Chủ tịch HĐQT Misa và FPT Telecom sẽ cùng thảo luận với đại diện của Google, AvePoint Global về mô hình làm việc từ xa trong giai đoạn mới.

Làm việc từ xa dần trở thành hiện thực khi các yếu tố địa điểm, thời gian không còn mang tính ràng buộc. Nhiều tập đoàn lớn như Facebook, Twitter đã lên kế hoạch cho nhân viên làm việc từ xa lâu dài. Google, Microsoft và nhiều công ty toàn cầu khác cho phép nhân viên lựa chọn linh hoạt giữa văn phòng công ty và là việc tại nhà.

Báo cáo "21 xu hướng và tương lai công việc" của tập đoàn nhân sự Manpower Group hồi đầu năm cho thấy 48% người lao động cho rằng Covid-19 đã mở ra cách thức làm việc mới tại công sở, như làm việc từ xa hoặc làm việc tại bất kỳ đâu. Một khảo sát khác từ hơn 7.000 chuyên gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Dell cho thấy cứ 10 người, 8 người đã sẵn sàng làm việc từ xa dài hạn, nhưng cũng quan ngại khi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xoá nhoà.

Tại Việt Nam, thống kê của ACheckin năm 2020 tiết lộ 74% người lao động tham gia khảo sát không có cảm nhận tiêu cực khi làm việc tại nhà. Các doanh nghiệp Việt cũng dần hình thành văn hoá làm việc mới với những phương thức giao tiếp phi truyền thống.

Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam có nhiều thay đổi, VnExpress tổ chức phiên toạ đàm thứ 11 của CTO Talks, với chủ đề "Làm việc từ xa - Mô hình của tương lai". Thảo luận diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào 14h ngày 24/6 với sự tham gia của bốn diễn giả: ông Lữ Thành Long - Chủ tịch HĐQT công ty Misa; ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT công ty FPT Telecom, bà Hà Lâm Tú Quỳnh - Giám đốc Truyền thông Google châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam; bà Trần Thị Hồng Vân - Tổng giám đốc AvePoint Global Việt Nam.

Từ trái qua phải: Ông Lữ Thành Long, ông Hoàng Nam Tiến, bà Hà Lâm Tú Quỳnh và bà Trần Thị Hồng Vân.

Ông Lữ Thành Long là chủ tịch HĐQT Misa - công ty cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm đám mây "Make in Vietnam" hàng đầu hiện nay. Ông Long cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT (Vinasa).

Sau 27 năm thành lập, Misa có hơn 2.300 nhân viên. Sản phẩm chính của công ty là phần mềm, nền tảng quản trị tài chính kế toán, hóa đơn điện tử và đã được gần 150.000 doanh nghiệp sử dụng. Đặc biệt, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất Misa Amis đang được hơn 12.000 doanh nghiệp sử dụng làm việc online tại nhà trong thời kỳ dịch bệnh.

Ông Hoàng Nam Tiến là chủ tịch HĐQT công ty FPT Telecom. Ông có gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam. Trong đó, 8 năm ông ở cương vị Chủ tịch của FPT Software, đưa tổ chức trở thành một trong 500 công ty phần mềm lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30% và nằm trong Top 100 nhà cung cấp dịch vụ uỷ thác hàng đầu thế giới. Trước đó, trong vai trò Tổng giám đốc Công ty phân phối FPT, ông cũng góp phần quan trọng giúp FPT hoàn thành mục tiêu đạt tỷ USD doanh thu vào năm 2008.

Trên cương vị người đứng đầu FPT Telecom từ tháng 3/2020, ông đã đưa tập thể gần 17.000 nhân sự vượt qua khủng hoảng dịch bệnh và bão lũ, mang về doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Ông chỉ đạo chiến lược "Trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng", đưa FPT Telecom thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có chất lượng dịch vụ hàng đầu Việt Nam.

Ông Hoàng Nam Tiến được vinh danh trong danh sách 100 gương mặt trí thức tiêu biểu Việt Nam trên mặt trận kinh tế năm 2012 và nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2016.

Cùng thảo luận với lãnh đạo của Misa, FPT Telecom, là bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc truyền thông của Google châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam.

Bà Quỳnh gia nhập Google từ năm 2016, làm việc tại Trụ sở vùng của Google ở Singapore, phụ trách mảng Truyền thông và Quan hệ công chúng của Google cho thị trường Việt Nam. Công việc của bà Quỳnh là xây dựng câu chuyện địa phương của công ty thông qua các sản phẩm dịch vụ, cũng như dự án cộng đồng. Bà cũng là cầu nối với các đội tiếp thị, phát triển kinh doanh, phát triển sản phẩm, phát triển chính sách công... để xây dựng thêm nhiều dự án hay của Google tại Việt Nam, hoặc phát triển nhiều dự án riêng biệt cho Việt Nam.

Những năm qua, Google đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong nước qua các hoạt động thực tiễn, như đào tạo kỹ năng số miễn phí cho ngành du lịch; chương trình Bệ phóng Việt Nam 4.0; triển khai các dự án Kỳ quan Việt Nam, số hóa di tích lăng Tự Đức theo định dạng 3D trên Google Tìm kiếm...

Diễn giả tiếp theo là bà Trần Thị Hồng Vân - Giám đốc điều hành công ty AvePoint Global tại Việt Nam. Bà Vân đang là ứng viên Top 10 chương trình Bình chọn Lãnh đạo công nghệ trẻ do VnExpress tổ chức.

Hồng Vân từng theo học Thạc sỹ ngành Analytics tại đại học NTU, Singapore, chuyên ngành AI. Bà từng tham gia vào nhiều dự án với Ngân hàng trung ương Singapore, ban phát triển kinh tế Singapore, sân bay Changi... Sau đó, bà trở thành giám đốc điều hành, giám đốc đại điện công ty công nghệ Avepoint Việt Nam tại Singapore.

Bốn diễn giả sẽ cùng chia sẻ công ty của họ đã thích ứng với yêu cầu làm việc từ xa trong tình hình đại dịch thế nào và thảo luận về xu hướng làm việc của tương lai.

Độc giả có thể gửi câu hỏi cho các diễn giả của tọa đàm "Làm việc từ xa - Mô hình của tương lai" trong phần bình luận.