Như Thanh Niên đã thông tin ngày 30.6, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân quyết định tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống từ 0 giờ ngày 1.7 đến hết ngày 14.7. Hiện, quận Bình Tân có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất TP.HCM với hơn 700 người, nhiều người lo ngại nguy cơ lây lan dịch Covid-19 từ chợ truyền thống.
“Bủn rủn, không biết những ngày tới sống sao”
Chợ An Lạc (Q.Bình Tân) lúc 7 giờ sáng 1.7, Ban quản lý chợ liên tục phát loa yêu cầu các tiểu thương tranh thủ dọn hàng, ngừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19. Ban quản lý chợ cũng đến từng sạp hàng vận động, yêu cầu người dân thực hiện đúng quy định của địa phương. Phía trước đường ra vào chợ có lực lượng chức năng đo thân nhiệt, xịt nước rửa tay sát khuẩn, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Nghe thông báo, nhiều tiểu thương trong chợ xôn xao, ai cũng tranh thủ dọn hàng để kịp giờ đóng cửa. Bà Hoài Hương (52 tuổi) bán bún thịt nướng trong chợ than: “Chiều hôm qua tôi đã được nghe thông báo là 11 giờ trưa nay đóng cửa nên sáng định bán một tí rồi tranh thủ dọn hàng luôn. Nào ngờ sáng nay nghe thông báo phải đóng liền nên tay chân bủn rủn vì sáng giờ bán được có 20.000 đồng à, còn một đống đồ ở đây”.
Chợ An Lạc (Q.Bình Tân) lúc 7 giờ sáng 1.7, Ban quản lý chợ liên tục phát loa yêu cầu các tiểu thương tranh thủ dọn hàng, ngừng hoạt động
|
Bình Tân quyết định tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống 2 tuần, tiểu thương chấp hành nghiêm để phòng dịch
|
Bà băn khoăn không biết phải xử lý số thực phẩm chưa bán hết ra sao vì theo bà tình hình này mình không buôn bán được gì. Lo lỗ vốn hôm nay là một nhưng lo cho 2 tuần tới là mười vì thu nhập chính trong gia đình của bà hoàn toàn dựa vào hàng ăn này.
Khi PV hỏi: “Không bán nữa, những ngày tới cô làm gì?”, tiểu thương này cười trừ: “Tôi có cái nghề này, giờ nghỉ bán thì ở nhà nằm đó chứ biết làm sao đây. Thôi thì ráng vậy chứ biết làm gì hơn, mình có cháo ăn cháo có mì ăn mì chờ dịch nguôi”.
Bà Hồ Thị Hoa (65 tuổi) bán cơm tấm gần đó nghe bà Hương tâm sự cũng tiếp lời, nói nghe tin mà mình thấy “chưng hửng” không biết phải làm gì. Hôm qua, bà Hoa cũng tưởng mình còn được bán tới 11 giờ trưa nên sáng nay vẫn tranh thủ nấu một ít cơm bán “kiếm được đồng nào hay đồng đó”. Khi được yêu cầu phải dừng bán ngay trong sáng nay, bà hoang mang không biết sao, ráng tranh thủ nấu cho chín đồ ăn để giao cho mối rồi dọn hàng luôn.
Sáng 1.7, vẫn còn nhiều tiểu thương bán trong chợ An Lạc. Sau khi Ban quản lý nhắc nhở, yêu cầu người dân dừng bán, tiểu thương tranh thủ dọn hàng
|
Bà Hoài Hương (52 tuổi) chưa biết tính sao với số hàng chưa kịp bán hết
|
Bà Hồ Thị Hoa (65 tuổi) dự tính sẽ tự nấu cơm ở nhà giao cho mối quen khi không còn được bán ở chợ
|
“Bữa nay chắc lỗ vốn quá, nhưng chịu thôi vì là quy định rồi. Bán ở đây hơn 35 năm, chưa bao giờ tôi gặp phải cảnh thê thảm này. Mấy ngày trước nhìn mọi người đóng cửa, tôi bán hàng thiết yếu nên thầm nghĩ mình may mắn vì còn được bán. Đã ráng trụ được tới bây giờ, vậy mà...”, bà thở dài.
Nghĩ tới cảnh thời gian tới không còn được bán, bà rơm rớm nước mắt nói hàng ăn này là chén cơm nuôi sống gia đình mình. Những ngày qua, bà vẫn ráng bán cơm để nuôi các cháu đang bị phong tỏa sống trên đường Hồ Học Lãm (P.An Lạc, Q.Bình Tân), nay nghỉ bán, mất thu nhập bà không biết xoay xở sao. Người phụ nữ dự tính dù không còn bán ở chợ nhưng bà vẫn cố gắng tự nấu cơm ở nhà để giao cho mối quen, ráng trụ qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Trịnh Văn Dũng (67 tuổi) bán tạp hóa trong chợ vừa tranh thủ đóng cửa sạp vừa nói mình may mắn khi những ngày qua không nhập hàng mới về. Hàng hóa ông bán chủ yếu là lương khô nên còn để được lâu. Dù vậy, ông rất buồn khi phải tạm xa sạp hàng đã 40 năm gắn bó.
“Mấy ngày lễ tết tôi còn không nghỉ vậy mà vì con Covid-19 này mà phải nghỉ bán. Nhưng mà cũng nên vậy, vì dịch ở đây ngày càng phức tạp, tôi buôn bán mà lúc nào cũng lo lắng không biết mình có đang nhiễm bệnh hay không”, ông Dũng cho hay.
Một tiểu thương bán trái cây rủ những chủ sạp gần đó “giải cứu” hàng của mình
|
Sáng 1.7, người ra vào chợ được đo thân nhiệt, xịt nước rửa tay sát khuẩn
|
Chủ tiệm tạp hóa nói trong thời gian qua, dù tình hình buôn bán khó khăn nhưng ông có tích góp được một số tiền, con cái ông cũng đã lớn nên mỗi tháng vẫn cho ông tiền. Ông hi vọng việc mình và các tiểu thương khác dừng bán sẽ góp phần phối hợp với chính quyền địa phương vượt qua đợt dịch Covid-19 lần này.
“Tôi vẫn nhớ chợ An Lạc đông đúc, nhộn nhịp trăm người bán vạn người mua. Hẹn gặp lại vào một ngày sớm nhất”, ông Dũng bộc bạch.
Chị Trần Thanh Nhàn (34 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) hay tin chợ truyền thống sắp đóng cửa, vậy là sáng ra chị ghé chợ An Lạc gần nhà mua thực phẩm về dự trữ để khỏi phải đi chợ cho những ngày sắp tới. Việc đóng cửa chợ tự phát vốn khiến chị mua hàng hóa khó khăn, giờ chợ truyền thống gần nhà cũng đóng nên chị không giấu được lo lắng.
Những người bán tạp hóa, đồ khô đỡ lo vì hàng hóa để lâu được
|
Nhiều người tranh thủ ghé chợ mua hàng
|
Các tiểu thương tranh thủ dọn hàng trước khi chợ đóng cửa
|
Chị Nhàn tâm sự: “Tôi mua đồ ở mấy khu chợ này quen rồi, ít có vô siêu thị lắm. Mà giờ đóng hết rồi sao mua ta. Thôi trước mắt cứ mua nhiều nhiều, hết rồi thì tính tiếp. Cùng lắm thì vào siêu thị mua chứ biết sao”.
Hơn 8 giờ, nhiều tiểu thương đã dọn xong hàng, tạm nói lời tạm biệt khu chợ quen thuộc 14 ngày. Một số tiểu thương vẫn tranh thủ dọn dẹp cho kịp đến trưa chợ đóng cửa…
Trao đổi với Thanh Niên, ông Khưu Thành Kỳ (Phó trưởng Ban quản lý chợ An Lạc) cho biết trước khi đóng cửa từ ngày 1.7, vẫn còn khoảng 78 tiểu thương bán các loại hàng hóa thiết yếu bên trong.
“Chúng tôi đã cử lực lượng tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp, ngừng bán trong sáng ngày hôm nay theo đúng quy định. Dự tính vào trưa này chợ sẽ chính thức đóng cửa cho tới khi có thông báo mới”, ông Kỳ thông tin thêm.