Anh Hoàng quyết định bỏ nghề sau khi 3 quán bún bị Covid-19 lấy đi
ẢNH: TRỊNH THANH
Tôi đến quán trong lúc anh Hoàng đang nấu bún cho một đơn hàng qua app. Đơn hàng hiếm hoi giữa lúc Sài Gòn đang gồng mình chống dịch. Xong đơn, anh với tôi ngồi trò chuyện giữa xung quanh ngổn ngang cây kiểng, bàn ghế như chính cuộc sống của anh và gia đình trong 2 năm qua.
Kiệt quệ kinh tế
Anh Đặng Đức Hoàng (40 tuổi) và chị Vũ Hoàng Oanh (41 tuổi) là chủ quán Bún Ông Bụng (P.Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM) với hơn 60 món ăn do chính anh, chị nghiên cứu công thức độc quyền. Những ngày này, thay vì tất bật phục vụ thực khách, vợ chồng anh Hoàng lại "nhàn rỗi" thay đất, chăm cây kiểng để thanh lý.
Quán bún này là quán thứ 3 anh Hoàng mở ra với hi vọng sống được với đam mê và kế hoạch của mình. Năm 2020, anh mở quán đầu tiên kinh doanh thuận lợi, nhanh chóng thu lại được vốn nên mở tiếp quán thứ hai tại Q.7 (TP.HCM). Vừa khai trương quán, dịch bùng phát. Anh chị chỉ cầm cự được 1 tháng đành đóng cửa cả hai.
Từ việc quản lý quán, phục vụ thực khách, nay chị Oanh thay đất, bón phân cho cây kiểng để bán thanh lý bù lỗ |
“Tháng 10 năm ngoái, thấy dịch bệnh lắng xuống, tôi dồn hết tâm huyết, tiền bạc để mở quán này. Đây là quán hoành tráng nhất về tổng thế, trang trí và mặt bằng. Tôi cũng chuyển đổi số hết cho quán từ khâu nhập nguyên liệu đến gọi món. Chi phí cho quán này là hơn 3 tỉ đồng”, anh Hoàng chia sẻ.
Dịch bệnh đã thay đổi và lấy đi hết mọi thứ. Chủ quán tâm sự: “Tới thời điểm này, gia đình đang kiệt quệ về kinh tế. Nhân viên phải trả lương cho họ về quê. Tiền thuê mặt bằng thì chỉ giảm được một chút, không đáng kể. Chi phí nguyên liệu đầu vào rất lớn vì là nguyên liệu sạch và an toàn. Tôi thực sự không thể gồng nổi nữa nên quyết định bỏ nghề”.
Trong 2 năm qua, mỗi đợt dịch bùng phát là anh Hoàng lại lo bù lỗ. Quán đông khách được chừng 1-2 tháng, có tin dịch bệnh là vắng đi hẳn. Dù hết dịch, người dân vẫn e dè nên chưa đến ăn đông ngay mà trở lại từ từ. Tiền lời lúc đông đập qua lúc vắng lại hết.
|
|
Khung cảnh ngổn ngang của quán những ngày cuối cùng trước khi trả mặt bằng |
Anh nói “nếu không có Covid, tôi sống khoẻ lắm” bởi quán bún thu hút rất đông thực khách, nhất là người nước ngoài và người Việt có thu nhập cao. Họ thích bởi vị bún đậm đà, ngọt từ xương và rau củ chứ không phải đường, bột ngọt. Họ thích bởi không gian quán ngập sắc xanh của cây kiểng.
“70-80% khách đến quán là người nước ngoài. Họ thấy món ăn Việt này ngon thì họ ghé chứ tôi không đặc biệt quảng bá riêng. Họ ăn sạch mọi thứ thiếu điều chỉ đem tô vào úp. Tôi nấu nước dùng rất kỹ, nấu 5 ngồi nước cốt mới ra được 1 tô bún. Nhưng tôi làm như vậy cũng không cầm cự nổi qua mùa dịch”, anh Hoàng ngao ngán nói.
"Đau lắm, thật sự rất đau!"
Quán bún thứ 3 kinh doanh được 6 tháng thì 2 lần bị dịch bệnh cản đường. Hơn 3 tỷ đồng đầu tư mở quán, trong đó hơn 1 tỷ là tiền cây xanh trang trí không thể thu hồi được. Anh Hoàng bắt đầu thanh lý đồ đạc của quán 1 tháng nay mà chỉ bán được 1/3. Ngay cả cây cảnh trang trí cũng phải bán đổ, bán tháo để lấy tiền trang trải những chi phí còn lại như điện, nước, gas…
“Nhìn quán giờ xơ xác vậy chứ trước đây đẹp lắm. Cây cảnh tôi dùng để đang trí quán chứ không phải để bán. Bây giờ quán phải đóng cửa nên tôi mới bỏ ra thanh lý. Tính tiền cây không là hơn 1 tỷ. Cây kiểng lá đắt tiền lắm chứ không như hoa. Ở đây tôi chơi hệ lá xanh, lá đột biến thì ít như lá Monstera (lá trầu bà Nam Mỹ) đột biến thì 1 lá của nó 20-30 triệu đồng. Quán này tôi đầu tư hơn 3 tỉ. Bây giờ tôi có bán mọi thứ ở đây cũng không đủ tiền vốn. Mua mới nó khác mà thanh lý khác, mua 10 mà giờ bán 1, thậm chí không được 1”, anh Hoàng chia sẻ.
|
Vườn cây kiểng trị giá hơn 1 tỉ đồng để trang trí quán ăn, giờ phải bán đổ, bán tháo để bù lỗ |
Tôi hỏi anh sao mình không mở hướng kinh doanh online để duy trì cho qua mùa dịch. Anh bảo nhiều người cũng khuyên thế vì nó là xu hướng nhưng anh không làm. Hiện tại, quán chỉ bán hàng qua một app. Các app giao đồ ăn khác đòi phần trăm cao từ 20-25%/phần. Một tô bún bán tại quán cũng chưa lời được chừng đó. Chưa kể, các app lấy phần trăm từ quán rồi lấy thêm cả của khách.
“Tôi không chấp nhận. Tôi muốn thực khách tiếp cận món của mình với mức giá tốt nhất. Tôi thà mất thị phần đó bởi đây là tâm huyết và tôi không muốn bán bằng mọi giá. Thêm nữa, những món ăn nước như bún, việc mua mang đi đã làm giảm 30-40% chất lượng món ăn rồi”, anh bày tỏ.
Những ngày này, đơn hàng của quán cũng vào dạng hiếm hoi. Một ngày quán bán được 10 đơn. Hôm nào cao lắm, anh bán được 15 suất. Thời gian còn lại, hai vợ chồng thay đất, bón phân, cắt tỉa cây kiểng để bán. Nhìn một lượt quanh quán, anh Hoàng không kìm nổi lòng mình. Người đàn ông 40 tuổi đã rớm nước mắt khi nói về tình trạng của gia đình lúc này.
“Đau lắm, thật sự rất đau. Tôi có 3 đứa con, tất cả đều ăn uống ở đây hết, ngày 3 bữa. Ba năm nay nó giống như kỷ niệm, bây giờ phải vứt đi hết rất là đau. Giờ toàn bộ tài sản nằm đây. Quán này giống như ván bài cuối cùng, tôi dồn hết tiền của gia đình để làm. Nhưng tới thời điểm này, thanh lý xong quay lại, tôi trắng tay thật sự. Vợ chồng nghĩ cái duyên nó đến rồi nó đi nên cũng suy nghĩ nhẹ nhàng nhưng mà đi sâu vào nó thì đau lắm”, anh nói mà nghẹn lại.
Vợ chồng anh Hoàng dứt ruột từ bỏ đam mê vì kiệt quệ kinh tế |
Căn bếp ngày trước có 4 nhân viên thì nay chỉ còn một. Đồ dùng bếp cũng đang thanh lý nhưng chẳng ai mua |
Cũng như chồng mình, chị Oanh đau đáu nhìn mọi thứ xung quanh. Chị chẳng ngờ rằng chuyện kinh doanh sẽ phải kết thúc trong tình thế như vậy. “Thật sự rất là buồn. Cái này là tâm huyết của hai vợ chồng tôi. Tôi chính là người ra công thức. Tất cả nhiệt huyết và công sức mình bỏ ra bây giờ phải kết thúc. Hoàn toàn sụp đổ. Không biết bao giờ mới được làm lại. Lúc chuyển nghề, tôi nghĩ sẽ làm được nhiều điều nhưng giờ mất hết trong 2 năm đại dịch này. Tài sản, tiền dự trữ lo cho con cũng đã dùng hết cả”, chị nói với ánh mắt đượm buồn.
Không thể gục ngã
Trước đây, vợ chồng chị có công ty may mặc với 3 nhà xưởng chuyên sản xuất đồ sơ sinh. Cách đây 3 năm, may mặc gặp khó khăn. Anh, chị quyết định chuyển sang kinh doanh ăn uống. Đây là kế hoạch lâu dài với nhiều hướng phát triển nhưng bây giờ đi vào ngõ cụt bởi dịch bệnh bất ổn.
“Công việc này như một người chết lâm sàng vậy, không thể cứu được nữa, vì còn gì đâu mà cứu. Thà tôi rút ống thở để nó ra đi. Chứ nuôi nó không có hi vọng sống. Cứ theo như thế này, tiền ở nhà đội nón ra đi hết. Trong khi mấy năm nay, con cái không có đầy đủ, thấy nó thiệt thòi lắm. Giờ phải chọn phương thức tốt nhất để cứu mình. Tôi không thể đặt cược cả gia đình vào cuộc chơi này được”, anh Hoàng bộc bạch.
Anh Hoàng vẫn mở bán bún mang đi đến ngày cuối cùng. Không phải "còn nước còn tát", chỉ đơn giản anh muốn trân trọng đam mê của mình |
Anh Lương Ngọc Duy (bạn anh Hoàng) chia sẻ: “Tôi với Hoàng biết nhau khoảng đầu năm 2017. Anh em chơi chung nhìn hoàn cảnh anh ấy bây giờ xót lắm. Với khả năng hiện tại, tôi chỉ có thể mua ủng hộ anh vài cây và chia sẻ lên mạng xã hội”.
“Tôi có 2 kế hoạch tiếp theo. Một là quay về sản xuất, hai là kết hợp công việc với đam mê thể thao. Hai cái đó có thể triển khai cùng lúc nhưng tôi chỉ có thể chọn một thôi vì kinh tế gia đình hiện tại”, anh Hoàng tâm sự.
"Nhưng liệu thời điểm này anh chị khởi nghiệp lại có mạo hiểm không? Sao không lựa chọn công việc văn phòng, làm công ăn lương cho ổn định?”, tôi hỏi. Chị Oanh thành thật nói: “Tôi và anh đã lớn tuổi rồi. Tôi cũng học 2 trường đại học ra nhưng là chuyện cách đây 20 năm. Vợ chồng ra trường cũng làm trái ngành nên để cạnh tranh với các bạn trẻ bây giờ thì khó có cơ hội lắm. Mà đi làm vậy cũng không đủ để nuôi 3 đứa con ăn học. Sau đợt dịch này, trên 70% người làm dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch sẽ sụp hết. Họ sẽ rất nản. Tôi cũng muốn làm lại nhưng sợ dịch bùng phát đập thêm một lần nữa. Tốt nhất là tìm phương án khác và suy nghĩ ngành nghề nào mà dịch bùng lại cũng không ảnh hưởng nhiều”.
Dịch Covid-19 không chỉ đạp đổ sinh kế của người nghèo, người khó khăn mà ngay chính những gia đình từng có thu nhập rất tốt cũng lâm cảnh trắng tay.