Bài 2: Có phải là chùa?

Hiện trên cả nước không thể thống kê được có bao nhiêu ngôi chùa chưa được pháp lý công nhận, nhưng tồn tại, hoạt động trong nhiều năm qua. Riêng tại TPHCM, trên địa bàn các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và một số nơi, có hàng trăm ngôi chùa là “chùa gia đình”, hoặc do tăng ni tự xây dựng, chưa được Giáo hội công nhận vì không đủ điều kiện theo quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật nhà nước. 

Khu chánh điện chùa Từ Tâm trong khuôn viên  Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy. Ảnh: HOÀI NAM

Khu chánh điện chùa Từ Tâm trong khuôn viên Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy. Ảnh: HOÀI NAM

“Chùa” không phép 

Xuống sân bay Vân Đồn lúc 15 giờ, theo đường cao tốc nhánh Vân Đồn - Uông Bí còn tươi mới nhựa đường, lưu lượng người tham gia giao thông còn vắng sau đợt phong tỏa do dịch Covid-19 ở cả khu vực này, chỉ 50 phút sau, xe đã đưa chúng tôi đến Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh). 

Nằm ngay dưới chân núi Linh Sơn, phía trước là vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp, Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy như một đảo nhỏ xanh mát. Ngay lối vào từ cổng phụ là khu nhà chánh điện, được thiết kế theo kiến trúc chùa cổ Việt. Phía trong công viên là khoảng đất rộng khoảng hơn 3ha, có nhiều công trình được xây dựng mô phỏng tháp Bút, tháp Phúc Duyên, Văn Miếu, cổng dẫn lên vọng cảnh đài in đậm dòng chữ phía trên: “Linh Sơn tự”.

Chánh điện “chùa” nằm khuất phía sau núi Linh Sơn, nhìn về hướng núi Vũng Đục, Hòn Một. Bà V., người trông coi “chùa”, dẫn chúng tôi tham quan cảnh vật nơi đây, giới thiệu: Công viên này được xây dựng từ năm 2003, lúc đầu có tên là chùa Linh Sơn, sau được sư trụ trì đặt lại là chùa Từ Tâm.

“Chùa hiện do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý?”, chúng tôi hỏi.

Bà V., gạt tay, nói: “Gần 20 năm nay vẫn do Công ty CP Than Cao Sơn quản lý”.

“Hiện, thầy trụ trì chùa là ai?”.

“Thầy Giác Thành. Hiện thầy đang đi học. Mùng 1, ngày rằm hàng tháng, hay các lễ lớn thầy mới về làm lễ, phật tử về đông lắm”, bà V. cho biết.

Chúng tôi đến UBND phường Cẩm Sơn, Chủ tịch UBND phường Hoàng Tuấn Khanh, cùng Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Huế tiếp chúng tôi. Ông Khanh nói: “Trên địa bàn chỉ có chùa Phả Thiên, không có chùa nào khác”.

“Còn chùa Từ Tâm nữa?”, chúng tôi hỏi.

“Đó là Công viên Văn hóa Cao Sơn Lưu Thủy thuộc Công ty CP Than Cao Sơn quản lý”, ông Khanh trả lời.

“Đây là ngôi chùa mà. Trước kia có đại đức Minh Lâm trụ trì, hiện nay là một vị sư”, chúng tôi nói thêm.

“Anh đừng nói trước kia, tôi không biết. Hiện nay không có sư trụ trì nào ở đây, và cũng không có hoạt động tôn giáo nào ở đây. Tôi vừa xuống dưới đó, không thấy có sư và cũng không có cúng tụng gì”, ông Khanh khẳng định.

Chúng tôi thông tin thêm: “Nhiều năm qua, trong các lễ lớn hay mùng một, ngày rằm hàng tháng người dân khắp nơi về chùa cúng lễ đông lắm mà”.

Ông Khanh dửng dưng: “Cái đó tôi không biết!”…

Ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) có một “ngôi chùa” mọc lên trên khu đất 5ha, nguyên trước kia là một khu rừng. Từ năm 2017 - 2019, ngôi chùa này nhiều lần bị UBND xã Diễn An xử phạt về các hành vi san lấp, xây dựng trái phép. Thế nhưng, không hiểu sao ngôi chùa vẫn tồn tại đến nay.

“Ngôi chùa” có tên Linh Sơn Tự, được xây dựng theo lối kiến trúc chùa cổ với 7 gian, bên trong là các trụ gỗ và những bức tượng to... Trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có 2 “ngôi chùa” không phép tại huyện Thanh Chương và Nghi Lộc với giá trị đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Trong đó, “chùa” Linh Sâm ở xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương được xây trên khu đất thuộc Di tích lịch sử quốc gia Đền Hữu. Năm 2020, UBND huyện Thanh Chương đã kỷ luật 4 cán bộ xã vì để “ngôi chùa” xây dựng không phép này, trong đó có bí thư đảng ủy và 1 phó chủ tịch UBND xã. 

Trên núi Tam Đảo, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), thời gian qua xuất hiện một “ngôi chùa” mang tên Chùa Vàng. Đặc biệt, “ngôi chùa” xây trái phép ở vị trí đắc địa trên núi Tam Đảo này không có sư trụ trì, và cũng không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Không những vậy, “ngôi chùa” còn được xây ngay dưới chân cột phát sóng truyền hình Tam Đảo, cao 5 tầng, với thiết kế lạ, mái cong đầu đao.

Theo lời kể của người dân, năm 2007, khi công trình được dựng lên, chính quyền địa phương có đến đình chỉ vài lần, nhưng sau đó nó vẫn tồn tại, tổ chức cúng bái vào mùng 1, ngày rằm hàng tháng, thu hút du khách khắp nơi đến chiêm bái, dâng lễ. 

TPHCM: Hàng trăm “chùa lạ” thản nhiên tồn tại

“Cứ tới đầu hẻm 446, tỉnh lộ 7, xã Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi), hỏi thầy Long con bà Ri, ai cũng biết”. Theo lời giới thiệu của chị Sáu, ngụ xã Trung Lập Hạ, chúng tôi tìm gặp “thầy Long”, như lời đồn đại của nhiều người về một ông “sư trẻ thần thánh”. Thực hư như thế nào được chúng tôi ghi nhận qua câu chuyện gặp “thầy Long” dưới đây: 

“Thầy pháp danh là gì ạ?”.

“Thầy là Đại đức Thích Đồng Long, trụ trì chùa Liên Trì”.

“Chùa xây lâu chưa ạ?”.

Chúng tôi đang hỏi bỗng một phụ nữ trạc 50 tuổi từ trong bước ra, chen vào: “Tôi là mẹ thầy Long. Chùa có hai mẹ con ở đây thôi. Chùa xây gần 10 năm rồi, lúc thầy mới hơn 10 tuổi. Thầy cũng muốn mở rộng chùa mà chưa có kinh phí”.

“Chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam hả thầy?”, chúng tôi hỏi tiếp.

“Chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất”, mẹ “thầy Long” nói.

“Thầy quê ở đâu?”.

“Thầy quê ở đây, đất nhà, cứ xây chùa lên, ai đến cúng thì cúng”… 

Chúng tôi gặp chính quyền địa phương. Ông Phan Hồng Trí, Phó Ban Công tác Mặt trận ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ, cho chúng tôi biết: “Thầy Long tên thật là Phạm Trần Công Trình, năm nay 21 tuổi, đã tu tập gì đâu. Năm 2018, “thầy Long” có lôi kéo một số thanh niên địa phương đi biểu tình, gây rối trật tự ở trung tâm thành phố. Chính quyền gọi lên xử lý. Thời gian gần đây, Long thường mời một số người nơi khác về cúng, lễ, nhưng sau đó đều bị chính quyền can thiệp. Ngay tấm bảng hiệu “chùa Liên Trì” đặt trước cổng chùa cũng đã bị chính quyền yêu cầu hạ xuống, vì chùa chưa được pháp lý công nhận”…

Tại ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) cũng có một “ngôi chùa” bị hạ bảng hiệu, vì là “chùa lạ” do một “thầy” từ nước ngoài về, tự đặt tên chùa là “Hoằng Pháp Trung ương” và tự phong Thượng tọa Thích Tâm Phúc, trụ trì chùa.

Đến ấp Láng Cát, hỏi đường vào “chùa thầy Phúc”, ai cũng biết. Một phụ nữ trạc 30 tuổi, chỉ: “Cuối đường tới ngã ba rẽ phải vào mấy chục mét là gặp chùa bên trái”. Tới trước sân đã nghe tiếng “thầy Phúc” rao giảng phật pháp trước camera điện thoại của các YouTuber.

“Đêm qua thầy Phúc bị mất 4 con voi đá đó”, một tay máy nói với chúng tôi.

“Thầy Phúc” liền giải thích: “4 con voi cổ này có hơn 1 tỷ đồng chứ nhiêu, đồ bỏ. Đồ của thầy đồ cổ nhiều lắm, bày đầy trong tủ kia kìa, toàn đồ đồng cổ có giá trị từ nước ngoài mang về. Thầy tu lâu năm ở nước ngoài, có quyết định công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Ma Ha Zin. Về Việt Nam nó chưa chịu cho vô giáo hội, nó đòi tiền cao quá, lúc đầu đòi 500 triệu đồng, sau cả mấy tỷ đồng, mình không có đủ nên không vô nữa”, “thầy Phúc” nói.

“Chùa này xây lâu chưa thầy?".

“Xây 3 năm rồi. Thầy tu bên Campuchia, mới về hơn năm nay”.

“Đất chùa rộng quá sao thầy không xây thêm ra”.

“Đất ông bà để lại hơn 2.000m. Tôi đang tính mua hết bên kia, đối diện là 60.000m, kế bên là 30.000m, họ nói giá 5 triệu đồng/m2. Mua làm trung tâm nuôi trẻ mồ côi, bệnh viện, trường đại học Phật giáo. Thầy đợi học xong tiến sĩ rồi làm, còn hơn 1 năm nữa, đang cần tiền để học tiếp. Thầy là người thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Ma Ha Zin mà về đây, nếu được công nhận họ chỉ cho làm phó chủ tịch nên thầy không chịu…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “thầy Phúc” tên thật là Nguyễn Minh Phúc, sinh năm 1983, tự đặt pháp danh Thích Tâm Phúc, trú tại 144/45 Giòng Cát, ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, tự đặt tên “chùa” là “Hoằng pháp Trung ương”.

Thời gian qua, ông Phúc gây xôn xao trên YouTube với một số hình ảnh, phát ngôn nói rằng: nhà sư ăn thịt động vật, thậm chí còn làm clip ăn thịt chó; đồng thời nói về Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng từ ngữ thiếu chuẩn mực.

Theo chỉ dẫn của Thượng tọa Minh Bình, Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bình Chánh, chúng tôi về ấp 3, xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) tìm hiểu về hoạt động của các “ngôi chùa gia đình” tại đây. Đến “chùa” Phát Thành tại số C14/40, chúng tôi gặp ông Ba Lợi, phật tử chùa.

“Thầy trụ trì pháp danh là gì ạ?”.

“Thầy Thiều Hai. Tui thứ ba, là em rể Thầy Hai. Trụ trì chùa là ông Thiều Văn Y, giờ ổng lớn tuổi rồi giao lại cho Thầy Hai, là con nối nghiệp”.

“Gia đình Thầy Hai ở tại chùa luôn à?”. “Cũng ngay sát đây thôi. Thầy có 3 người con, 1 gái, 2 trai, vợ thầy ở nhà nội trợ”.

Vào chánh điện, chúng tôi gặp Thầy Hai đang tụng kinh. “Anh lễ Phật đi, tôi cúng ban thờ ngoài kia”, thầy Hai nói.

“Thầy pháp danh là gì ạ?”.

“Tôi có pháp danh nhưng cứ gọi Thầy Hai đi. Chùa này có gần 100 năm rồi, do ông bà để lại. Tôi đắp y tỳ kheo đi cúng tụng vậy thôi chứ vẫn để tóc, chỉ ăn chay ngày rằm, mùng 1 hàng tháng. Chùa chưa vào Giáo hội…”. 

Cũng tại xã Bình Chánh còn có “chùa” Pháp Tạng do Thượng tọa Thích Khoan Kế, nối nghiệp cha làm trụ trì. Ni sư Trúc Hải, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bình Chánh, xác nhận với chúng tôi: “Thượng tọa Thích Khoan Kế cùng vợ và con cháu ăn ở, sinh hoạt trong chùa, từ đời cha ông tới nay”.

“Là sư trụ trì chùa mà có con cháu đề huề, ăn ở trong chùa, có phạm luật không ạ?”, chúng tôi hỏi.

“Tôi biết chùa này tới 3 đời trụ trì rồi, đều là truyền lại đời trước sang đời sau”, ni sư Trúc Hải trả lời.

Thượng tọa Minh Bình, Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bình Chánh, cho biết: “Huyện có 85 ngôi chùa thì chỉ có mấy chùa không có gia đình, phần lớn còn lại là “chùa gia đình”. Một số “chùa gia đình” nằm ngoài kiểm soát của Giáo hội, khó biết bên trong họ có làm gì sai không”.

Cũng theo Thượng tọa Minh Bình, trên địa bàn huyện Bình Chánh còn có hơn 100 am, cốc, thất do tăng ni được gia đình, phật tử cúng tặng đất tự ý xây lên rồi trương bảng chùa.

“Về pháp lý, tăng ni đều của Giáo hội, nhưng chùa xây trên đất chưa chuyển đổi mục đích tôn giáo, chưa được Giáo hội công nhận, bổ nhiệm trụ trì. Số này cũng rất khó quản lý”, Thượng tọa Minh Bình nói. 

- Bài 3: Trục lợi dưới mái chùa

SGGP 
Con người chính là chủ nhân quyết định vận mệnh của mình, và chỉ có sống thiện lành, tu tâm tích đức mới có thể biến họa thành phúc. Thế nhưng, những phong tục tốt đẹp trong đi lễ chùa lại đang bị một số người nhuốm màu thực dụng.
 

Khung cảnh hoành tráng của chùa Ba Vàng. Ảnh: HOÀI NAM

Khung cảnh hoành tráng của chùa Ba Vàng. Ảnh: HOÀI NAM

Buôn thần, bán thánh

Từ phường Quang Trung, TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), theo quốc lộ 18 vào hơn 3 cây số, đi thêm gần 1 cây số theo các bậc thang đá, chúng tôi đến chùa Ba Vàng. Chùa thuộc hàng to nhất Việt Nam, nằm trên lưng chừng ngọn núi Thành Đẳng, phía trước là sông dài, phía sau là núi cao, hai bên cũng là núi, tạo thành thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Trong khuôn viên chùa còn có khu nhà trọ để khách nghỉ sau hành trình dài, không phải đi ngược trở về TP Uông Bí. 

Hai năm trước, chùa Ba Vàng xôn xao dư luận với việc để cho bà Phạm Thị Yến (là một thợ may) tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan như “thỉnh vong”, “gọi hồn”, “cúng oan gia trái chủ”. Thậm chí, bà này còn ngang nhiên thuyết giảng và trực tiếp chữa bệnh tại chùa bằng công thức: cúng dường, tu tập, chuyển nghiệp. Mãi đến khi clip về các hoạt động trái pháp luật này được tung lên mạng, thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý. 

Anh L., nguyên cán bộ Cục A92 (Bộ Công an), kể lại câu chuyện cách nay hơn 3 năm, anh và một số phật tử chùa Từ Quang, xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) bị đại đức Thích Giác Th. lôi kéo tham gia vào đường dây mua bán thiên thạch, đồng đen và đi tìm kho báu theo lời truyền dạy của một đấng siêu nhân: “Người nào sở hữu một mẩu thiên thạch sẽ được trường sinh, phú quý”, “Kho báu với vô số của cải của những kiếp trước để lại là có thật, có tin và dám dấn thân đi tìm sẽ có”. Theo anh L., trong các bài thuyết pháp, thầy Th. thường đưa các thuyết lý về sự tái sinh, luân hồi cuộc sống thực tại của mỗi người hôm nay là hình ảnh, hiện thân chính mình ở nhiều kiếp trước. Kiếp này ta nghèo khó, thân phận thấp hèn là do phải trả nợ của những kiếp trước giàu có…

Từ vụ án Nguyễn Thành Chơn tung tin kho báu trăm tỷ USD để lừa đảo, cơ quan điều tra phát hiện thầy Th. có liên quan trong hành vi chuyển tiền ra nước ngoài để được quyền sở hữu các hộp Bond (hộp chứa phôi in tiền đôla Mỹ) có giá trị hàng trăm tỷ USD. Trong vụ này, thầy Th. đã huy động được hàng chục tỷ đồng từ các phật tử tin theo lời truyền dạy về sức mạnh kỳ bí của thiên thạch, đồng đen và các kho báu. Trong đó có bà Nguyễn Thị L. đưa nhiều lần cho thầy Th. số tiền hơn 30 tỷ đồng. Anh L. cũng đưa hơn 1,4 tỷ đồng. Thầy Th., thế danh Huỳnh Văn Chính, sau đó bị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Từ Quang, tước bỏ tư cách tỳ kheo, không còn là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì đã có những vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng, làm mất uy tín đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tại tỉnh Quảng Bình, nhiều người sau một thời gian “mất tích” tại địa phương bỗng nhiên trở về với tấm giấy “nghiên cứu tiềm năng con người” và mở phủ đệ, điểm coi bói, cúng giải hạn, khiến không ít con nhang đệ tử đi theo, kinh tế gia đình từ chỗ khá giả bỗng chốc tan biến theo những chầu cúng bái. Chính vì sự thiếu hiểu biết đã xuất hiện những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận như: hoạt động kinh doanh trong khuôn viên cơ sở thờ tự, hoạt động rải tiền khắp các ban thờ, nhét tiền vào tay tượng, ném tiền xuống hồ, xuống giếng, gài vào gốc cây trong chùa, chen lấn dâng lễ với những mâm to, mâm nhỏ bánh trái, tiền lẻ, thậm chí có cả heo quay, gà luộc, đặt trên bàn thờ để cầu khấn cho được những điều mình mong muốn.

Đừng lợi dụng tâm linh

Chúng ta đã quen mắt với cảnh người dân đến dâng sao giải hạn ở nhiều ngôi chùa từ Bắc chí Nam. Rồi hoạt động đốt vàng mã của nhiều người, đặc biệt vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng bảy (dân gian gọi đó là ngày xá tội vong nhân), vàng mã trong những ngày này được đốt không biết bao nhiêu mà kể. Vàng mã cũng hội nhập, hòa nhập, nó không còn đơn giản là những tập tiền vàng âm phủ và những con vật như ngựa, voi, thuyền (ở miền Bắc và miền Trung), hay nhà lầu, xe hơi (ở miền Nam)… mà hiện nay là các vật dụng của thời 4.0 như điện thoại iPhone 12, Samsung Galaxy Note 20, giày cao gót, thậm chí cả bikini, đều được chế tác bằng đồ vàng mã, để người sống mua về đốt cho cõi âm. Vật phẩm đốt ra tro, còn “nhà sản xuất” thì mua xe hơi thật, xây nhà lầu thật, xài điện thoại iPhone 12 thật. Nhưng đó chẳng là bao so với việc thu lợi từ du lịch, dịch vụ dựa vào chùa to, cảnh lớn của một số đại gia, doanh nghiệp. 

Theo Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, trong quy định của Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nói rõ: Một cơ sở Phật giáo hình thành phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh/thành chấp thuận bằng văn bản. Việc xây dựng các cơ sở mới phải do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh/thành đứng ra thực hiện. Đối với tăng ni mà có nhu cầu xây dựng cơ sở mới, phải đúng quy trình và được sự cho phép của Giáo hội thì mới được xem là hợp pháp. 

Trước thực trạng hiện nay có nhiều ngôi chùa được xây dựng có yếu tố lợi dụng tôn giáo, tâm linh, hoạt động kinh doanh, Thượng tọa Thích Thiện Quý khẳng định là sai trái, Nhà nước phải có biện pháp quản lý hữu hiệu. Cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng tâm linh, tôn giáo cho mục đích kinh doanh, thương mại hóa thì ngay trong Giáo hội cũng kịch liệt lên án. Giáo hội thường xuyên sinh hoạt với các cấp giáo hội từ trung ương đến tỉnh thành trong quản lý, có biện pháp chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Chia sẻ về hội chứng nhiều địa phương xây chùa hoành tráng, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 13, nói: Từ xưa dân gian đã có câu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, điều ấy có thể hiểu được quan trọng nhất là tâm của mỗi người. Có những chùa bé nhưng lại chứa đựng hồn cốt dân tộc, hồn cốt con người; trong khi chùa mà lại không có giáo lý, đạo đức và tâm linh của người Việt, phù hợp và tương thích với người Việt thì cũng không có ý nghĩa. Nhiều nơi xây chùa với mục đích làm du lịch tâm linh, điều này cần phải xem lại. Cần phải phân định rành rọt giữa kinh doanh và tâm linh. Chùa chiền, nơi thờ tự không phải là nơi để thương mại hóa. Nếu xây chùa thật lớn với mục đích tạo ra các giá trị gia tăng, đem lại lợi nhuận là sai trái, bởi chùa là nơi các phật tử gửi gắm tâm hồn, niềm tin, là hướng tới thiện tâm. Theo ông Lê Như Tiến, với khu du lịch tâm linh, hay chùa cũng đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… Có một số nơi sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng để làm chùa là trái pháp luật.

GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa, cũng cho rằng: Phật giáo chú trọng tới cao siêu của tuệ và tâm, chứ không phải là vật chất, bởi vật chất càng to thì càng xa đạo, đây chính là lý do mà nhà Phật nói “hảo tự ố tăng”. Tiếc thay, gần đây một số ngôi chùa mới tu sửa đã có phần xa lạ, kiến trúc “Tây chẳng phải Tây, Tàu chẳng phải Tàu, nhưng rõ ràng không phải Việt”, đã làm ảnh hưởng tới “hình” và “thể” thuộc bản sắc văn hóa dân tộc. Những ngôi chùa được xây to lớn nhiều khi có tính áp chế, khiến con người khi bước vào ngôi chùa thì tâm hồn bị “ngợp” bởi sự hoành tráng, hình thức, làm người ta nhẹ cái tâm đi, tâm hồn bị teo đi, bé nhỏ trước áp lực tinh thần nào đó.

Từ trung tâm Hà Nội, vượt hơn 20km đường đê sông Hồng, chúng tôi đến xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, tìm đến chùa Viên Minh (chùa Ráng). Trụ trì chùa là Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ bảng hiệu chỉ báo trên đê, xa xa dưới đê lấp ló mái ngói rêu phong của ngôi chùa nằm cạnh những thửa ruộng đang trổ mạ non. Chùa Viên Minh trang nghiêm, tĩnh mịch, nhiều cây xanh, được chia thành 3 phần, gồm phần cổng, phần lõi thờ Tổ và phần 10 pháp giới. Một cụ già đang quét sân chùa cho biết, Pháp chủ hiện đang nằm viện vì tuổi cao sức yếu, năm nay đã qua 100 tuổi. Không gặp được ngài, sau khi hành lễ, chúng tôi ra về lòng trĩu nặng những lời ngài răn dạy cách đây hơn 2 năm: “Nay có ai đó xao nhãng tu học mà chạy theo danh lợi phàm tình, xuống cấp đạo hạnh, bị thế gian chê cười, giáo luật và phật luật can thiệp, thì với bản thân mình tất phải chịu quả báo. Đồng thời, các cá nhân và tổ chức có liên quan cũng phải cộng nghiệp chịu trách nhiệm liên đới vì dạy không nghiêm, quản không chặt”.

NHÓM PHÓNG VIÊN