Bất chấp sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng và tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, “dòng chảy” của các loại hàng lậu từ Campuchia vẫn tuồn vào nội địa.
Công an TP.Long Xuyên (An Giang) tiêu hủy số hàng nhập lậu trị giá 220 triệu đồng, được đơn vị phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2021
CÔNG AN CUNG CẤP
Lợi dụng đường mòn, lối mở
Tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp dài hơn 50 km, giáp tỉnh Prayveng (Campuchia). Lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh Đồng Tháp đã lập nhiều chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 và phòng chống tội phạm xuyên suốt từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, với địa hình đồng bằng và nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch nhỏ nên các đối tượng buôn lậu thuận tiện lợi dụng để chờ thời cơ chuyển hàng từ biên giới vào nội địa.
Theo thống kê của Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp, chỉ trong 7 ngày (13 - 19.6), lực lượng biên phòng tỉnh đã phát hiện 13 vụ vận chuyển hàng lậu và 2 vụ “hàng lậu vô chủ” trên tuyến biên giới, thu giữ tang vật 27.500 gói thuốc lá ngoại nhập lậu, 250 kg đường cát và 2 xe máy.
Không chỉ trên biên giới, gần đây, các lực lượng phòng chống buôn lậu tại Đồng Tháp liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu trên tuyến QL30 bằng xe gắn máy, ô tô. Chỉ từ 7 giờ 30 - 11 giờ 18.6, Đội Quản lý thị trường số 3, thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, bắt 2 vụ vận chuyển hàng lậu bằng mô tô tại xã An Hòa, H.Tam Nông, thu giữ gần 1.950 gói thuốc lá các loại.
Trong buổi sáng 23.6, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên QL30 đoạn thuộc ấp 2, xã Mỹ Hiệp, H.Cao Lãnh, đã bắt quả tang Trịnh Cuối Hán (38 tuổi, ngụ xã An Hòa, H.Tam Nông) vận chuyển 990 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Tính từ ngày 10.6 đến nay, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên đã phát hiện, bắt quả tang 3 vụ vận chuyển thuốc lá lậu tương tự, tạm giữ 3.770 bao thuốc lá ngoại các loại.
Tại thành phố biên giới Hồng Ngự, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND TP.Hồng Ngự, thông tin chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành chức năng thành phố bắt giữ 205 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, thủ đoạn các đối tượng vận chuyển hàng là lợi dụng lúc đêm khuya, cất giấu thuốc lá vào các túi ni lông đen hoặc thùng xốp rồi để bên trong ô tô tải, ô tô 4 chỗ nhằm qua mắt lực lượng chức năng để vận chuyển sang địa bàn tỉnh Tiền Giang tiêu thụ.
Ra chỉ thị chấn chỉnh
Còn tại An Giang, tình hình vận chuyển hàng lậu từ Campuchia vào địa bàn tỉnh và đến các địa phương khác tiêu thụ vẫn “nóng” trong tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Gần 100 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, đi qua TX.Tân Châu, TP.Châu Đốc và các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, mỗi địa phương đều có “điểm nóng” về buôn lậu.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, dọc biên giới tồn tại khoảng 26 kho hàng lậu bên phía bạn, tội phạm buôn lậu luôn tìm cách đưa hàng qua Việt Nam để tiêu thụ.Trong 1 tháng mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm bảo đảm an toàn cuộc bầu cử vừa qua, Công an tỉnh An Giang đã phối hợp lực lượng chức năng bắt giữ 89 vụ vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm với tổng giá trị hàng hóa thu giữ trên 1,5 tỉ đồng.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cũng “điểm danh” những địa bàn “nóng” đối tượng buôn lậu hoạt động gồm: khu vực biên giới xã Khánh An, Khánh Bình, TT.Long Bình, khu vực ngọn Cả Hàng, xã Vĩnh Hội Đông (H.An Phú); khu vực cánh đồng thuộc P.Vĩnh Nguơn, một số tuyến mương rạch thuộc xã Vĩnh Tế (TP.Châu Đốc); khu vực cửa khẩu thuộc xã Vĩnh Xương (TX.Tân Châu)…
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã ký chỉ thị yêu cầu các sở ngành, địa phương của tỉnh tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo UBND tỉnh An Giang, công tác chống buôn lậu chưa thực sự chuyển biến căn bản toàn diện, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh từng lúc, từng nơi vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng loại được bày bán công khai, đặc biệt là thuốc lá nhập lậu; thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa được đẩy lùi, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng…