HĐND TP HCM ghi nhận Sở Tài chính cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính và thực hiện cơ chế đặc thù của TP
Sáng 29-7, Thường trực HĐND TP HCM đã có buổi giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách hành chính và Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển trên địa bàn TP tại Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Còn cào bằng trong chi thu nhập tăng thêm
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Mai Phương cho biết trong năm 2018, TP đã chi 2.768 tỉ đồng để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Dự toán kinh phí chi thu nhập tăng thêm năm 2019 là 7.236 tỉ đồng. Kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của TP năm 2019 đang thực hiện quyết toán. Dự toán kinh phí chi thu nhập tăng thêm năm 2020 là 6.630 tỉ đồng. Do dịch Covid-19, TP đã điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong giai đoạn phòng chống dịch. Thông qua việc điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức năm 2020, thu hồi nguồn cải cách tiền lương ngân sách TP là hơn 2.260 tỉ đồng.
Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Phan Thị Thắng phát biểu kết luận buổi giám sát
Sở Tài chính cho hay việc triển khai chi thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 03/2018 của HĐND TP đã được UBND TP chỉ đạo thực hiện kịp thời, nghiêm túc; bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện của TP. "Chính sách chi thu nhập tăng thêm đã góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực" - Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Mai Phương đánh giá.
Tuy nhiên, theo Sở Tài chính, công tác nghiên cứu, xây dựng và hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại hằng quý chưa theo kịp với tình hình thực tế. Nguyên tắc chi trả thu nhập tăng thêm căn cứ vào số ngày làm việc thực tế của cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc do thời gian làm việc theo quy định riêng của mỗi ngành, lĩnh vực là khác nhau; đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực đặc thù (giáo dục và đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao…). Thực tế vẫn còn tình trạng nể nang, cào bằng khi rà soát, chấm điểm nên việc đánh giá, phân loại chưa phản ánh hết năng lực, thái độ và tinh thần đối với công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Có một số đơn vị còn tư tưởng đánh đồng việc chi thu nhập tăng thêm là để bù đắp tiền lương bình quân nên chưa tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện.
Đẩy nhanh các đề án để tăng nguồn thu
Bên cạnh việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm, Sở Tài chính TP còn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của TP; sắp xếp nhà, đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn; điều chỉnh chính sách thu thuế, phí… để tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, từ đó sẽ có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có khả năng bị kéo dài, không bảo đảm tiến độ đến hết năm 2020 hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra. Một số đề án chưa được hoàn thành như đề án thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; về ban hành các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí... Đến nay, TP cũng chưa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Nghị quyết 54 để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP do các đơn vị thuộc trung ương chưa thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch.
Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trách nhiệm của sở là chủ trì, tham mưu UBND TP báo cáo Thành ủy TP sau đó trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP. Đến nay, HĐND TP đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỉ đồng và điều chỉnh 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A với tổng mức đầu tư tăng từ 1.400 tỉ đồng lên gần 4.850 tỉ đồng.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Phan Thị Thắng ghi nhận những nỗ lực của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trong thực hiện Nghị quyết 54. Phó Chủ tịch HĐND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, phân tích kỹ hơn việc TP được giao thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP. Còn Sở Tài chính cần tập trung lý giải thuyết phục hơn việc thực hiện Đề án thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; đồng thời đánh giá, phân tích rõ hơn việc thí điểm tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng. Về nguồn thu từ cổ phần hóa, Phó Chủ tịch HĐND TP yêu cầu Sở Tài chính cần đánh giá nguyên nhân vì sao đến thời điểm này chưa ban hành được lộ trình cổ phần hóa.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Mai Phương cho biết trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, Sở Tài chính không có hồ sơ được xử lý dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 mà đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (một thủ tục là cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách). Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Tài chính TP HCM tiếp nhận gần 5.000 hồ sơ và tỉ lệ giải quyết đúng hạn là 99%.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai thông tin trong giai đoạn 2018-2020, sở đã giải quyết gần 295.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và gần 353.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến chiếm gần 83% tổng hồ sơ sở tiếp nhận trực tiếp và trực tuyến.