Hôm qua 25-6, Bộ Y tế công bố TP.HCM có 161 ca nhiễm COVID-19 mới. Tuy nhiên đến sáng 26-6, Bộ Y tế công bố 'bổ sung' 563 ca COVID-19 ở TP.HCM.
Trước đó, số ca dương tính theo ghi nhận của cơ quan y tế TP.HCM chỉ trong 24 giờ (từ 6h ngày 24-6 đến 6h ngày 25-6) chưa được Bộ Y tế công bố lên đến 667 ca.
Số ca nhiễm kỷ lục này được công bố tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM với các quận huyện chiều 25-6, với sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Có thể phải "sống chung với lũ"
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đây là ngày có số ca nghi nhiễm cao nhất trong đợt "sóng" dịch COVID-19 thứ 4 ở TP.HCM. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế - cho biết trong số này có 99 trường hợp trong khu phong tỏa, 538 trường hợp trong khu cách ly được phát hiện qua 2 lần xét nghiệm. Cụ thể, xét nghiệm lần 1 phát hiện 275 người và đến lần xét nghiệm thứ 2 phát hiện thêm 260 người nữa.
Theo ông Bỉnh, tính đến 6h ngày 25-6, TP.HCM có 2.549 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 2.302 trường hợp nhiễm trong cộng đồng.
Theo nhận định của chủ tịch UBND TP, nhìn con số tổng thể ca nghi nhiễm hôm qua lớn, nhưng số này phát hiện hầu hết trong khu cách ly, khu phong tỏa. Ngoài cộng đồng chỉ có khoảng 10 trường hợp đang điều tra, mà những trường hợp này vẫn chưa thể khẳng định là chưa rõ nguồn lây.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết số bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch. Hiện nay 68% bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị không có triệu chứng, chỉ 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng (31 trường hợp). Trong khi đó, trong thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, có 68% bệnh nhân có triệu chứng.
"Qua những con số trên, tôi nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám, họ sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, thời gian tới TP.HCM cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền. Những người này cần được tiêm vắc xin phòng COVID-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm. "Có thể chúng ta cần tính tới phương án "sống chung với lũ". Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước" - ông Dũng nói.
Cân nhắc cấm chợ truyền thống
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đều bày tỏ lo ngại khi những ngày gần đây TP.HCM xuất hiện nhiều ca nhiễm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Theo ông Bình, chỉ thị 10 của UBND TP có mức độ gần giống với chỉ thị 16 của Thủ tướng, chỉ chưa cấm chợ truyền thống và TP cần tính toán cấm các chợ truyền thống để phòng chống dịch.
"Bây giờ các chợ có cấm hay không? Tôi thấy cần kiên quyết hơn nữa, cấm luôn. Phải cắn răng mà chịu, cần triệt để các biện pháp" - ông Bình nói. Tuy nhiên, ông đề nghị thực hiện các biện pháp quyết liệt nhưng phải đảm bảo các chuỗi cung ứng hàng hóa.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức đánh giá tình hình dịch và đưa ý kiến có nên kéo dài việc giãn cách xã hội hay không. Tại các chợ truyền thống, các địa phương nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng, có thể tổ chức luân phiên cho tiểu thương bán theo ngày.
Ông Phong cũng giao giám đốc Sở Công thương làm việc với UBND quận 8, Hóc Môn, TP Thủ Đức, yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký bộ tiêu chí an toàn, nếu vi phạm sẽ dừng kinh doanh. Theo ông Phong, thời gian qua, tổ COVID-19 cộng đồng đã phát huy được hiệu quả. Ông đề nghị tiếp tục tăng cường, mỗi 300 hộ dân phải có 1 tổ COVID-19 cộng đồng.
Bộ Y tế ký văn bản thí điểm cách ly F1 tại nhà
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sáng 25-6 Bộ Y tế đã ký văn bản thí điểm cho cách ly F1 tại nhà. Ông khuyến cáo nếu TP.HCM có những trường hợp có điều kiện thì nên tính toán phương án cho F1 cách ly tại nhà để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly tập trung.
Theo ông Sơn, hiện các ca F1 phải cách ly tập trung của TP.HCM đang tăng cao. Một số cơ sở cách ly, đặc biệt là tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, tình hình rất khó khăn. "Ở đây cách ly 2.000 người, anh em y tế nói họ kiệt sức rồi. Rác thải ở đây vẫn còn ứ đọng, chưa xử lý kịp" - ông nói. Sau khi cách ly đủ 21 ngày, ai cũng mong muốn ra khỏi khu cách ly nhưng phải chờ kết quả xét nghiệm có khi 2-3 ngày.
Cuối cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Phó chủ tịch Dương Anh Đức trực tiếp kiểm tra, chấn chỉnh ngay các hạn chế tại khu cách ly tập trung ở khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (TP Thủ Đức) ngay trong tối 25-6.