Nghiên cứu mới cho biết Pfizer và Moderna, hai vaccine mRNA, có thể duy trì phản ứng miễn dịch trong cơ thể để chống lại nCoV trong nhiều năm.

Thế giới đã ghi nhận 182.168.407 ca nhiễm nCoV và 3.944.714 ca tử vong, tăng lần lượt 302.814 và 5.580, trong khi 166.723.029 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Ali Ellebedy, nhà miễn dịch học tại Đại học Washington ở St. Louis, và các đồng nghiệp tháng trước báo cáo phát hiện rằng ở những người sống sót sau khi mắc Covid-19, các tế bào miễn dịch nhận dạng virus vẫn tồn tại trong tủy xương ít nhất 8 tháng sau khi nhiễm. Một nghiên cứu của nhóm khoa học khác cũng chỉ ra những tế bào ghi nhớ B tiếp tục phát triển và tăng cường trong ít nhất một năm sau khi mắc bệnh.

Nghiên cứu dựa trên những phát hiện này, nhóm của Ellebedy nhận thấy 15 tuần sau khi tiêm liều vaccine mRNA đầu tiên, trung tâm mầm, nơi tăng sinh tế bào B, vẫn hoạt động mạnh.

"Thực tế là các phản ứng vẫn tiếp tục trong gần 4 tháng sau khi tiêm chủng. Đây là dấu hiệu rất tốt", Ellebedy nói, thêm rằng các trung tâm mầm ở các bệnh khác thường đạt đỉnh từ một đến hai tuần sau khi tiêm vaccine và sau đó giảm dần.

Deepta Bhattacharya, một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Arizona, thêm rằng các trung tâm mầm thường duy trì khoảng 4-6 tuần và sau đó không còn nhiều. "Nhưng các trung tâm mầm được kích thích bởi vaccine mRNA vẫn tiếp tục hoạt động hàng tháng và không suy giảm ở hầu hết mọi người", ông nói.

Nhóm nghiên cứu cho rằng việc sản sinh nhiều tế bào miễn dịch hơn và thời gian huấn luyện chúng lâu hơn sẽ dẫn đến khả năng chống lại virus mạnh mẽ hơn trong thời gian dài, dù chưa thể xác định chính xác là bao lâu. Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Nature hôm 28/6.

Một người được tiêm vaccine Covid-19 tại Chicago, bang Illinois hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.507.695 ca nhiễm và 619.538 ca tử vong do nCoV, tăng 8.112 ca nhiễm và 96 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) công bố hôm 28/6 cho thấy xu hướng giảm ca Covid-19 hàng ngày của Mỹ đã chững lại kể từ giữa tháng 6, do sự gia tăng đột biến ở các khu vực chưa được tiêm chủng. Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày ở Mỹ dao động mức 11.500 người kể từ ngày 16/6, tương đương khoảng 3,5 người nhiễm trong mỗi 100.000 dân.

Mỹ ngày càng chứng kiến sự đối lập rõ rệt giữa các khu vực tiêm chủng nhiều và ít. Như tại thành phố Springfield ở bang Missouri, nơi tiêm chủng 35% dân số, tỷ lệ mắc mới đã tăng lên 36,8/100.000 dân. Trong khi đó tại Burlington ở bang Vermont, chỉ có 0,9 ca nhiễm trong mỗi 100.000 dân, khi 71% dân số đã được tiêm chủng.

54% trong tổng số 332 triệu dân Mỹ được được tiêm vaccine, trong khi 46,1% hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28/6 cũng khuyến nghị người dân không nên tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sau khi nâng cảnh báo đi lại lên cấp 4. Mỹ trước đó cũng nâng mức cảnh báo tương tự đối với Liberia, Mozambique, Uganda và Zambia.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 30.316.000 ca nhiễm và 397.668 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 37.037 và 907 ca.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 27/6 thúc giục người dân tiêm chủng, đồng thời kêu gọi tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Lời kêu gọi được được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ chạy đua tiêm chủng cho 940 triệu dân giữa tình trạng nguồn cung giới hạn và nguy cơ bùng phát dịch lần ba. Những biến chủng nCoV đang gây lo ngại tại nước này, khi hơn một nửa dân số chưa được tiêm chủng.

Ấn Độ phải tiêm ít nhất 10 triệu liều vaccine mỗi ngày để đạt mục tiêu tiêm đủ cho toàn bộ người trưởng thành trong năm nay, nhưng đến nay chưa đầy 6% dân số được tiêm đủ hai liều.

Anh báo cáo 4.755.078 ca nhiễm và 128.103 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 22.868 và 3 trường hợp trong 24 giờ qua.

Dù ca nhiễm mới đang tăng mạnh trở lại, tân Bộ trưởng Y tế Sajid Javid tuyên bố các biện pháp hạn chế Covid-19 sẽ được dỡ bỏ theo đúng kế hoạch vào ngày 19/7. Ông nói đây không chỉ bước cuối cùng cho lộ trình mở cửa, mà còn là "khởi đầu của hành chính mới thú vị" của nước Anh.

Hong Kong sẽ cấm tất cả chuyến bay chở khách từ Anh kể từ 1/7, sau khi quốc gia châu Âu này bị liệt vào danh sách "có nguy cơ Covid-19 cực kỳ cao". Điều này đồng nghĩa tất cả hành khách lưu trú tại Anh quá hai tiếng đều bị cấm nhập cảnh vào Hong Kong. Đây là lần thứ hai Hong Kong cấm người đến từ Anh, sau một lệnh cấm kéo dài từ tháng 12/2020 đến tháng 5 vừa qua.

Tây Ban Nha cũng sẽ yêu cầu du khách từ Anh phải có kết quả âm tính với nCoV, chứng minh đã tiêm vaccine trước khi được vào Mallorca, Ibiza và quần đảo Balearic lân cận. Du khách Anh cũng phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh vào Bồ Đào Nha nếu chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc không có chứng nhận âm tính với nCoV.

Nga, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 21.650 ca nhiễm và 611 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 5.472.941 và 133.893.

Moskva báo cáo 124 ca tử vong, trong khi Saint Petersburg báo cáo 110, mức kỷ lục về số ca tử vong được báo cáo ở hai thành phố kể từ khi dịch bùng phát.

Quy định làm việc từ xa đã được áp dụng trở lại ở Moskva kể từ ngày 28/6. Người dân thủ đô cũng phải cung cấp mã QR, chứng minh đã tiêm vaccine, có xét nghiệm âm tính hoặc từng mắc Covid-19 trong 6 tháng qua, trước khi vào nhà hàng.

Trong khi đó, giới chức Nga đã thúc giục người dân tiêm vaccine, để chống lại đợt bùng phát mới được cho do biến thể Delta. Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko ngày 28/6 cho biết khoảng 23 triệu dân trong tổng số 144 triệu người nước này đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 2.135.998 ca nhiễm, tăng 20.694, trong đó 57.561 người chết, tăng 423.

Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đang thúc đẩy các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn khi Indonesia đối mặt với đợt bùng phát mới nghiêm trọng, theo nguồn tin thân cận chia sẻ với Reuters. Chính phủ Indonesia dự kiến tổ chức các cuộc họp về việc siết kiểm soát trong tuần này.

Dữ liệu của Hiệp hội Y khoa Indonesia cho biết 500 nhân viên y tế tại Kudus, thị trấn ở trung tâm đảo Java, dương tính với nCoV dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine, trong đó có một người chết, theo Guardian.

Trước đó, ngày 27/6, Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ một hiệp hội y khoa Indonesia cho biết tháng này đã ghi nhận 26 bác sĩ tử vong vì Covid-19, trong đó ít nhất 10 người được tiêm đầy đủ hai liều vaccine của hãng dược Trung Quốc Sinovac.

Từ giữa tháng 3/2020 đến 26/6/2021, 949 nhân viên y tế ở Indonesia đã chết vì mắc Covid-19, gồm 401 bác sĩ và 315 y tá.