Liên tiếp 4 bệnh nhân bệnh tim rất nặng đã đươc các bác sĩ ở Cần Thơ cứu sống giữa lúc dịch Covid-19 rất phức tạp tại ĐBSCL và không thể chuyển người bệnh lên tuyến trên.

Ê kíp phẫu thuật tim của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phẫu thuật cho bệnh nhân N.V.H /// Ảnh: Đình Tuyển
Ê kíp phẫu thuật tim của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phẫu thuật cho bệnh nhân N.V.H
ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
 
Sáng 7.7, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho hay các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim của bệnh viện vừa liên tiếp cứu sống 4 bệnh nhân bị bệnh tim rất nặng, giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Trước đó, bệnh nhân N.V.H (57 tuổi, ngụ huyện Long Hồ, Vĩnh Long) được đưa đến bệnh viện điều trị với tiền căn rung nhĩ, hẹp khít van hai lá hơn 10 năm nay. Bệnh nhân cũng từng bị đột quỵ, liệt nửa người. Do hoàn cảnh neo đơn, 3 năm nay, bệnh nhân được Trung tâm công tác xã hội Vĩnh Long trực thuộc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Vĩnh Long nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân phải trải qua 2 lần phẫu thuật lấy huyết khối động mạch chậu - đùi hai bên do cục máu đông hình thành từ rung nhĩ, hẹp khít van hai lá gây tắc động mạch chậu – đùi hai bên đe dọa hoại tử hai chi dưới (mặc dù đã được điều trị nội khoa, kháng đông tích cực).
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân và hội chẩn, các bác sĩ thống nhất chỉ định phẫu thuật tim cho bệnh nhân, thay van hai lá sinh học, sửa van ba lá, điều trị rung nhĩ bằng RFA (Phẫu thuật Cox-Maze 4). Sau phẫu thuật và hồi sức tích cực, tình trạng của bệnh nhân dần cải thiện, sinh tồn ổn định.
BS.CK2 Lâm Việt Triều, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, phẫu thuật viên chính phẫu thuật cho bệnh nhân H., cho biết hẹp van hai lá và rung nhĩ là nguyên nhân thường gặp gây tắc mạch cơ quan đích do huyết khối và gây ra các hậu quả trầm trọng đe dọa tính mạng bệnh nhân. Mục đích của phẫu thuật tim trên bệnh nhân này không nhằm cải thiện tình trạng di chứng tổn thương não mà để điều trị tình trạng tim mạch, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và tránh tắc mạch tái phát.
\
Cần Thơ: Liên tiếp cứu sống 4 bệnh nhân nguy kịch giữa lúc dịch Covid-19 phức tạp - ảnh 1

Sau phẫu thuật tình trạng sức khỏe của bệnh nhân N.V.H đã bình phục, sinh tồn ổn định

ẢNH ĐÌNH TUYỂN

Cũng theo BS Triều, cùng thời điểm bệnh nhân H. tại Khoa Phẫu thuật tim, các bác sĩ cũng đã phẫu thuật điều trị thành công cho 3 bệnh nhân khác cũng bị các bệnh lý tim mạch rất nặng. Trong đó, 2 bệnh nhân bị hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành đã được phẫu thuật cầu nối chủ vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo; 1 bệnh nhân hẹp khít van hai lá kèm sỏi thận gây suy thận, ứ nước thận phải. Bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu và Khoa Phẫu thuật tim phối hợp phẫu thuật giải quyết triệt để.
Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hiện tại Cần Thơ chưa có ca nhiễm Covid-19 nào ngoài cộng đồng nhưng với vai trò là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y Tế tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bệnh viện đang phải “căng sức” cho nhiệm vụ vừa chống dịch vừa đảm bảo công tác điều trị bệnh cho khu vực ĐBSCL an toàn, hiệu quả. Bệnh viện luôn phải sẵn sàng cấp cứu, điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch từ tuyến dưới chuyển đến. Đồng thời cũng phải sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu chống dịch.
“May mắn và nhờ phòng chống dịch triệt để nên hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vẫn an toàn. Tất cả các xét nghiệm định kỳ của nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh, các bộ phận liên quan đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2”, BS Phong nói.