Hệ thống khai báo y tế điện tử Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng thống nhất cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố để thay thế cho các hình thức khai báo thủ công bằng giấy. Đánh giá thử nghiệm ban đầu cho thấy, hệ thống đã phát huy hiệu quả, phát hiện được nhiều ca nghi nhiễm và truy vết được nhiều trường hợp mắc COVID-19 đã từng đến các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 12/5/2021 của Bộ Y tế về việc Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng nCOVI, ứng dụng Bluzone. Tuy nhiên để hỗ trợ truy vết nhanh các trường hợp nghi nhiễm đang có trên địa bàn Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản số 2059/UBND-VX ngày 22/6/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về khai báo y tế điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống khai báo y tế điện tử Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng thống nhất cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố để thay thế cho các hình thức khai báo thủ công bằng giấy. Đánh giá thử nghiệm ban đầu cho thấy, hệ thống đã phát huy hiệu quả, phát hiện được nhiều ca nghi nhiễm và truy vết được nhiều trường hợp mắc COVID-19 đã từng đến các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Tính đến chiều ngày 24/6/2021, Hệ thống khai báo y tế điện tử thành phố đã triển khai cho 9.694 đơn vị, trong đó khối y tế là 6.272 đơn vị; khối cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn là 3.422 đơn vị.

Riêng tại Quận Gò Vấp, trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, số lượt khai báo y tế điện tử là 888.608, qua đó phát hiện 8.941 trường hợp có nguy cơ.

Hiện nay, Thành phố đang phối hợp với các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông liên thông dữ liệu từ hệ thống của Bộ Y tế, hệ thống của thành phố về Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu thành phố. Từ đó giúp các cơ quan y tế, địa phương quản lý thông tin của tất cả người ra/vào các địa điểm; tra cứu, thống kê thông tin checkin (khai báo) theo thời gian, địa điểm; hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện có trường hợp nghi nhiễm COVID-19.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Sở Y tế xây dựng tài liệu và đoạn phim ngắn (video clip) hướng dẫn người dân khai báo y tế điện tử.

 

Ngoài ra, quy trình khai báo y tế điện tử cũng được xây dựng để các đơn vị tham gia vào Hệ thống khai báo y tế điện tử có thể áp dụng và xử lý tình huống khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu, nguy cơ.

Trong trường hợp người dân không có điện thoại thông minh có thể nhờ người khác khai báo y tế điện tử hộ. Ngoài ra tại các điểm kiểm tra, các cơ quan, đơn vị tại đó cần bố trí người hỗ trợ người dân khai báo y tế điện tử. Đồng thời, nhằm tránh tập trung đông người tại khu vực kiểm tra, đề nghị người dân thực hiện khai báo y tế điện tử trước khi tới điểm đến.

Như vậy, để tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp như: Bản đồ Covid-19; Cổng thông tin 1022; Kết nối các camera giám sát lắp đặt tại các khu cách ly tập trung, khách sạn cách ly; Xây dựng Báo cáo tổng hợp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19; Triển khai hệ thống quản lý công tác tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 và đặc biệt mới đây là giải pháp quản lý khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR.

Dưới đây là Hướng dẫn khai báo điện tử và Quy trình khai báo điện tử:

Hướng dẫn khai báo y tế điện tử và Quy trình khai báo y tế điện tử tại TPHCM - Ảnh 1
Hướng dẫn khai báo y tế điện tử và Quy trình khai báo y tế điện tử tại TPHCM - Ảnh 2

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH