Mặc dù đã có những cố gắng nhất định trong phát triển các khu nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, nhưng nhìn chung, tại nhiều địa phương đây là lĩnh vực còn bị bỏ trống. Những bất cập về chỗ ở cho công nhân bộc lộ rõ hơn khi đại dịch Covid-19 đang "tấn công" người lao động các khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Hàng chục nghìn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp tại hai tỉnh này đang phải thuê nhà trọ riêng lẻ do người dân tự phát đầu tư xây dựng trong khu dân cư. Không chỉ cách xa nơi làm việc, phần lớn các nhà trọ đều chật chội, không bảo đảm yêu cầu về mật độ xây dựng, cơ sở hạ tầng, an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh… Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khoanh vùng, truy vết, dập dịch gặp không ít khó khăn tại hai địa phương này.
Tại thành phố Hà Nội, nguồn cung căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm, đẩy giấc mơ có nhà ở, cải thiện chỗ ở của những người thu nhập thấp ngày càng xa. Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở xã hội lại có tình trạng "bán suất" mua nhà, không ít khu nhà ở xã hội lại có nhiều chủ nhân là những người đi ô-tô hạng sang, do bị bán "nhầm" đối tượng. Ðiển hình như tại dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh, quận Long Biên, mặc dù chủ đầu tư chưa hề mở bán căn hộ, nhưng các đối tượng cò mồi đã rao bán suất mua nhà. Khách hàng muốn mua suất mua nhà ở xã hội (với mức giá dự kiến rẻ hơn nhà ở thương mại) phải chi thêm chênh lệch vài trăm triệu đồng/căn.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến hết năm 2020 xây dựng mới 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Nhưng đến nay, cả nước mới hoàn thành hơn 5,2 triệu m2 sàn, chỉ đạt gần 42% kế hoạch. Nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa xác định rõ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án phát triển nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí quỹ đất, nhưng ở vị trí không thuận lợi... Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NÐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có quy định bắt buộc các dự án phát triển nhà ở phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nâng mức cho vay lên 80% và kéo dài thời hạn cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội lên 25 năm thay vì 15 năm như trước...
Công nhân là lực lượng lao động quan trọng và là đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội lớn. Ðể đáp ứng được nhu cầu này, đòi hỏi sự thay đổi đột phá về chính sách phát triển nhà ở xã hội, như: Thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội được huy động từ quỹ đất, nguồn tiết kiệm vay vốn mua nhà, phát hành trái phiếu; thành lập Tổng công ty nhà nước nhằm phát triển quỹ đất, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội thay cho việc đẩy hết trách nhiệm cho doanh nghiệp tư nhân. Với những đô thị lớn và những tỉnh đang phát triển các khu công nghiệp, các cấp chính quyền cần sát sao hơn trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội.