Diễn ra trong hai ngày từ 24 đến 25/6 tại Hà Nội dưới hình thức trực tuyến, Hội thảo Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số: thách thức và thích nghi của Việt Nam nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Audio Player
 
Các đại biểu tham dự sự kiện

Các đại biểu tham dự sự kiện

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả đến từ Liên minh châu Âu, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UNESCO khu vực tại Thái Lan, Cục Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền... cùng đại diện đông đảo các cơ quan báo chí.

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức cho biết cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến hiện nay, Việt Nam, các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên môi trường số, đặc biệt là thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch… trên mạng internet ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Các đại biểu dự Hội thảo Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số thách thức và thích nghi của Việt Nam.

Các đại biểu dự Hội thảo Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số thách thức và thích nghi của Việt Nam.

Không chỉ là những công dân “nhấn nút chia sẻ” một cách vô thức mà ngay cả nhà báo, chuyên gia truyền thông cũng chia sẻ thông tin hoặc viết, đăng một bài báo dựa trên thông tin chưa được xác minh, chưa được biên tập.

Vì thế, Hội thảo nhằm nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức cho các nhà báo, các nhà quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí của Việt Nam để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, tại Hội thảo các đại biểu còn cùng chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên UNESCO trong việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc đạo đức báo chí để thích ứng trong môi trường số hiện nay.

Tham luận của Hội Nhà báo Việt Nam do ông Phan Hữu Minh nêu tại Hội thảo có nhấn mạnh: Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam với 27000 hội viên từ 5 năm nay đã thực hiện 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam cũng như thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội. Nhìn chung tác dụng khá tốt, nhắc nhở, điều chỉnh các hành vi sai lệch kịp thời. Tổ chức hội cũng có tổ chức để xử lý vi phạm, đem lại kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Tuy vậy, theo ông Phan Hữu Minh cũng cần thiết phải có các quy tắc áp dụng cho báo chí và công dân khi tham gia mạng xã hội của cơ quan quản lý nhà nước.

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả đến từ Liên minh châu Âu, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UNESCO khu vực tại Thái Lan, Cục Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả đến từ Liên minh châu Âu, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UNESCO khu vực tại Thái Lan, Cục Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong hai ngày, các đại biểu cùng nhau bàn luận 4 chủ đề chính: Khái niệm đạo đức báo chí và hệ quả; Kỷ nguyên số, truyền thông đa phương tiện mới và sai phạm thường gặp khi đưa tin trên mạng; Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số tại châu Âu và một số nước thành viên UNESCO; Thực tiễn triển khai các quy định liên quan đến đạo đức báo chí trong môi trường số tại Việt Nam.

Dựa trên kinh nghiệm của UNESCO, Liên minh châu Âu và một số nước, liên hệ tình hình thực tế tại Việt Nam, thông qua các phiên thảo luận giữa các diễn giả, các nhà quản lý và các nhà báo tham dự, Hội thảo dự kiến sẽ đưa ra các khuyến nghị về Bộ quy tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam.

Minh Đức