Singapore đang vạch lộ trình sống chung với COVID-19. Ảnh: AFP
Quan chức đặc trách COVID-19 của Singapore đã công bố "phác thảo lộ trình chuyển tiếp sang cuộc sống bình thường mới" sau 18 tháng triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Chi tiết mở cửa trở lại của Singapore vẫn chưa được công bố, nhưng dự kiến nới lỏng hạn chế đi lại, giới hạn tụ tập và yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Xác định mục tiêu mới, hướng tới bình thường mới

Tiến sĩ Alex Cook và Tiến sĩ Hsu Li Yang của Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) giải thích trên Channel News Asia rằng, tiêm chủng, xét nghiệm ở những nơi quan trọng và trách nhiệm xã hội là chìa khóa dẫn đến bình thường mới mong muốn.

Tính đến tuần này, một nửa dân số Singapore đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Đây phải là một cột mốc quan trọng đáng chú ý, cho thấy sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quá trình mở cửa trở lại của Singapore.

SARS-CoV-2 đã đột biến khi lây lan toàn cầu. Biến thể đáng lo ngại mới nhất - biến thể Delta - có mặt tại hơn 80 quốc gia và cũng trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Singapore. Biến thể Delta được cho là có khả năng lây nhiễm ít nhất gấp đôi so với virus ban đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019.

Hai chuyên gia Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock chỉ ra, các loại vaccine hiện tại có phần kém bảo vệ chống lây biến thể Delta nhưng vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng. Trong số các ca mắc biến thể Delta ở Anh, tỉ lệ nhập viện ở những người đã được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech thấp hơn 96% so với những người chưa tiêm chủng. Điều này có nghĩa là trong khi các biến thể tiếp tục xuất hiện, những loại vaccine hiện có, với các mũi tiêm nhắc lại đã cải tiến, có thể tiếp tục bảo vệ người tiêm chủng khỏi mắc bệnh nặng và tử vong trong vài năm tới.

Điều này cũng có nghĩa là, Singapore có thể trông đợi trở lại trạng thái bình thường khi đạt đến ngưỡng tiêm chủng nhất định. Một số mục tiêu không thể đạt được ngay trong thời gian tới như: SARS-CoV-2 bị tiêu diệt trên toàn thế giới ngay tức thì bởi virus rất dễ lây lan. Miễn dịch cộng đồng (tức toàn bộ quần thể được bảo vệ khỏi bệnh tật khi một số lượng đủ lớn được miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc đã lây nhiễm) cũng không thể thực hiện được trên quy mô toàn cầu.

Tiến sĩ Alex Cook và Tiến sĩ Hsu Li Yang lưu ý, miễn dịch cộng đồng thậm chí có thể khó đạt được ở Singapore bởi nguy cơ từ biến thể Delta và không phải cá nhân nào cũng đủ điều kiện hoặc có mong muốn được tiêm chủng. Thay vào đó, mục tiêu của Singapore là sống chung với dịch COVID-19 lưu hành địa phương (endemic) trong những tháng tới.

Các chuyên gia lưu ý, trạng thái dịch COVID-19 lưu hành địa phương có diện mạo như thế nào phụ thuộc vào số người vẫn chưa tiêm chủng, mức độ sẵn sàng ứng phó với sự gia tăng ca mắc mới cũng như những quy tắc ngăn chặn nào người dân sẵn sàng chấp nhận. Một khi nới lỏng các biện pháp, ngay cả với tỉ lệ bao phủ vaccine tương đối cao, nguy cơ số ca bệnh tăng lên như trong các đợt cúm có thể xảy ra. Điều này có nghĩa là một số người, đặc biệt là người già chưa tiêm chủng, sẽ bị ốm nặng và tử vong. Do đó, đặt ra viễn cảnh phải đối mặt về mức độ COVID-19 trong những năm tới sẽ xác định được mức độ tiêm chủng cần thiết để tiết giảm các biện pháp.

Duy trì bao phủ vaccine cao là chìa khóa

Tiến sĩ Alex Cook và Tiến sĩ Hsu Li Yang cho hay, điều lý tưởng nhất cho kế hoạch chung sống với COVID-19 ở Singapore là tỉ lệ bao phủ tiêm chủng trên 85% tổng dân số nhưng vẫn có mức giới hạn vì có những đối tượng không đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, có phản ứng bất lợi với liều ban đầu hoặc do dự về vaccine.

Cả Israel và Anh đều nỗ lực tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 cho 80% dân số trưởng thành, đạt được hơn 60% tỉ lệ tiêm chủng cho toàn bộ dân số. Các chuyên gia kỳ vọng Singapore cũng có thể đạt đến ngưỡng này.

Tỉ lệ bao phủ vaccine càng cao thì duy trì các biện pháp dài hạn càng ít đi. Do đó, theo 2 chuyên gia, Singapore nên nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy tiêm chủng, bao gồm đưa ra các biện pháp khuyến khích cụ thể khi tất cả các nhóm tuổi đều có cơ hội được tiêm chủng. Tiêm loại vaccine có hiệu quả cao nhất như các loại vaccine mRNA là lý tưởng để bảo vệ các cá nhân và dân số nhưng với những người không thể tiêm vaccine mRNA, tiêm các loại vaccine khác tốt hơn là không tiêm bất kỳ loại nào.

Trong quá trình chuyển đổi sang trạng thái dịch COVID-19 lưu hành địa phương ở Singapore, nhiều hoạt động hơn như các sự kiện, đám cưới, rạp chiếu phim, quán ăn... sẽ có số lượng người lớn đông hơn cùng các biện pháp phòng ngừa đầy đủ.

Chuyên gia Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock lưu ý, Singapore phải tính đến bền vững. Dù các biện pháp ứng phó hiện tại khiến tình hình của Singapore tốt hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác nhưng việc duy trì các biện pháp ngừa COVID-19 cũng dẫn tới sự mệt mỏi lan rộng. Khi đạt đến trạng thái dịch COVID-19 lưu hành địa phương, "bộ tứ" cách ly, xét nghiệm, truy vết và cách ly mà Singapore áp dụng cũng cần được xem xét lại. Điều quan trọng sau đó là duy trì các ca bệnh nặng và tử vong ở mức có thể chấp nhận được.

Singapore cần áp dụng một cách tiếp cận có mục tiêu có thể giải quyết nhanh chóng các ca mới, trong đó có đổi mới phương pháp tiếp cận trong ứng phó với các ca bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nếu xóa cách ly tại bệnh viện, những ca bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng cần có trách nhiệm và tự cách ly tại nhà để không lây lan cho người khác.