Các hệ thống phân phối chủ lực (Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…) tổ chức phân phối hàng hóa cho người dân trên địa bàn
Triển khai phương án điều tiết hàng hoá
Công văn nêu rõ, với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, tính đến ngày 7-7, đã có 3/3 chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Để tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch và đảm bảo lưu thông, cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân TP, UBND TP đề nghị các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương thực hiện các nội dung sau.
Cụ thể, Sở Công thương khẩn trương tham mưu trình UBND TP xem xét, phê duyệt phương án điều tiết hàng hóa thông qua việc chuyển đổi phương thức vận chuyển, giao và nhận hàng hóa để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến với người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa để chủ động điều phối hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiếp tục triển khai Chương trình Bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn cung ứng để bình ổn thị trường cho thành phố.
Chủ động thông tin với Sở Công thương các tỉnh, thành về việc tạm dừng hoạt động của các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương lái địa phương tạm ngưng vận chuyển hàng hóa đến chợ đầu mối, thực hiện giao dịch trực tuyến và tổ chức đưa hàng hóa trực tiếp từ vùng nguyên liệu đến chợ truyền thống, các điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố, đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa thông suốt, không ùn ứ.
Phối hợp UBND Thủ Đức, Quận 8, huyện Hóc Môn, các công ty quản lý chợ đầu mối triển khai phương án điều tiết hàng hóa; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa, lương thực thực phẩm, với các tiểu thương tại các chợ truyền thống.
Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông chủ động thông tin về chủ trương chính sách của Nhà nước, tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, kế hoạch cung ứng hàng hóa, địa chỉ điểm bán hàng bình ổn thị trường, hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để người dân an tâm mua sắm, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng, bất ổn cho người tiêu dùng.
Sở Tài chính, theo dõi tình hình giá cả thị trường, tham mưu UBND TP điều chỉnh kịp thời giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong Chương trình Bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thị trường, đảm bảo định hướng, dẫn dắt thị trường. Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm về giá.
Sở Thông tin và Truyền thông, chủ trì, phối hợp Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Y tế triển khai tuyên truyền, thông tin kịp thời, nội dung phù hợp cho người dân về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả, thị trường, tình hình diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống dịch trên địa bàn tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch; xử lý đối với việc đưa tin không chính xác, sai lệch gây hoang mang; thường xuyên cập nhật, thông tin các địa điểm cung ứng lương thực, thực phẩm các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Sở Giao thông vận tải, hướng dẫn, cấp giấy phép lưu thông cho các phương tiện vận tải thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, phân phối hàng hoá bình ổn thị trường, hàng hóa thiết yếu đến các điểm bán, để cung ứng cho người dân. Phối hợp Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế các tỉnh, thành xây dựng, triển khai các phương án tổ chức giao thông phù hợp, đảm bảo việc lưu thông các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến các vùng đệm, tránh ùn ứ, đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch.
Cục Quản lý thị trường Thành phố thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thị trường; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi đầu cơ, găm giữ hàng hóa, vi phạm về giá bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng,... đối với các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu cao khi dịch bệnh xảy ra.
Ưu tiên bảo vệ hệ thống phân phối
Đối với UBND TP Thủ Đức và và các quận, huyện: Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai phương án điều tiết hàng hóa trên địa bàn; Đồng thời, quản lý chặt chẽ, nắm bắt tình hình phòng, chống dịch tại các chợ trên địa bàn, kịp thời báo cáo cho các cấp có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại chợ. Tổ chức cung ứng thực phẩm cho người dân theo phương án cung ứng của Thành phố, bổ sung các điểm bán hàng đồng giá và thực hiện bán hàng đăng ký trước; huy động phương tiện vận chuyển sẵn có để cung ứng hàng hóa thiết yếu kịp thời, liên tục. Tăng cường huy động các nguồn lực, phát huy vai trò khối vận (UBMTTQ Việt Nam TPHCM và đoàn thể các cấp) tại địa phương, thường xuyên, liên tục phối hợp các đơn vị đầu mối tổ chức, các hệ thống phân phối chủ lực (Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…) tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng hóa cho người dân trên địa bàn theo phương thức bán hàng đăng ký trước, bán hàng đồng giá (theo hướng dẫn của Sở Công thương tại Công văn số 3295 về việc đảm bảo cung cầu hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố).
Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đề nghị tại các văn bản hướng dẫn của Sở Công thương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch tại các chợ như: không đeo khẩu trang, không thực hiện khai báo y tế...
Chỉ đạo ban quản lý các chợ truyền thống trên địa bàn tăng cường kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế việc đáp ứng các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch của các chợ trên địa bàn để xem xét, quyết định tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn xây dựng phương án tổ chức hoạt động chợ phù hợp; trong đó chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống dịch để đảm bảo chợ an toàn khi hoạt động trở lại.
Với quan điểm ưu tiên bảo vệ hệ thống phân phối nói chung, đặc biệt đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, để duy trì, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân được ổn định, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, tăng giá đột biến gây hoang mang trong nhân dân, theo đó đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình hoạt động của các chợ truyền thống trên địa bàn (ngoại trừ các trường hợp có liên quan đến ca nhiễm Covid-19); đối với các chợ còn lại, trường hợp cần thiết thì trao đổi ý kiến chuyên môn với Sở Công thương và các ngành, đơn vị liên quan trước khi thực hiện biện pháp tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống trên địa bàn. Đồng thời, chủ động triển khai các giải pháp và phối hợp các đơn vị liên quan trong việc tổ chức hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn được thông suốt.
Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng tại chợ để có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp đảm bảo thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn phù hợp. Bên cạnh đó, tính toán, nghiên cứu thực hiện phương án: phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào (áp dụng tùy theo quy mô chợ); tổ chức cho thương nhân kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ (phân chia thời điểm, vị trí bán hàng xen kẽ, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ…) trong trường hợp cần thiết để giảm sự tập trung và đảm bảo việc giãn cách khi kinh doanh, mua sắm theo đúng quy định.
Thông tin hệ thống các điểm bán lẻ hàng hóa nhu yếu phẩm, lương thực – thực phẩm thiết yếu (chợ, siêu thị, cửa hàng) và các kênh bán lẻ trực tuyến đến nhân dân đang sinh sống trên địa bàn ở quy mô từng khu phố, phường, xã để người dân biết, đến mua sắm khi có nhu cầu, hạn chế việc di chuyển không cần thiết sang các địa bàn khu vực khác.
Tổ chức các địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hoá tạm thời
Công văn cũng yêu cầu TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp Sở Công thương rà soát, tìm kiếm các vị trí đất trống gần chợ đầu mối, chợ truyền thống để tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng, chống dịch, vệ sinh, môi trường tại địa điểm nêu trên. Đối với TP Thủ Đức và các quận, huyện giáp ranh các tỉnh thông qua nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án hỗ trợ hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh trong trường hợp các tỉnh áp dụng chủ trương cách ly người đến từ Thành phố, thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, tổ chức khử khuẩn phương tiện, thay đổi tài xế…, bàn giao phương tiện để tiếp tục vận chuyển, lưu thông hàng hóa được hoạt động trở lại khi đảm bảo điều kiện theo quy định.
Phối hợp Sở - ngành chức năng liên quan theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường, thông tin và phối hợp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến trên địa bàn. Tổng hợp, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn gửi về Sở Công thương, Sở Tài chính theo quy định, trường hợp có hiện tượng biến động giá cả, khan hiếm hàng hóa cục bộ, nhanh chóng thông tin về Sở Công thương theo đường dây nóng để kịp thời điều phối xử lý.
Các đơn vị quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Thủ Đức khẩn trương rà soát danh sách các thương nhân lớn vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, có nhu cầu kết nối, giao thương trực tiếp với tiểu thương chợ truyền thống; thống kê hoạt động giao dịch, giao hàng trực tuyến của các thương nhân tại chợ; các mặt hàng kinh doanh và năng lực cung ứng tối đa để cung cấp thông tin cho tiểu thương các chợ truyền thống thực hiện liên lạc, kết nối giao thương trực tiếp. Thiết lập thông tin số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận điều phối thông tin cung ứng hàng hóa từ các chợ đầu mối để tiểu thương các chợ truyền thống kết nối giao dịch hàng hóa. Xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động của chợ để sau thời gian tạm dừng có thể nhanh chóng kinh doanh ổn định trở lại; trong đó chú trọng các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế, Sở Công thương và các cơ quan chức năng có liên quan.