Chiến dịch tiêm chủng vắc xin có quy mô toàn quốc là để hiện thực hóa chiến lược vắc xin nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và thể hiện sự đoàn kết, nhân ái để "không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch".
Đó là nhấn mạnh được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc được Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 10-7.
Nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng cho rằng lễ phát động là sự khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân kiềm chế đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường để phát triển theo mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Phát động chiến dịch, hướng về miền Nam với sự đoàn kết
"Chúng ta có mặt ở đây với cảm xúc đặc biệt, đặc biệt của tâm tư và suy nghĩ hướng về TP.HCM và một số tỉnh, nơi nhân dân đang phải đối mặt với sự khó khăn, phức tạp hơn của dịch bệnh, nơi cuộc sống sinh hoạt của đồng bào bị ảnh hưởng do các biện pháp phong tỏa, giãn cách, nơi chúng ta cần thể hiện tấm lòng, sự đoàn kết, chia sẻ hơn bao giờ hết, nơi chúng ta cảm nhận sự bao dung, nhân ái, cảm thông để không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vắc xin", Thủ tướng chia sẻ.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khó dự báo và lường trước được, đặc biệt khi có sự xuất hiện của biến chủng Delta, vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất, căn cơ hơn phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước tập trung chiến lược vắc xin, bao gồm: nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước để chủ động tiêm vắc xin miễn phí cho nhân dân và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn trên toàn quốc.
Theo đó, thời gian qua đã có nhiều biện pháp được triển khai như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để mua, nhập khẩu, nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Việc thành lập Quỹ vắc xin nhận được sự ủng hộ của nhân dân, khi tính đến ngày 9-7 đã có được 8.000 tỉ đồng ủng hộ vào quỹ.
Đặc biệt, trong khi nguồn cung vắc xin khan hiếm và Việt Nam thực hiện chống dịch hiệu quả nên không thuộc quốc gia được ưu tiên vắc xin, song Việt Nam đã đàm phán, tiến hành nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất.
Kết quả, ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng tương ứng trên 100 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu vắc xin trong nước cũng đang đạt được kết quả tích cực và tiềm năng.
Phân bổ vắc xin công bằng, sử dụng hiệu quả
Đến nay, theo báo cáo của Bộ Y tế, ta đã thực hiện tiêm chủng được 4 triệu liều vắc xin, Thủ tướng cho rằng cơ chế phân bổ vắc xin nhận được sự đồng lòng của nhân dân, khi ưu tiên tuyến đầu chống dịch, với nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai minh bạch, linh hoạt và hiệu quả.
"Tôi cảm nhận tình người sâu sắc, sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau, nhiều người chia sẻ mong muốn trong lúc này vắc xin chưa có nhiều dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp để tiêm trước mà không so bì tính toán, đó là thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái của dân tộc ta", Thủ tướng chia sẻ và nhắc lại tháng trước, những lô vắc xin nhận về đã ưu tiên cho công nhân vùng dịch Bắc Ninh, Bắc Giang thì nay sẽ chuyển ưu tiên cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam với 1,5 triệu liều ngay trong hôm nay.
Để thực hiện chiến dịch hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế là lực lượng nòng cốt phối hợp các bộ ngành và địa phương liên quan để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, nhanh chóng kịp thời và hiệu quả. Khi lượng vắc xin về nhiều cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh chóng kịp thời và an toàn, hiệu quả nhất cho nhân dân.
Ông cũng kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng và toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh. Không thể chủ quan sau tiêm mà cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các cấp chính quyền với tinh thần "mình vì mọi người và mọi người vì mình", "thương người như thể thương thân".
Với chỉ đạo của Thủ tướng, là đơn vị triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ thực hiện chương trình tiêm chủng an toàn, không bỏ phí bất cứ liều vắc xin nào và cũng không lãng phí một đồng nào của Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 của Việt Nam.
"Để chiến dịch tiêm chủng thành công, Bộ Y tế mong muốn nhận hưởng ứng tích cực và nhanh chóng của các bộ ngành và tổ chức chiến dịch, kêu gọi người dân nêu cao tinh thần và trách nhiệm trong phòng chống dịch, chiến dịch tiêm chủng không chỉ quyền lợi trách nhiệm cá nhân mà là trách nhiệm cộng đồng với chính mình và đất nước", ông Long nói.
Thủ tướng cảm ơn nhân dân, lực lượng tuyến đầu và bạn bè quốc tế chia sẻ vắc xin
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn sự hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu, mong muốn các lực lượng giữ vững ý chí, khí phách, bản lĩnh và trách nhiệm nhân dân, thực hiện hiệu quả chiến dịch vắc xin toàn quốc. Cảm ơn sự hưởng ứng đồng lòng của nhân dân trong phòng chống dịch, chiến dịch triển khai tiêm chủng vắc xin trong cả nước.
Đồng thời cảm ơn tổ chức quốc tế, nước đối tác và bạn bè quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài chung tay chia sẻ ủng hộ phòng chống dịch và phân phối giúp đỡ Việt Nam vắc xin trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.