Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện đã sưu tầm được tờ Báo Dân Chúng số Xuân năm 1939 gồm 28 trang, kích thước 27 x 38cm, in màu khá đẹp. Đây được coi là tờ báo “mở cửa đột phá đánh vào chế độ báo chí của Pháp, mở ra một thời kỳ mới: ra báo tiếng Việt không phải xin phép".
Audio Player
 

Đó là tờ báo từng được in số lượng lớn, có số lên đến 1,5 vạn bản, xuất bản không xin phép, công khai tại Sài Gòn, mặc nhiên chống lại các sắc lệnh và nghị định về xuất bản báo chí tiếng Việt. Tuy không có tác dụng trong cả nước, nhưng đã làm cho báo chí Nam Kỳ được tự do xuất bản” sau ngày 10/8/1938 khi chính quyền thuộc địa buộc phải thừa nhận tự do xuất bản báo chí ở Nam Kỳ.

Bìa báo Dân Chúng, số Xuân 1939

Bìa báo Dân Chúng, số Xuân 1939

Ngày 22/7/1938, báo Dân Chúng, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức ra mắt bạn đọc, bước lên vũ đài chính trị công khai ở Sài Gòn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Hà Huy Tập và đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Sự ra đời của báo Dân Chúng là nét son quan trọng trong trang sử truyền thống của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tòa soạn báo Dân Chúng đặt tại nhà số 43 đường Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm), sau chuyển tới nhà số 51E đường Colonel Grimaud (nay là đường Phạm Ngũ Lão, Thành phố Hồ Chí Minh). Báo Dân Chúng được in ốp - sét ở nhà in S.A.T.I, nhà in Bảo Tồn và nhà in Xưa Nay, báo phát hành vào thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên khổ giấy 37 x 54cm.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được tờ Báo Dân Chúng số Xuân năm 1939 gồm 28 trang, kích thước 27 x 38cm, in màu khá đẹp. Trang bìa của báo nổi bật với 2 gam màu: đỏ, tím than, trong đó vẽ hình một người đàn ông cầm cờ đỏ đang chạy lên phía trước, trên lá cờ có in các khẩu hiệu: 

"Hòa bình - Tự do - Cơm áo

Mặt trận Dân chủ Thống nhứt Đông Dương muôn năm!".

Đặc biệt, phía sau người đàn ông này là đông đảo các tầng lớp đang biểu tình theo khẩu hiệu in trên lá cờ mà người đàn ông đang kêu gọi.

Trong số báo này, có nhiều chuyên mục như: Tình hình thế giới, văn hóa nghệ thuật (phim truyện, thơ, văn chương), chuyên mục bình luận về các vấn đề tôn giáo, xã hội, đòi ân xá chính trị phạm, dừng hành động khủng bố và các chuyên mục quảng cáo. Trong mục Nhắc lại chuyện cũ, bàn qua chuyện mới lược lại những vấn đề trên thế giới năm vừa qua, tình hình kinh tế, chính trị của các nước tư bản; Tình hình Đông Dương từ 1938 - 1939 về kinh tế, chính trị hay những vụ cải cách thuế má dật lùi. Về kinh tế "Năm 1938 là năm mà nhà băng Đông Dương và bọn đại tư bổn đầu cơ phát tài, năm mà quảng đại quần chúng bị thua thiệt, bị khổ sở" (trang 5).

Bài viết của Nhà báo Trần Huy Liệu với bút danh Hải Khách trên báo Dân Chúng

Bài viết của Nhà báo Trần Huy Liệu với bút danh Hải Khách trên báo Dân Chúng

Còn về chính trị "Dựa vào lực lượng tranh đấu của dân chúng đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận, căn cứ Đạo luật 1881 về tự do báo chí, những người cộng sản đã dành lại quyền tự do báo chí ở xứ này có từ năm 1881, song chính sách thuộc địa vẫn bóp nghẹt nó mãi tới 1936. Vụ án báo Dân Quyền xuất bản không xin phép đã được pháp luật nhìn nhận là vô tội. Song luật tự do báo chí tới 30-8-38 mới được ban hành, nghĩa là sau hơn một tháng mà tờ báo Dân Chúng đã xuất bản không xin phép được các lớp dân chúng hoan nghinh náo nhiệt".

Bên cạnh nhiều chuyên mục có những bài viết không đề tên tác giả, báo Dân Chúng số Xuân năm 1939 có đăng một số bài viết của các nhà báo nổi tiếng thời kỳ này như: Văn hóa ở Liên bang Xô - Viết của Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Đất Bắc ngày Xuân của Hải Khách (Trần Huy Liệu).

4
Bút danh Trí Thành của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trên báo Dân Chúng

Bút danh Trí Thành của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trên báo Dân Chúng

Đáng chú ý nhất trong số báo này, đó là bài viết Tôn giáo với xã hội loài người của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Thành. Bài viết đăng trên 3 trang (23, 24, 27). Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Tháng 3/1938, Mặt trận dân chủ Đông Dương được thành lập, Tổng Bí thư đã chỉ đạo xuất bản báo Dân Chúng, đồng thời trực tiếp tham gia vào cuộc bút chiến với bút danh Trí Thành, T.C. nhằm phê phán những sai lầm tả khuynh về quan điểm chính trị, phê bình và tự phê bình, về đoàn kết trong Đảng...

Những bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thể hiện sự vận động nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin và những vấn đề về chiến lược, chỉ đạo chiến lược trong phong trào cách mạng.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã đúc kết lại: "Đứng trước tình cảnh ấy, những thái độ tiêu cực ôn hòa của những kể có lương tâm tín ngưỡng đạo đức cao thượng của tôn giáo thiệt không thể cứu vớt được xã hội tối tăm phản động này. Bởi vậy, hết thảy mỗi người, vô luận tín ngưỡng tôn giáo nào, xu hướng chính trị nào cần phải bắt tay nhau tích cực tranh đấu mới cứu vớt nhân loại ra khỏi tấm thảm kịch của bọn phát xít, bọn đế quốc đã gây ra và đương hăm dọa làm cho nó lan tràn khắp thế giới".

Có thể thấy, qua bài viết trên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từ vấn đề tôn giáo, đã kêu gọi toàn thể nhân dân, bất luận ai theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào thì cũng đều phải cùng nhau đấu tranh để cứu vớt cho chính mình và cho dân tộc. Không có một phép màu tôn giáo nào có thể cứu họ khỏi thảm cảnh trước mắt.

Nội dung chính của báo Dân Chúng là tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít, chống Tờ rốt kit, cổ vũ cho mặt trận dân chủ Đông Dương và ở các nước đấu tranh chống phát xít. Ngày 30/8/1939 báo Dân Chúng xuất bản số cuối cùng. Sau hơn một năm hoạt động, báo Dân Chúng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng, đóng góp những trang rực rỡ trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.