8h30 sáng 26-6, trong chương trình kiểm tra tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đang đến kiểm tra tại Khu cách ly tại Ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM (TP Thủ Đức).
Sau khi nghe Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức trao đổi thông tin liên quan đến khu cách ly, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo TP.HCM phải rút kinh nghiệm các tỉnh, không để khu cách ly tập trung trở thành nơi có nguy cơ lây nhiễm.
Theo Thủ tướng, việc cách ly trong khu cách ly tập trung phải cách ly triệt để, nhất quyết phải cho người cách ly tắm riêng. Mặt khác, tăng cường lực lượng công an bảo vệ không để người cách ly trốn ra ngoài hoặc có sự giao lưu giữa những người cách ly với nhau. Thậm chí nếu cần thì tăng cường lực lượng quân đội cho các khu cách ly tập trung.
Thủ tướng cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Công an tăng cường thêm lực lượng công an hỗ trợ thêm cho TP.HCM kiểm soát trong các khu cách ly.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải quản lý chặt trong khu cách ly, nếu lỏng lẻo chỉ một người có thể lây cả khu cách ly.
"Bắc Giang là bài học, vừa có số người trong khu cách ly đông, vừa dùng chung nhà vệ sinh nên lây cả khu cách ly", Thủ tướng lưu ý.
Cũng theo Thủ tướng, dù cách ly rồi nhưng khâu test nhanh là khâu quan trọng. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế gọi ngay để động viên Công ty TNHH Medicon đẩy nhanh sản xuất test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và chuyển ngay bằng máy bay vào cho TP.HCM. Có bao nhiêu chuyển cho TP bấy nhiêu.
Thủ tướng cũng khuyến cáo TP phải có wifi để người cách ly có thể giao lưu, tiếp xúc, giải trí, tránh ức chế cho người cách ly.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng trao đổi đảm nhận việc trang bị thiết bị công nghệ cho khu cách ly tại Khu đại học Quốc gia TP.HCM trong 1 ngày.
Trao đổi với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng khẳng định: "Chìa khóa trong khu cách ly phong tỏa: một là test nhanh, hai là công nghệ".
Ông Nên nói TP.HCM bức xúc việc test nhanh mấy ngày nay. Với việc phải lấy mẫu trên diện rộng, nếu không có test nhanh sẽ là áp lực lớn với TP. Như vậy, với chỉ đạo nhanh của Thủ tướng, TP.HCM sẽ có thêm giải pháp mạnh chống dịch.
Cần làm việc với WHO để có vắc xin COVID-19 của Việt Nam nhanh nhất
Thủ tướng làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG LỘC
Làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao TP.HCM) sáng cùng ngày, Thủ tướng cho biết cách đây ít ngày, ông có làm việc với WHO và biết rằng tình trạng khan hiếm vắc xin có thể kéo dài đến tháng 9 và Việt Nam đang ở thế bị động.
Hiện Việt Nam có nhiều nguồn cung ứng vắc xin, tuy nhiên các nước sản xuất được vắc xin và có thể cung ứng thì cũng đang ưu tiên cho nước họ, mặt khác phải ưu tiên cho các nước khẩn cấp hơn.
Thủ tướng đánh giá so với các nước, Việt Nam nhìn trên bình diện chung vẫn tạm ổn. Việt Nam đang có chiến lược vắc xin 3 kế hoạch, gồm đẩy nhanh việc mua vắc xin; chuyển giao công nghệ và quan trọng nhất là sản xuất vắc xin trong nước.
"Vắc xin có tính chất quyết định, nếu nước nào tiêm được vắc xin thì sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường", ông nhấn mạnh.
Việc sản xuất được vắc xin trong nước, theo Thủ tướng sẽ đồng thời giảm giá thành vận chuyển và sẽ hoàn toàn chủ động. Theo ông để có vắc xin, phải đi bằng nhiều hướng. Và không chỉ là vắc xin ngừa COVID-19 mà còn nhiều loại vắc xin khác.
Theo Thủ tướng, sản xuất vắc xin là quá trình xây dựng nền tảng, đầu tư về con người, cơ sở vật chất và công nghệ.
"Cuộc làm việc hôm nay là tận mắt chứng kiến nơi sản xuất, và kiểm tra về tiến độ, năng lực sản xuất của công ty để đẩy nhanh việc sản xuất vắc xin trong nước" - Thủ tướng nhấn mạnh, và khẳng định cần có kế hoạch, lộ trình làm việc với WHO để làm sao sớm nhất đáp ứng nhu cầu vắc xin, có được vắc xin với tinh thần thần tốc, nhanh nhất có thể.
Ông Hồ Nhân - Tổng giám đốc công ty Nanogen, cho biết hiện đơn vị có 4 nhà máy sản xuất vắc xin và với năng lực hiện tại, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 trong nước.
Trong 10 ngày tới, đơn vị sẽ hoàn thành tiêm 13.000 người. Trong tháng 7 sẽ chuyển sang giai đoạn 3c với 1 triệu người, ở cả miền Nam và miền Bắc.
Hiện mẫu vắc xin của Nanogen cũng đã được gửi cho WHO kiểm tra. Ngoài ra có vài chục nước, có cả Ấn Độ, đã ký biên bản ghi nhớ đề nghị Nanogen hợp tác phân phối vắc xin sau khi hoàn tất thử nghiệm.
Ông cho rằng tiêu chuẩn khi sản xuất vắc xin của công ty là phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Qua các giai đoạn đã triển khai thử nghiệm đến nay cho thấy không chỉ an toàn, vắc xin đảm bảo tính sinh miễn dịch và có hiệu lực bảo vệ thực sự.
"Hiện chúng tôi vẫn đang triển khai nghiên cứu thử nghiệm, điều chỉnh để làm sao đảm bảo an toàn, có hiệu quả nhất theo quy định" - ông Nhân nói.
Cuối cùng ông nói: "Tôi mong mỏi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế sâu sát hơn nữa, cử một đội chuyên hành động lo về vấn đề sản xuất vắc xin để tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thực tế hiện nay quy trình thủ tục rất nhiều khâu và gần như là xin - cho, phải chịu áp lực, chờ đợi", ông Nhân nói.
Nói về lý do kiến nghị cấp phép, ông Nhân lý giải tất cả vắc xin trên thế giới đang sử dụng như Ấn Độ, Mỹ đều cấp phép có điều kiện. Tức là thực hiện theo "mục tiêu kép" vừa sản xuất tiêm chủng, vừa nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đủ số tình nguyện viên theo quy định.
Trước đó, ngày 28-5, để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, TP.HCM đã trưng dụng ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM thành khu cách ly tập trung.
Trong cuộc họp về COVID-19 hôm qua 25-6, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế - có nêu việc một số cơ sở cách ly, đặc biệt là tại KTX ĐHQG TP.HCM tình hình rất khó khăn.
"Ở đây cách ly 2.000 người, anh em y tế nói họ kiệt sức rồi. Rác thải ở đây vẫn còn ứ đọng, chưa xử lý kịp", ông nói.
Sau khi cách ly đủ 21 ngày, ai cũng mong muốn ra khỏi khu cách ly nhưng phải chờ kết quả xét nghiệm có khi 2-3 ngày.
Theo ông Sơn, Bộ Y tế đã ký văn bản thí điểm cho cách ly F1 tại nhà. Ông Sơn khuyến cáo, nếu TP.HCM có những trường hợp có điều kiện thì nên tính toán phương án cho F1 cách ly tại nhà để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly tập trung.
Cuối cuộc họp, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức xuống trực tiếp kiểm tra, chấn chỉnh ngay các hạn chế tại khu cách ly tập trung tại Khu đại học Quốc gia TP.HCM.