Ngày 1/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.
Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về bốn nội dung: Bối cảnh, tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm, những kết quả đạt được, những hạn chế, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, mục tiêu, phương hướng, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong sáu tháng cuối năm; các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức phiên họp từ khâu tổ chức báo cáo tới khâu thảo luận, phát biểu. Những ngày qua, Thủ tướng đã chỉ đạo việc xây dựng các báo cáo theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ đánh giá, tập trung vào những công việc trọng tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh, tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.
Thủ tướng lấy thí dụ, Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hiện nay đang ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đang phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Hơn nữa, ngay trong một địa phương như TP Hồ Chí Minh, có những quận, huyện tập trung phòng chống dịch, nhưng những quận, huyện khác tình hình dịch bệnh không căng thẳng, phải tập trung phát triển kinh tế.
Thủ tướng cũng nhắc tới thí dụ về kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm để nghiên cứu, thảo luận, phân tích kỹ, làm rõ thêm về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, tập trung vào: Phòng chống dịch bệnh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn; hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển công nghiệp và xây dựng; phát triển nông nghiệp; phát triển các ngành dịch vụ (như đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử); thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, huy động nguồn vốn xã hội; bảo đảm lao động, việc làm, an sinh xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới, cải cách, hoàn thiện thể chế; bảo đảm quốc phòng-an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, thúc đẩy hội nhập sâu rộng; theo dõi, đôn đốc kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật; tuyên truyền và vận động nhân dân.
Các đại biểu cần phát biểu ngắn gọn, bao trùm, đi thẳng vào những vấn đề, nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Từ đó, đề xuất những giải pháp phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội đã đề ra.
* Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,91%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 8,91% so cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,45%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,84%), đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,75%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,61% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên dạng khí giảm 12,5%) làm giảm 0,25 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sáu tháng đầu năm tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2021 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 26,7%); tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân sáu tháng đầu năm 2021 đạt 75,2% (cùng kỳ năm trước là 81,5%); số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2021 giảm 1,4% so cùng thời điểm tháng trước và giảm 1% so cùng thời điểm năm trước.
Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong sáu tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.152,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2021 là 2.095,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2021 lên 93,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong sáu tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sáu tháng qua có nhiều biến động, đặc thù hơn sáu tháng năm ngoài, như dịch Covid-19 đợt này bùng phát mạnh, phức tạp; đánh giá, Chính phủ bám sát tình hình, mục tiêu Quốc hội giao, tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng suốt, định hướng, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Về chống dịch, đã ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi một số ổ dịch, khôi phục cuộc sống bình thường. Các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đã duy trì hoạt động bình thường. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng kinh tế tăng trưởng cao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao... Các số liệu thống kê kinh tế - xã hội cho thấy kết quả tốt, được các định chế tài chính quốc tế đánh giá rất tích cực.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng hành vào cuộc các tầng lớp nhân dân chung tay cùng Chính phủ đạt được thành tựu trên; biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong công tác phòng dịch.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, CPI thấp nhất nhiều năm qua; thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định; thu ngân sách tăng khá. Tăng trưởng GDP đạt cao, xuất khẩu tăng. An sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm. Chúng ta không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng. Cải cách thể chế được đẩy mạnh; từ đầu năm đến giờ, chúng ta quyết liệt thực hiện cải cách thể chế ngay trong nội bộ, như sửa và ban hành một loạt Nghị định, Nghị quyết. Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì rất quyết liệt. Cái gì không thuộc thẩm quyền cũng khẩn trương trình lên.
Chuyển đổi số cũng được quan tâm và thúc đẩy. Chúng ta cũng thực hiện chuyển đổi số để phòng, chống dịch Covid-19. Môi trường sống được cải thiện. An ninh quốc phòng được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh và tăng cường. Năm nay có một số sự kiện đối ngoại trực tiếp, đón tiếp các đoàn cấp cao đến thăm; điện đàm với các nguyên thủ, lãnh đạo các nước... Ngoại giao vaccine và phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện rất tích cực, quyết liệt. Chiến lược vaccine từng bước hiệu quả, “đúng và trúng”, kịp thời. Qua khó khăn như vậy, chúng ta thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cả trong nước và nước ngoài, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Về hạn chế yếu kém, Thủ tướng nêu rõ, dịch Covid-19 ở các tỉnh miền đông và TP Hồ Chí Minh đang phức tạp, lan rộng, diễn biến phức tạp, khó lường. Tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra; khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều, tăng trưởng thấp. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng; giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải, logistics cao do hệ thống giao thông bất cập, nhất là ở các vùng kinh tế động lực, vùng xuất khẩu. Điều này cho thấy hạ tầng yếu kém, làm đội chi phí, mất thời gian. Việc huy động nguồn lực có tăng nhưng so dư địa, tiềm năng còn thấp. Nợ thuế tăng cao. Một bộ phận người lao động đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Chúng ta đã tích cực xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị tác động bởi dịch Covid-19. Chúng ta chưa quản lý lao động tự do một cách căn cơ, cần phải làm cẩn thận, thỏa đáng, đúng đối tượng, chống tiêu cực.
Về nguyên nhân, chúng ta thấy biết kế thừa, thành tích, bài học quý của nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm qua. Biết rút kinh nghiệm tránh hạn chế và cần phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Vừa kế thừa, ổn định vừa ổn định phát triển, sát thực tế, khả thi, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, nhưng không lo sợ, ngại ngùng mà với tư tưởng tiến công. Chúng ta tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, các cấp lãnh đạo nghiêm túc để tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của Đảng, đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước. Sự vào cuộc phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Sự ủng hộ nhiệt tình hiệu quả của các tầng lớp nhân dân.
Nguyên nhân hạn chế yếu kém là do hai đợt dịch bùng phát nhất là do chủng Delta phức tạp, khó lường, nguy hiểm, khó kiểm soát hơn. Chúng ta cũng có những nơi, những lúc lơ là, chủ quan mất cảnh giác. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn phục thuộc thị trường xuất khẩu và FDI. Công tác lãnh đạo chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật của một số cơ quan đơn vị địa phương, người đứng đầu chưa quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa quyết liệt, đồng bộ, chưa bám sát thực tiễn để đưa ra quyết sách phù hợp. Chống dịch hiện nay vẫn tồn tại hai khuynh hướng: Chủ quan mất cảnh giác; hoảng hốt, sợ sệt. Việc chỉ đạo có lúc thiếu nhất quán. Việc tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế, nhất là thể chế chưa thực sự quyết liệt, còn nhiều nút thắt chưa tìm ra. Một số chính sách ban hành chỉ là trước mắt, tình thế, chưa phải mang tính cơ bản, lâu dài, nhất là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải biết chọn lọc, kế thừa, phát huy cái tốt, bài học hay. Bám sát Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đại hội đảng các cấp, sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để chúng ta căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành linh hoạt, dáng tạo, quyết liệt. Có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thích ứng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, vừa thực hiện chỉ đạo của cấp trên, phát huy sự chủ động sáng tạo thích ứng của cấp dưới. Tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế liên quan cơ chế chính sách. Thực hiện có cơ sở khoa học, lý luận thực tiễn, pháp lý. Khi làm cái mới thì đều khó khăn nhưng cái gì đã "chín", đã rõ, được thực tế chứng minh hợp tác thì tiếp tục làm; những gì chưa rõ, vượt qua quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, chủ quan.
Bài học nữa là tích cực chủ động tìm ra nguồn lực mới. lấy đầu tư công dẫn đắt đầu tư tư, vốn mồi cho đầu tư tư. Phải lao vào thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn. Chúng ta cần mạnh dạn, chủ động, tích cực để nhân rộng cách làm hiệu quả, nhất là huy động nguồn lực xã hội còn nằm trong dân rất nhiều. Càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng đa số; không bi quan, không lo sợ. Có bản lĩnh, biến khó khăn, thách thức thành động lực vươn lên; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe. Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không say sưa với thắng lợi, thành tích ban đầu.
Thủ tướng nêu rõ, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19. Hài hòa giữa tấn công và phòng ngừa; phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; tấn công là chủ động, quyết liệt, hiệu quả và dứt điểm.
Thủ tướng nhấn mạnh, dự báo tình hình cho thấy có cả thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Nhưng chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn. Phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, phát huy tự lập, tự cường vươn lên. Biến không thành có, biến không thể thành có thể, biến khó thành dễ, không trông chờ ỷ lại, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đã đề ta.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta thống nhất chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng; giữ nguyên hai kịch bản như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, kịch bản 1 là mức tăng trưởng GDP năm nay là 6%, kịch bản 2 là 6,5%. Nhưng dù kịch bản nào thì cũng phải cố gắng, nỗ lực rất lớn. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiên trì thực hiện mục tiêu kép không máy móc, không cứng nhắc, phải căn cứ tình hình thực tế mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và lựa chọn ưu tiên phù hợp, cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Phải định hướng hài hòa, nhuần nhuyễn, hợp lý giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa với các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội. Phải đi lên từ nội lực, là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa; đường lối chính sách. Ngoại lực là đột phá, là vốn, khoa học công nghệ, quản lý, kinh nghiệm. Thực hiện thành công chiến lược vaccine gồm tiếp cận, mua bình đẳng vaccine. Nỗ lực thực hiện ngoại giao vaccine thành công. Tiếp cận vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể trên cơ sở theo dõi chặt nhu cầu vaccine trên thế giới sau tháng 9. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Tích cực sản xuất các sinh phẩm, thuốc điều trị bệnh Covid-19.
Đẩy mạnh hơn nữa ba đột phá chiến lược, nhất là thể chế, đầu tư cho hạ tầng chiến lược. Thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Dành nguồn kinh phí thỏa đáng để nâng cao tay nghề cho lao động. Đầu tư công của ta hiện đang tập trung vào ba đột phá chiến lược, khắc phục manh mún, kém hiệu quả; đang được điều chỉnh để tập trung hoàn thành các công trình quan trọng. Chúng ta nói thì phải quyết tâm hành động. Nhanh chóng sửa đổi, bổ sung thể chế. Quan tâm có giải pháp bảo đảm tổ chức tốt và an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, kết thúc năm học thắng lợi.
Trong phòng, chống dịch Covid-19 phải linh hoạt, bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây là nội dung quan trọng, dứt khoát phải tập trung, ưu tiên trên cả nước thì mới phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy các thị trường xuất khẩu đa dạng, phong phú hơn. Xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như rau, củ quả. Cần phát huy lợi thế các Hiệp định FTA, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, hạn chế nhập siêu; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bảo đảm an ninh năng lượng; có chính sách năng lượng dài hạn; hoàn thành Quy hoạch điện VIII. Phát triển cơ cấu nguồn điện hợp lý; có chính sách thu hút đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng. Năng lượng điện có tính chất lâu dài nhưng phải bám sát thực tế, có chính sách phù hợp, uyển chuyển, phù hợp thị trường.
Về nông nghiệp, cần mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là trái cây, hạn chế giải cứu, phải có chiến lược, quy hoạch. Coi trọng mẫu mã, công nghệ sau thu hoạch, vươn lên cạnh tranh về chất lượng, giá cả. Đổi mới mạnh mẽ, giảm chi phí vận tải, phải phát triển hạ tầng đồng bộ. Giải quyết dứt điểm tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, thể hiện tinh thần làm việc nào dứt điểm việc đó. Nỗ lực, chủ động giải quyết các việc tồn đọng. Tích toán kích cầu nội địa, phát triển thương mại điện tử. Có kế hoạch, chương trình chuyển đổi số theo ưu tiên; có giải pháp phù hợp, nhất lúc này là thời cơ thúc đẩy chuyển đổi số.
Cần có cơ chế huy động nguồn lực, nhất là cho phát triển hạ tầng chiến lược. Cần phân tích bài học phát triển các dự án giao thông BOT để rút kinh nghiệm, giải quyết dứt điểm. Đẩy mạnh hợp tác công tư các lĩnh vực. Tháo gỡ khó khăn về vốn ODA. Về lao động việc làm, đây là vấn đề lớn, do đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, khôi phục lại việc làm ở những nơi dịch đã được khống chế; phải ổn định, thích nghi điều kiện mới, không để đứt gãy thị trường lao động, nhất là có phương án bảo đảm sản xuất trong điều kiện dịch ở khu công nghiệp như vừa qua. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tham ô, lãng phí, sách nhiễu; thúc đẩy cải cách hành chính, có các cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư. Giữ vững ổn định an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh ngoại giao vaccine, đồng thời bảo đảm giữ vững chủ quyền. Giảm hội họp ở Trung ương để đi cơ sở; tăng cường kỷ luật kỷ cương; coi trọng đầu tư thích đáng cho tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.
Chính phủ kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác tiếp tục đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Quốc hội giao, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.