Báo Thanh Niên trở thành đơn vị tiên phong trong ứng dụng AI vào lĩnh vực báo chí khi ra mắt dự án Báo thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo để đọc tin tức và các nội dung trên trang.

Biểu tượng đọc báo bằng AI màu xanh ở góc giao diện có thể thực hiện mệnh lệnh bằng giọng nói trên báo điện tử Thanh Niên
 /// Ảnh: Chụp màn hình
Biểu tượng đọc báo bằng AI màu xanh ở góc giao diện có thể thực hiện mệnh lệnh bằng giọng nói trên báo điện tử Thanh Niên
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
 
Báo Thanh Niên tiên phong trong xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình sản xuất nội dung để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và đòi hỏi cao của người dùng. Đối diện sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí - truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách tiếp cận truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan đã chuyển sang sử dụng AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như chia sẻ tin tức, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức phân phối theo hướng thông minh hơn.
 
Tiên phong đột phá
Tại Việt Nam, ngày 5.1.2021, Báo Thanh Niên trở thành đơn vị tiên phong trong ứng dụng AI vào lĩnh vực báo chí khi ra mắt dự án Báo thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo để đọc tin tức và các nội dung trên trang. Anh Trần Cao Minh Tuấn - trưởng nhóm AI của TechX Corporation, đơn vị hợp tác triển khai dự án trên, cho biết ý tưởng xuất phát từ thực tế người đọc không có nhiều thời gian đọc báo, từ đó hình thành nhu cầu nghe thông tin để tối ưu cho đặc thù công việc riêng.
“Việc ứng dụng AI đọc báo giải quyết được 2 vấn đề: đáp ứng được lập tức nhu cầu của độc giả muốn tiếp nhận thông tin theo nhu cầu cá nhân, đồng thời tiết kiệm thời gian cho họ. Thời gian nghe để hiểu sẽ ngắn hơn đọc, trong khi vẫn rảnh rang cho công việc khác. Điều này cho thấy báo thông minh tiện và sẽ được sử dụng nhiều hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo chuyên gia này, trước đó trên thị trường mới chỉ có một hoặc hai đơn vị hỗ trợ trợ lý ảo nhưng chưa thể tương tác và đáp ứng, phản hồi lại yêu cầu của người đọc. Việc Thanh Niên Online ứng dụng AI để đọc báo và tương tác thời gian thực sẽ tăng cao trải nghiệm cho độc giả. Trong tương lai, đội ngũ phát triển sẽ tiếp tục cải tiến và giữ tính ổn định cao của hệ thống, tiến tới tích hợp thêm khả năng thực thi các ứng dụng khác trên thiết bị để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.
Thay đổi mang tính đột phá nói trên đang mang lại những thành quả khả quan khi lượng người dùng tính năng báo thông minh tăng lên gần 16.000 tài khoản. Trong đó, số lượng tương tác với AI rất cao, có thời điểm đạt đến 15.000 yêu cầu từ người dùng. Theo đội ngũ quản trị, mỗi tháng có thêm khoảng 4.000 người dùng mới và khoảng 6.000 lượt yêu cầu tương tác mỗi tuần. AI được sử dụng để tương tác về nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, từ thời sự, văn hóa, giải trí, đời sống tới công nghệ thông tin. Sau hơn 5 tháng chính thức đi vào hoạt động, các chủ đề độc giả đặt ra cho AI luôn sát hơi thở cuộc sống, như liên quan tới dịch Covid-19, vấn đề lên đồng, mê tín dị đoan hay gần đây xoay quanh câu chuyện nghệ sĩ tham gia quảng cáo...

Báo chí chuyển mình cùng trí tuệ nhân tạo

Báo chí chuyển mình cùng trí tuệ nhân tạo - ảnh 1

Ảnh: NVCC

“Chào Thanh Niên”

“Khả năng nghe, hiểu giọng địa phương của AI tính năng báo thông minh trên Thanh Niên Online rất chuẩn xác. Tôi thích AI của Thanh Niên Online bởi thường phải trông con nhỏ và làm việc nhà, chỉ cần để máy tính ở bàn khi nấu ăn, nói “Chào Thanh Niên” và đọc từ khóa tìm kiếm, chọn bài báo mình thích và yêu cầu AI đọc giúp. Việc này rất tiện để vừa nấu nướng, dọn dẹp, hoặc khi chơi với con mà vẫn “đọc” báo, cập nhật tin tức mà không cần phải ngồi một chỗ nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại. AI có khả năng đọc khá hay và tự nhiên, việc tìm kiếm từ khóa xen lẫn tiếng Anh và tiếng Việt tôi đánh giá ổn. Sắp tới, hy vọng AI có thể liên kết được với nhiều kho nhạc và luyện nghe được nhiều từ khóa chứa tên người nước ngoài hơn”.
Trương Đức Hạnh (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
Báo chí chuyển mình cùng trí tuệ nhân tạo - ảnh 2

Cần giọng đọc riêng của Thanh Niên

Ảnh: NVCC

“Nhờ AI đọc báo nên đỡ mất thời gian vì có thể vừa làm việc vừa nghe đọc báo chỉ bằng mấy khẩu lệnh ngắn ngọn. Tôi nghĩ nếu có giọng đọc riêng cho Báo Thanh Niên với chất giọng tình cảm hơn giọng tự động hiện nay thì tốt hơn nhiều. Tôi cũng mong muốn AI được bổ sung thêm cơ sở dữ liệu, khả năng nhận dạng lệnh cũng như phong phú hóa nội dung tìm kiếm hơn nữa”.
Phạm Đình Thịnh (họa sĩ, Q.7, TP.HCM)
Báo chí chuyển mình cùng trí tuệ nhân tạo - ảnh 3

Cải thiện khả năng nhận dạng lệnh

“Một số trường hợp lệnh bằng giọng nói không nhận dạng được nên mình phải thao tác bằng tay qua lệnh gõ văn bản. Mình hy vọng trong các bản cập nhật sắp tới, AI có thể đọc và ngắt nghỉ giữa các tiêu đề bài báo thay vì đọc liền mạch như hiện nay để giúp người nghe dễ dàng phân biệt các nội dung”.
Nguyễn Đại Nghĩa (sinh viên Trường cao đẳng FPT, Hà Nội)
Anh Quân (ghi)
Cùng với Thanh Niên, hiện có nhiều cơ quan truyền thông báo chí trong nước cũng đã và đang bắt đầu ứng dụng AI ở một số quy trình đặc thù để giảm tải cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Trong đó có việc ứng dụng AI vào chắt lọc, phân loại và dự đoán xu hướng tin tức, cải thiện tốc độ và trải nghiệm phân phối thông tin tới bạn đọc. Nhưng tiềm năng của AI còn nhiều hơn thế, đặc biệt là những thuật toán được bản địa hóa cao, chẳng hạn AI nhận diện giọng nói tiếng Việt hiện đang được ứng dụng để nhận lệnh thoại, bóc tách nội dung ghi âm và thậm chí là phiên dịch trực tiếp hoặc sử dụng để đọc báo online như cách Thanh Niên đang làm.
Chia sẻ về sự thay đổi đột phá của Báo Thanh Niên, bà Trâm Nguyễn, Giám đốc quốc gia của Google phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia, cho biết: “Bước vào kỷ nguyên số, khi thói quen và hành vi người dùng đã có rất nhiều thay đổi thì mối quan hệ giữa báo chí và công nghệ lại cần thiết phải tương hỗ, gắn bó mật thiết hơn để kịp thời đưa ra những sản phẩm tin tức, nội dung thông tin chất lượng cao đến với người đọc trên các nền tảng kỹ thuật số. Tôi đánh giá rất cao sự không ngừng cải tiến, sáng tạo của Báo Thanh Niên khi tiên phong đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo và nền tảng dữ liệu đám mây vào sản phẩm “Báo thông minh” để phục vụ được bạn đọc một cách tốt nhất mọi lúc, mọi nơi. Tôi tin rằng từ thành công đột phá của Thanh Niên, nhiều tòa soạn sẽ tự tin đầu tư vào công nghệ để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số báo chí”.
Tương lai của AI báo chí - truyền thông
Nhà báo Phạm Hồng Phước, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí CNTT-TT eChip, cho biết: “Thế mạnh của AI là xử lý dữ liệu lớn để cho ra các kết quả nhanh chóng, chính xác và toàn diện hơn. Ví dụ, khi phóng viên cần viết về một đề tài nào đó, AI có thể “quét” khắp các cơ sở dữ liệu để thu thập các dữ liệu có liên quan và thậm chí có thể gợi ý, đề xuất những hướng xử lý. Không chỉ nâng tầm cho khả năng của con người, AI còn giúp các nhà báo có thêm thời gian và trí tuệ để giải quyết các vấn đề chính yếu, không còn tốn thời gian cho những công việc sự vụ hay nhàm chán”.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc liên quan tới các nội dung trực tuyến, đặc biệt trên nền tảng Facebook, anh Nguyễn Đức Khôi - CEO Công ty TNHH tư vấn quảng cáo trực tuyến BEN, cho rằng AI mang lại nhiều lợi ích cho các mảng kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh nội dung tin tức, giúp doanh nghiệp đạt được mục đích và tối ưu chi phí đầu tư. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào tin tức đồng thời mang lại lợi ích cho người dùng khi tìm kiếm thông tin, giúp họ tiếp cận được nội dung chính thống, kiến thức mới cập nhật, đầy đủ nhưng vẫn đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu.
“Việc kiểm soát thông tin bằng AI vẫn khó tránh khỏi sai sót do hệ thống cũng chỉ là máy móc, vẫn còn hạn chế chứ chưa thể hoàn thiện 100% bởi con người còn đọc và hiểu sai thì khó trách AI sai được. Dù vậy vẫn có nhiều đơn vị dùng AI để thay đổi nội dung cho hấp dẫn hơn, rút gọn bài viết để đầy đủ ý chính cho người đọc nhanh hơn, tránh trùng lặp tin tức hay tối ưu thuật toán để cải thiện thứ hạng hiển thị trên các công cụ tìm kiếm…”, anh Khôi chia sẻ thêm.
Dù vậy, so với thế giới, ngành nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam vẫn còn vấn đề phải giải quyết. Giám đốc quản lý của Công ty Kambria & OhmniLabs Vietnam (KOV) Cao Thị Thùy Liên nhận định: “Về công nghệ, xu hướng phát triển AI của Việt Nam đã tiệm cận với thế giới, các công nghệ “hot” hiện nay đều đang được quan tâm. Nhưng điểm hạn chế có lẽ nằm ở phần cứng và dữ liệu. Trong quá trình hoạt động, Kambria nhận thấy Việt Nam còn thiếu những kho dữ liệu mẫu có thể chia sẻ rộng rãi cho mục đích nghiên cứu, phát triển và hy vọng trong thời gian tới sẽ hình thành để hỗ trợ cho sự phát triển của AI tại Việt Nam”.
Nói cách khác, trí tuệ nhân tạo hiện nay đang vận hành dựa trên các thuật toán thông minh và lượng dữ liệu đầu vào (dữ liệu mẫu), do vậy các ứng dụng AI như báo thông minh Thanh Niên vẫn rất cần sự tham gia của bạn đọc để từng bước hoàn thiện và tăng cường trải nghiệm. Đó cũng chính là một trong những chìa khóa thành công của ứng dụng AI tại Việt Nam trong báo chí nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung. Trong tương lai, những cập nhật, thay đổi là cần thiết để hoàn thiện các mô hình trí tuệ nhân tạo giúp ích cho bạn đọc - những người góp phần không nhỏ cho sự thành công của mỗi tờ báo. Bên cạnh đó, AI cũng sẽ góp phần tích cực để đội ngũ nhà báo tập trung cho những đề tài chất lượng, mang giá trị chuyên sâu tới cho độc giả.