Vấn đề giáo dục đạo đức hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội: Chuyện dài vẫn phải nói mãi...
LTS: Trong thế giới phẳng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội (MXH) đã xóa nhòa ranh giới giữa truyền thông xã hội và báo chí chuyên nghiệp... Cho nên, khi báo chí ngày càng tiến nhanh vào kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Việc tác nghiệp báo chí và thụ hưởng báo chí chưa bao giờ được thuận lợi như hiện nay, cũng chưa bao giờ báo chí lại phải đối mặt với những thách thức và hệ lụy từ sự chi phối và dẫn dắt của mạng xã hội như bây giờ. Giữa lằn ranh mong manh đó, câu chuyện nhà báo hành xử trên mạng xã hội sao cho “chuẩn mực” và “trách nhiệm” đúng với tinh thần của Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành hơn 3 năm qua cũng như Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới ban hành, càng trở thành yêu cầu bức thiết. Từ số báo này, Báo Nhà báo & Công luận có chuyên đề: Giáo dục đạo đức hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội.
Các hội viên đã có ý thức và trách nhiệm hơn khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn, bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam và tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh quy tắc này sau hơn 3 năm triển khai.
Hội viên đã nhận thức và có ý thức hơn khi tham gia mạng xã hội
+ Khách quan mà nhận định, tôi cho rằng, sau hơn 3 năm ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành... đã có những hiệu quả nhất định. Ông đánh giá như thế nào về tình hình triển khai, thực hiện vấn đề này thời gian qua?
- Có thể nói, cùng với Luật Báo chí 2016, 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam thì Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam trong đó có 4 điều quy định khuyến khích sử dụng mạng xã hội cho nghiệp vụ báo chí và 8 điều nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội vào mục tiêu không đúng đắn, thiếu phù hợp.
Từ kết quả hoạt động ở các tổ chức Hội trên cả nước cho thấy, việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam trở thành cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (HĐXLVP) ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội.
Sau hơn 3 năm, đã có khoảng gần 20 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội phải chịu các hình thức kỷ luật của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp.
+ Sau hơn 3 năm mà chỉ mới xử lý kỷ luật gần 20 trường hợp... là không nhiều. Điều này cho thấy ý thức tham gia mạng xã hội của hội viên, nhà báo đã “chuẩn mực” hơn hay là bởi việc xử lý còn... nhẹ, thưa Trưởng ban Kiểm tra?
- Con số xử lý kỷ luật này chỉ được tính ở HĐXLVP cấp Trung ương, còn ở cấp cơ sở thì có các mức khiển trách, phê bình... Nhưng rõ ràng cho thấy, bản thân các hội viên đã nhận thức và có ý thức hơn khi tham gia mạng xã hội. Trên cơ sở các quy tắc, họ đã hiểu sâu sắc hơn về đạo đức nhà báo, các cơ quan báo chí cũng có sự quan tâm, sát sao hơn trong quản lý phóng viên, hội viên của mình, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn, bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam và tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí thời gian qua.
Cũng phải nói rõ hơn là, biện pháp chủ yếu của HĐXLVP là giáo dục, thuyết phục chứ không phải là lấy tiêu chí kỷ luật làm nòng cốt. Thường trực Hội đồng, các thành viên Ban kiểm tra cũng đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở cho trên 300 trường hợp trong một năm hội viên chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội.
Phải làm sao để báo chí hoạt động lành mạnh, không còn chỗ cho tiêu cực
+ Nhưng thưa ông, vẫn có ý kiến lo ngại rằng, việc chạy theo giáo dục, phân tích, thuyết phục theo phương pháp này thì tính răn đe và tính kỷ luật sẽ không cao, dễ dẫn đến tư tưởng... không biết sợ. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?
- Chúng ta phải hiểu là, hiện nay đã có Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, nhiều quy phạm pháp luật... là những chiếc “barie” mà các nhà báo phải thực hiện đúng, chuẩn mực rồi. Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là mái nhà chung bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên nên Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo hoạt động với tinh thần “lạt mềm buộc chặt”... chứ không phải xử phạt.
Đã có những hội viên trước đây từng hành xử thái quá trên mạng, dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực thì nay đã chừng mực hơn, cân nhắc hơn trước các vấn đề của xã hội. Nhiều trường hợp chúng tôi đối thoại, khuyên can thì đã gỡ thông tin chưa chuẩn mực trên trang cá nhân và chuyển sang một cách thức có tính trách nhiệm hơn như là đơn thư, văn bản chính thống gửi đến các cơ quan chức năng...
Đặc biệt, quy định này không phải là chiếc “vòng kim cô” kìm tỏa và hoàn toàn không hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhà báo mà nó khuyến khích các nhà báo tích cực tham gia mạng xã hội với tinh thần nghiêm túc, đấu tranh với cái ác, xấu, bất công, thiếu chuẩn mực trong xã hội.
Rõ ràng, trên thực tế, với tiêu chí “chuẩn mực” và “trách nhiệm” trên mạng xã hội đã góp phần chỉ ra rằng cái gì trong xã hội tất cả đều thừa nhận là đúng hoặc không đúng thì những người làm báo cũng phải nhận thức rõ được điều đó để không những bản thân mình nhận thức đúng mà còn định hướng dư luận xã hội.
+ Mặc dù việc vi phạm của nhà báo, hội viên trên mạng xã hội đã có phần giảm đi một vài năm trở lại đây nhưng vấn đề này vẫn luôn là chuyện dài – phải nói mãi. Vì sao vậy, thưa ông?
- Suy cho cùng, cuộc đấu tranh để lành mạnh hóa hoạt động báo chí thì không có hồi kết, còn có báo chí thì còn mặt trái của báo chí. Cho nên, về phía Hội Nhà báo các cấp cần tiếp tục chủ động tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho đội ngũ người làm báo. Tiếp tục củng cố lĩnh vực hoạt động kiểm tra các cấp thông qua việc nâng cao trách nhiệm hơn của tổ chức HĐXLVP. Theo đó, chúng ta cần đầu tư một cách tích cực hơn nữa cho hoạt động này thông qua việc tập huấn, lựa chọn nhân lực thực hiện có nghề, có đạo đức trong sáng...
Đặc biệt, tôi cho rằng, cái gốc của vấn đề này là phải làm sao để báo chí hoạt động lành mạnh, không còn chỗ cho tiêu cực. Nhà nước cần định hướng, phát triển báo chí ngang tầm tương xứng với phát triển xã hội. Các cơ quan báo chí cần tăng cường nâng cao năng lực của các tổ chức Đảng trong đơn vị, thường xuyên phổ biến, nhắc nhở về bản quy tắc đến các Chi hội, hội viên thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, buổi nói chuyện… để nâng cao nhận thức, giúp họ có kỹ năng hành nghề, coi cơ quan báo chí của mình là nơi phụng sự cơ bản, không “ăn ở hai lòng” trong thông tin.
Có thể nói, dù là luật hay quy định cụ thể sâu sắc đến đâu cũng không thể đầy đủ, chỉ có lương tâm và trách nhiệm của mỗi người mới có thể giải quyết được tất cả những đòi hỏi của cuộc sống. Với nhà báo khi tham gia mạng xã hội cũng vậy, cần phải luôn giữ tâm nghề, tự đổi mới chính mình nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, trung thực, khách quan phục vụ kịp thời quyền lợi của công chúng chính là điều quan trọng nhất.
+ Xin cảm ơn ông!