Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa phương đã tiếp nhận người dân từ vùng dịch trở về suốt thời gian qua, hiện nay các khu cách ly tập trung của tỉnh đã quá tải...
Sàng lọc, kiểm tra người đến Huế từ các địa phương tại Chốt kiểm soát dịch Ga Huế
ẢNH: B.N.L
Trước đó, như tin Thanh Niên đã đưa, trong đêm 7.7 và rạng sáng 8.7, hàng chục người dân Thừa Thiên - Huế về từ TP.HCM không thể xuống ga Huế, phải ra Đông Hà (Quảng Trị). Những người này đi trên tàu SE4 (đêm 7.7) và tàu SE8 (sáng 8.7) hiện đang được lực lượng phòng chống dịch Quảng Trị tổ chức cách ly theo quy định.
Giải thích về lý do dừng các chuyến tàu từ TP.HCM đến Huế và ngược lại, đại diện Trạm vận tải đường sắt tại Ga Huế cho biết: Ngày 7.7, Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội có công văn 1336/VTHN-KDVT về việc tạm dừng bán vé cho hành khách từ ga Sài Gòn đi Huế, theo đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội yêu cầu các chi nhánh vận tải đường sắt không bán vé cho cho hành khách đi từ Sài Gòn đến ga Huế từ ngày 6.7 cho đến khi có thông báo mới. Đối với hành khách đã mua vé có ga đi là Sài Gòn và ga đến là ga Huế và có vé đi tàu từ ngày 6.7 trở đi, sẽ được trả vé không thu phí. Các quy định về trả vé thực hiện theo hiện hành.
Trước đó UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn 5782/UBND-GT đề nghị xem xét cho tạm dừng bán vé và không đón khách tại ga đường sắt từ TP.HCM đi Huế nhằm đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có Công văn số 5704/UBND-GT ngày 2.7 đề xuất tạm dừng khai thác đường bay TP.HCM - Huế từ 0 giờ ngày 5.7.
Sáng 7.7, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 5389/BYT-MT về việc tiếp nhận đối với người từ TP.HCM về địa phương.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP phải thực hiện cách ly y tế tại nhà 7 ngày tất cả những người từ TP.HCM về (trừ các trường hợp là người đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) được coi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh kể từ ngày về địa phương, và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Đồng thời, những người này phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào các thời điểm: ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP.HCM trao đổi, thống nhất với các tỉnh, thành phố trước khi đưa người từ thành phố về các tỉnh, thành phố khác, đồng thời bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống Covid-19.
Trong chiều 7,7. UBND tỉnh Bình Định yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung của địa phương, bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, cách ly người tiếp xúc gần với ca bệnh, người từ vùng dịch khi về địa phương và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác để đón người Bình Định từ TP.HCM về theo Công văn 5389/BYT-MT.
Liên Châu - Hoàng Trọng
Giải thích về vấn đề ngừng tiếp nhận người từ TP.HCM về Huế, cả đường không lẫn đường sắt, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: "Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận người dân từ vùng dịch trở về suốt thời gian qua, hiện nay các khu cách ly tập trung của tỉnh đã quá tải, đang huy động các địa phương thu xếp triển khai thêm. Trong điều kiện khó khăn đó, tỉnh rất mong muốn người dân chia sẻ, nếu không có vấn đề khẩn cấp nên ở yên tại chỗ tại các vùng dịch để công tác phòng chống dịch đỡ vất vả hơn".
Theo số liệu cập nhật đến 7 giờ ngày 8.7, các khu cách ly tập trung của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đang cách ly 2.114 người về từ TP.HCM.
Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trong điều kiện công dân có vấn đề cấp bách phải trở về thì phải cách ly 21 ngày.
Trước đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tạm dừng toàn bộ hoạt động các phương tiện vận chuyển hành khách từ TP.HCM, Hà Nội đến Thừa Thiên- Huế và ngược lại từ 0 giờ ngày 31.5.