thành phố. Số còn lại được phân bổ cho các tỉnh, thành để triển khai tiêm vaccine đợt 5”, đồng chí Trương Hoà Bình chia sẻ.
Đồng thời đồng chí cũng chỉ đạo: “Tôi biết rằng, số vaccine phân bổ đợt này chỉ đáp ứng được một phần trong số nhu cầu trên 2,3 triệu người cần được ưu tiên tiêm. Vì vậy thành phố cần triển khai tiêm cho các đối tượng đúng quy định theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và các đối tượng nguy cơ cao là công nhân, người lao động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phối hợp với Cục Y tế, Bộ Công an để hỗ trợ và tổ chức tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. TPHCM cần phát huy những kết quả đạt được của 3 lần tiêm vaccine trước, tổ chức tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm chủng đúng quy định, đúng đối tượng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất”.
Thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm chiến thắng “giặc Covid-19” của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, đồng chí Trương Hoà Bình tin tưởng: “Chúng ta sẽ cùng nhau phát huy tinh thần "chống dịch như chống giặc'', quyết tâm đưa cuộc sống trở lại "trạng thái bình thường mới''. Chiến dịch tiêm vaccine đợt 5 này tại thành phố sẽ là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. Niềm tin chiến thắng của chúng ta sẽ là động lực trong cuộc chiến đầy cam go này”.
Có 650 điểm tiêm trong cộng đồng
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TPHCM đã bước vào tuần thứ 3 của giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, chính quyền thành phố đang quyết tâm kiểm soát và khống chế dịch bằng nhiều biện pháp quyết liệt và cũng nhận được sự đồng thuận cao của người dân thành phố.
Ông Nguyễn Hữu Hưng bày tỏ, đợt dịch thứ 4 này thật sự phức tạp hơn các đợt dịch trước do nhiều yếu tố nên trong thời điểm hiện nay, việc nhận 836.000 liều vaccine, trong đó có 50.000 liều cho lực lượng quân đội và công an là thật sự rất đáng quý. Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch quốc gia dành cho thành phố.
“Đây là chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 lớn nhất của TPHCM với tốc độ triển khai thần tốc trong 7 ngày, trước khi thành phố đánh giá lại tình hình dịch bệnh để có những quyết sách quan trọng tiếp theo” - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói. |
Ông Nguyễn Hữu Hưng khẳng định, TPHCM sẽ căn cứ theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ quy định về nhóm đối tượng ưu tiên và dựa trên số lượng vaccine được phân bổ đợt này để tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng cho công nhân, người lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn nhằm đảm bảo duy trì chuỗi sản xuất, vừa thực hiện chống dịch và thực hiện mục tiêu kép theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời ông cho biết, được sự cho phép của Chính phủ, TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán và tìm các nguồn cung cấp vaccine để tiếp tục mở rộng tiêm chủng cho người dân thành phố, tiến tới nhanh nhất việc miễn dịch cộng đồng với mục tiêu đến hết năm 2021 có 2/3 người dân thành phố được tiêm vaccine Covid-19.
“Mặc dù triển khai quyết liệt và thần tốc nhưng mục tiêu đặt lên hàng đầu là phải vừa đảm bảo an toàn trong tiêm chủng vừa đảm bảo phòng, chống và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 theo quy định, lại phải vừa tuyệt đối thực hiện tiêm đến đâu an toàn tới đó.” - ông Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh. |
Khẳng định sự quyết tâm của TPHCM trong việc tiêm vaccine đúng đối tượng, đúng thời gian, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm tiêm/ngày, bao gồm điểm tiêm tại Trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm tiêm lưu động nhằm đảm bảo giãn cách xã hội trong quá trình tiêm chủng nên mỗi điểm tiêm vaccine chỉ cho 200 lượt người/ngày. Việc thực hiện đúng tiến độ thì trong 1 ngày sẻ có 200.000 lượt người được tiêm chủng và sẽ hoàn thành trước ngày 27-6.
Ngành y tế thành phố sẽ huy động tổng lực lượng của các cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm chủng hoặc công bổ đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 tham gia chiến dịch này như Viện Y học dự phòng quân đội phía Nam, Cục Quân y - Bộ quốc phòng, các bệnh viện thuộc trung ương và TPHCM…
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hưng, thực hiện sàng lọc đối tượng đầy đủ trước khi tiêm chủng theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn. Những trường hợp ghi nhận có các yếu tố cần thận trọng sẽ được khám chuyên khoa và tiêm chủng tại bệnh viện.
Tư vấn đầy đủ cho đối tượng tiêm chủng về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vaccine và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng vaccine Covid-19. Khi tiêm chủng phải tổ chức giám sát, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng đúng quy định, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc sau tiêm. Do đó, TPHCM yêu cầu các sở ngành, các đơn vị liên quan phối hợp triển khai chiến dịch tiêm chủng này đảm bảo tính hiệu quả, an toàn.