Đăng ký trở thành một tình nguyện viên của đội phòng chống dịch Covid-19, nữ tuyển thủ Châu Tuyết Vân của đội tuyển taekwondo Việt Nam dành phần lớn các buổi sáng để hỗ trợ người dân tại khu cách ly đường Nguyễn Văn Công (quận Gò Vấp).
Hết hướng dẫn người này đo thân nhiệt, Tuyết Vân lại nhiệt tình giúp người khác khai báo y tế trên mạng, tuyên truyền để ai cũng tuân thủ nghiêm túc các quy định 5K, tự bảo vệ mình và sự an toàn cho cộng đồng.
Rời quận Gò Vấp, Tuyết Vân và những bạn trẻ hưởng ứng lời phát động của Thành Đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM, Hội Sinh viên Việt Nam TPHCM lại vội vã chạy về hướng chợ đầu mối Bình Điền để tiếp tục công việc của những tình nguyện viên trong mùa dịch.
Chưa hết, sau đó cô lại cùng các đoàn viên thanh niên đến Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) chỉ dẫn người dân đến tiêm vaccine, phụ dọn dẹp các khu ký túc xá ở quận 1, quận 4, quận 7 để làm nơi cách ly tập trung cho những người không may trở thành F1, F2…
Cứ thế, mỗi buổi sáng, công việc thiện nguyện trở thành thân thuộc đối với Tuyết Vân kể từ đầu tháng 6 đến nay. Buổi chiều, bắt đầu lúc 14 giờ, cô lại lao vào tập luyện trực tuyến cùng các thành viên trong đội tuyển taekwondo quốc gia. Tuyết Vân dường như không lãng phí bất cứ phút giây nào trong cuộc sống.
“Tôi thấy đây là công việc rất ý nghĩa. Được góp một phần sức nhỏ của mình khi đất nước cần là điều làm tôi thấy vui và hạnh phúc. Những lúc làm việc tại khu cách ly, mặc bộ đồ bảo hộ trong thời tiết nóng bức, thật sự không dễ chịu. Nhờ đó mà tôi càng cảm thấy thương và khâm phục đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch”, Tuyết Vân chia sẻ.
Nữ võ sĩ từng giành 7 danh hiệu vô địch thế giới, trở thành chỗ dựa của đội tuyển taekwondo Việt Nam khi bước ra đấu trường quốc tế, luôn tâm niệm rằng: “Khi chứng kiến các tình nguyện viên chúng tôi làm việc mệt mỏi, nhiều cô chú đã tặng đồ ăn, thức uống rất nhiều. Dù công việc có đôi chút vất vả, nhưng chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng, có thêm năng lượng và động lực để tiếp tục hỗ trợ mọi người.
Cũng có vài lần gặp trường hợp người dân không chịu hợp tác khai báo y tế, còn mắng chúng tôi “rảnh rỗi”, nhưng tôi biết sức khỏe của cộng đồng là trên hết, kiểu gì thì mình vẫn phải hướng dẫn mọi người làm đủ các thủ tục cần thiết. Tôi đã có những trải nghiệm thật tuyệt vời trong cuộc đời của mình”.
Tất cả vì cộng đồng
Hình ảnh đẹp và tinh thần thiện nguyện mà Châu Tuyết Vân cũng như nhiều VĐV khác ở TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… đã và đang thể hiện trong mùa dịch này, chính là minh chứng cho lòng nhiệt huyết và không ngại khó, ngại khổ của các bạn trẻ Việt Nam.
Họ làm hăng say, không câu nệ và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro có thể gặp phải trong công việc, cũng chỉ vì muốn bảo vệ cho cộng đồng quanh mình an toàn và có nhiều nụ cười hơn. Điều đó đã thực sự lan tỏa những yêu thương, khích lệ ngày càng nhiều VĐV cùng tham gia vào công tác thiện nguyện, giúp đời và giúp người.
Ở đội tuyển taekwondo Việt Nam, thói quen làm thiện nguyện từ lâu đã được “kích hoạt” đến mọi cá nhân. Vì vậy, chẳng ai ngạc nhiên khi nhà vô địch đối kháng Nguyễn Văn Duy hàng ngày vẫn đi trao tận tay những suất cơm từ thiện đến người già cơ nhỡ, bà con có hoàn cảnh sống cam khổ. Duy nói, được làm những việc như thế cảm thấy rất vui.
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các sự kiện thể thao đỉnh cao dừng hết, Duy và nhiều bạn bè mỗi ngày vẫn đều đặn nấu và đi phát khoảng 200 phần cơm đến các khu vực quận 1, quận 4, quận 5 và quận 10 cho người dân.
“Mọi người trong xóm tôi cùng nhau lập ra một quỹ từ thiện để hỗ trợ những người già neo đơn, cơ nhỡ, hay những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Sau khi tập luyện trực tuyến cùng các đồng đội, vào mỗi buổi chiều tối, tôi cùng các bạn bè đi phát cơm. Nhìn thấy nụ cười trên gương mặt những người già, những người khó khăn vì họ có được bữa no, mình cũng cảm thấy hạnh phúc”, Duy kể.
Trong giai đoạn cùng thành phố và cả nước đẩy lùi dịch bệnh, hầu hết các bộ môn và Trung tâm TDTT ở các quận, huyện được giới chức Sở VH-TT TPHCM khuyến khích trưng dụng cơ sở đào tạo VĐV cũng như nhà thi đấu có sức chứa lớn cho ngành y tế để thực hiện nhiệm vụ tầm soát dịch Covid-19 đối với người dân trên địa bàn.
Dĩ nhiên, lực lượng cán bộ và nhân viên, hay kể cả các HLV và VĐV cũng chuẩn bị tinh thần tham gia và hỗ trợ tối đa cho công tác phòng chống dịch. Thậm chí, Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (quận 11) đã trở thành nơi tiêm vaccine cho cộng đồng, chưa kể có thể được sử dụng làm bệnh viện dã chiến 1.000 giường chữa trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 khi thành phố cần đến.
Trở thành các tình nguyện viên, tham gia hiến máu nhân đạo hay đóng góp vật chất và sức lực vào công cuộc cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19, các VĐV thể thao cũng hào hứng không thua kém những bạn trẻ ở lĩnh vực khác. Còn nhớ, trong năm 2020, CLB hiến máu tình nguyện của Công đoàn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng cùng với các tình nguyện viên ngoài cộng đồng đã hiến được 77 đơn vị máu, trong đó có cả đơn vị máu hiếm cần thiết phục vụ công tác chữa trị người bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng trong giai đoạn khan hiếm nguồn máu do tác động của dịch Covid-19. |