Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn giám sát; đơn vị chịu sự giám sát là Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM và Sở Tài chính TPHCM.
Đây là buổi giám sát đầu tiên trong đợt giám sát tại các sở - ngành, quận - huyện về nội dung này của Thường trực HĐND TPHCM.
Mỗi công chức giải quyết trên 1.100 hồ sơ/năm
Báo cáo với đoàn giám sát, bà Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết, sở đã rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách để thực hiện cắt giảm 5-10% thời gian giải quyết, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thể nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính sớm hơn thời gian quy định. Trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, Sở Tài chính không có hồ sơ được xử lý dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 mà đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (1 thủ tục là cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách). Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Tài chính TPHCM tiếp nhận gần 5.000 hồ sơ và tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 99%.
Báo cáo về công tác CCHC tại Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cho biết, khối lượng công việc của sở ngày càng tăng, nhất là hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nên việc giảm biên chế hàng năm là một khó khăn lớn của sở. Trung bình mỗi năm, một công chức phải giải quyết trên 1.100 hồ sơ.
Trong giai đoạn 2018-2020, sở đã giải quyết gần 295.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và gần 353.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến chiếm gần 83% tổng hồ sơ sở tiếp nhận trực tiếp và trực tuyến. Việc rà soát, công bố, công khai thủ tục hành chính và hướng dẫn cách thực hiện qua nhiều kênh khác nhau (trực tiếp tại sở, qua điện thoại, email, website…) đã tăng cường tính minh bạch trong quá trình giải quyết hồ sơ, giảm thời gian đi lại của người nộp hồ sơ và rút ngắn thời gian xử lý.
Về thực hiện Nghị quyết 54 tại Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trách nhiệm của sở là chủ trì, tham mưu UBND TPHCM báo cáo Thành ủy sau đó trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư công các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP. Đến nay, HĐND TPHCM đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng và điều chỉnh 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A với tổng mức đầu tư tăng từ 1.400 tỷ đồng lên gần 4.850 tỷ đồng.
Trước đây, việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TPHCM thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng. Với Nghị quyết 54, thẩm quyền này được giao lại cho HĐND TPHCM nên tiến độ thực hiện các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn khá nhiều so với việc trình các cơ quan Trung ương thẩm định, thông qua chủ trương đầu tư.
Trong khi đó, Sở Tài chính TPHCM đã thực hiện nhiều nội dung về tài chính ngân sách theo Nghị quyết 54; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của TP; sắp xếp nhà, đất của các cơ quan Trung ương trên địa bàn; điều chỉnh chính sách thu thuế, phí… để tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, từ đó sẽ có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có khả năng bị kéo dài, không đảm bảo tiến độ đến hết năm 2020 hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra.
Chưa ban hành được lộ trình cổ phần hóa
Phát biểu trong buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng ghi nhận những nỗ lực của Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính trong thực hiện CCHC và thực hiện Nghị quyết 54. Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng cũng yêu cầu hai đơn vị lưu ý làm rõ thêm một số vấn đề.
Cụ thể, về CCHC, Sở Tài chính là đơn vị đặc thù ít có nội dung liên quan trực tiếp người dân, mà chủ yếu quan hệ công tác trực tiếp với các sở, ngành, các đơn vị dự toán. Vì thế, Sở Tài chính cần quan tâm cải cách nền tài chính công; trong đó, có nội dung đang rất quan tâm là việc thực hiện về Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực. Việc này nhằm giúp các đơn vị sự nghiệp tiến hành tự chủ được tốt hơn.
Ngược lại, Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM là một đơn vị có quan hệ công tác trực tiếp với nhiều người dân và doanh nghiệp. Vì thế, sở cần làm nổi bật kết quả giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng, cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng tỷ lệ là bao nhiêu, thời gian giải quyết rút ngắn ra sao, mang lợi ích như thế nào cho người dân và doanh nghiệp.
Trong thực hiện Nghị quyết 54, Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cần đánh giá, phân tích kỹ hơn việc TPHCM được giao thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TPHCM đã giúp TPHCM làm được gì, thuận lợi cụ thể ra sao? Đồng thời, cần lý giải tại sao đến nay sở chưa lập được danh mục các dự án nhóm A?
Đối với Sở Tài chính – đơn vị được giao nhiều nội dung thực hiện Nghị quyết 54, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Tài chính cần tập trung lý giải thuyết phục hơn việc thực hiện Đề án thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Bởi vì, ngay từ đầu năm 2018, ngành tài chính TP đã tham mưu UBND TPHCM xây dựng Đề án thí điểm tăng mức thu thuế Bảo vệ môi trường thông qua giá xăng trên địa bàn TPHCM. TPHCM chuẩn bị báo cáo Thủ tướng để thực hiện thì cùng thời điểm đó, Trung ương ban hành quy định về Biểu thuế Bảo vệ môi trường, theo đó thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng tăng lên 4.000 đồng/lít. Vì thế, TPHCM dừng lại, không tiếp tục thực hiện các thủ tục đề xuất Trung ương thông qua chính sách tăng thuế Bảo vệ môi trường đối với giá xăng trên địa bàn TP.
“TPHCM có làm, nhưng nửa chừng dừng lại vì có quy định chung, chứ không phải TP không làm. Sở Tài chính cần nêu bật điều này”, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng lưu ý.
Riêng với việc thí điểm tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng (cụ thể là bia – PV), TPHCM đã dự kiến mức tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng đến nay vì sao chưa thực hiện? Bà Phan Thị Thắng đề nghị Sở Tài chính cần đánh giá, phân tích rõ hơn về việc này.
Nhận xét nguồn thu từ cổ phần hóa là nguồn thu lớn nhất khi thực hiện Nghị quyết 54, với quy mô lên tới cả trăm ngàn tỷ đồng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Tài chính cần mổ xẻ, đánh giá nguyên nhân sâu sát chủ quan, khách quan vì sao đến thời điểm này chưa ban hành được lộ trình cổ phần hóa.
“Cần đánh giá lại nội dung mang tính bao quát này, rồi mới đi sâu vào câu chuyện vướng ở phương án sử dụng đất. Đây là nội dung quan trọng, mang tính cốt lõi nên sở cần phân tích kỹ hơn việc thực hiện”, bà Phan Thị Thắng nói.
MẠNH HÒA