“Bộ VHTTDL luôn nhận thức rằng muốn thực hiện những nhiệm vụ này thì cần phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, hoạt động báo chí của Bộ. Hơn khi nào hết, Bộ phải tái định vị hệ thống báo chí, truyền thông trong thời gian qua, khẳng định những kết quả cũng như chỉ ra những khó khăn và trả lời cho được những câu hỏi mà thực tiễn đang đặt ra...”, Bộ trưởng khẳng định.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, báo chí là một bộ phận của văn hóa và theo chiều ngược lại, văn hóa chính là môi sinh, dưỡng chất của báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam sở hữu một lực lượng hội viên hùng hậu. Đây chính là lực lượng có thể cùng với Bộ VHTTDL làm tốt hơn hiệu quả công tác báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ phát triển văn hóa của đất nước hiện nay.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông về các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL với các cơ quan báo chí, với Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục tăng cường. “Xác lập cơ chế thông tin phù hợp, khoa học, minh bạch và kịp thời thì sẽ không còn “đất sống” cho tin giả trong văn hóa và các lĩnh vực khác. Minh bạch chính là sức mạnh của thông tin...”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đề xuất cần tăng cường hơn nữa sự chủ động thông tin về các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình hoạt động của Bộ tới các cơ quan báo chí nhằm thu hút sự đồng hành, khích lệ cái tốt và kịp thời xử lý những yếu tố chưa phù hợp; quan tâm khía cạnh phê bình, phản biện của báo chí. “Cần phát huy tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, sử dụng việc lan tỏa những yếu tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Các lĩnh vực quản lý của Bộ đều là nguồn đề tài sống động, hấp dẫn của báo chí, có sức hút với độc giả. Vì vậy, cần kịp thời thông tin để quảng bá tốt hơn những thành tựu của toàn ngành...”, lãnh đạo Hội Nhà báo nhấn mạnh.
Còn theo Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm lưu ý, hiện nay nhiều giá trị từ không gian thực đang dần chuyển sang không gian số, trong đó có hoạt động truyền thông, báo chí. Vì thế phải hiểu những đặc tính của không gian này để ứng xử, phát ngôn cho hiệu quả.
Trong số những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông về hoạt động của ngành, ông Nguyễn Thanh Lâm gợi mở giải pháp chọn đúng “điểm rơi”. Ông Lâm nêu, loạt bài phê phán những hiện tượng lệch chuẩn văn hóa trên Báo Văn Hóa được đưa ra đúng thời điểm văn hóa ứng xử trên không gian mạng đang xuất hiện nhiều vấn đề đã tạo hiệu ứng tốt, thu hút sự chú ý của dư luận. “Trong nhiều trường hợp, nếu không chọn đúng “điểm rơi” thì hiệu quả truyền thông cũng không đạt được như mong muốn”, Cục trưởng lưu ý.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, những ý kiến tại Hội nghị sẽ được nghiêm túc tiếp thu để đưa vào các nhóm giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ trong thời gian tới. Sau Hội nghị này, đề án Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại sẽ được hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Lãnh đạo Bộ cũng mong muốn các đơn vị báo chí, truyền thông cùng các đơn vị chức năng của Bộ chủ động phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch để định hướng thông tin chuẩn xác về những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành. Các tờ báo của Bộ chủ động khai thác, tạo ra nguồn lực thông tin mạnh mẽ; đội ngũ làm công tác truyền thông cần phải trăn trở, quyết liệt hơn với nhiệm vụ mà mình đang thực thi.