Lượng khách tiếp tục đổ dồn đến các siêu thị mua sắm khiến nhiều nơi quá tải, TP.HCM khẳng định luôn ưu tiên cung cấp hàng hóa, thực phẩm, các siêu thị, chợ vẫn mở cửa, tăng công suất hoạt động, tăng mức phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Lo lắng hàng hóa không cung ứng đủ, từ tối 6-7 và sáng 7-7, khá nhiều khách hàng và người dân TP.HCM đã tập trung đến chợ, cửa hàng, siêu thị để mua hàng dự trữ.
Lượng khách đổ xô đến các siêu thị để mua hàng thiết yếu tiếp tục tăng trong sáng 7-7 khiến nhiều siêu thị rơi vào cảnh hết hàng sớm dù chưa đến trưa. Các đơn hàng online cũng được ghi nhận quá tải.
Theo ghi nhận, khách chủ yếu tìm mua các mặt hàng thực phẩm như rau củ quả, cá, thịt, mì gói... Vì vậy quầy hàng tươi sống nhanh hết hàng trong khi các nhóm hàng khô vẫn khá dồi dào.
Các siêu thị, cửa hàng đang mở cửa hiện nay phải chịu áp lực đón một lượng khách lớn chuyển từ những siêu thị phải tạm đóng cửa do liên quan đến các ca nghi nhiễm COVID-19 và chợ truyền thống bị giới hạn người bán lẫn người mua. Do đó, yêu cầu lúc này là khách tuân thủ các biện pháp giãn cách khi mua sắm.
Như siêu thị Go! quận 7 ghi nhận lượng khách đông đúc do siêu thị Lotte Mart gần đó đóng cửa. Khu vực tính tiền của các siêu thị vẫn là nơi bị "tắc nghẽn". Dù đã đeo khẩu trang và sát khuẩn tay đầy đủ nhưng dòng người xếp hàng ngày một đông khiến không ít khách lo lắng.
Đại diện các siêu thị, cửa hàng thực phẩm khẳng định nhu cầu tăng cao nên nhiều thời điểm, hàng không lên kệ kịp, còn về cơ bản nguồn cung hàng hóa không thiếu.
Đại diện Saigon Co.op cho biết đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ. Tất cả mặt hàng đã tăng gấp 3-5 lần nên người dân có thể yên tâm không thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách.
Lượng khách đến siêu thị trong tối 6-7 khá đông đúc, trái ngược với cảnh vắng vẻ trước đó - Ảnh: NHẬT THỊNH
"Mặt hàng thực phẩm chế biến đang dồi dào. Riêng với hàng tươi sống, đơn vị có thêm nguồn thịt, hải sản đông lạnh nhập khẩu dự trữ nên khi cần sẽ tăng lượng bán ra", đại diện Bách Hóa Xanh cho biết.
Trong khi đó, Công ty Vissan cũng khẳng định nguồn cung thì không thiếu do lượng heo hơi được đơn vị liên kết, chăn nuôi hiện dồi dào, thậm chí đang tăng lượng giết mổ để dự trữ.
Không chỉ lượng khách đến siêu thị tăng mạnh mà đơn hàng online cũng được ghi nhận tăng đột biến, dẫn đến quá tải. Đại diện Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, Lotte Việt Nam... đều cho biết đơn hàng online tăng mạnh, nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa để ngưng nhận đơn hàng.
Chị Dung, khách đi mua sắm ở siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức), cho biết sáng nay chị đặt hàng online ở siêu thị nhưng đơn hàng chỉ được ghi nhận chứ không có nhân viên nào liên lạc.
Nhu cầu online tăng bất ngờ khiến nhiều hệ thống không đáp ứng nổi, đơn hàng được hẹn giờ trễ và giao chậm hơn so với bình thường. Ngoại trừ lúng túng trong dịch vụ mua hàng online, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đều khẳng định không hề thiếu hàng hóa, nguồn cung vẫn rất dồi dào.
Nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân TP
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 7-7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - khẳng định dù có áp dụng chỉ thị nào, quy định ra sao thì TP sẽ luôn ưu tiên việc cung cấp hàng hóa, thực phẩm; các siêu thị, chợ vẫn mở cửa, tăng công suất hoạt động để tăng mức phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Theo ông Vũ, 3 chợ đầu mối của TP tạm ngưng hoạt động (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP.HCM nữa, mà chỉ là thay đổi cách buôn bán từ tập trung ở chợ đầu mối như bình thường sang buôn bán phân tán, giao hàng tận nơi, tận chợ truyền thống cho khách hàng.
"Lượng nguồn cung hàng hóa cho TP về cơ bản sẽ không thay đổi khi 3 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động", ông Vũ khẳng định.