Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp. Đây cũng là thời điểm gia tăng các hoạt động lừa đảo như lợi dụng việc kinh doanh online để trục lợi, lừa mua dụng cụ, vật tư y tế để phòng tránh virus SARS-CoV-2... Trước tình hình đó, công an nhiều địa phương như công an TP.HCM, công an thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước; công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phát đi khuyến cáo, đề nghị người dân tăng cường cảnh giác với các thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để thực hiện các hành vi phạm tội.
Trong đó, có một số thủ đoạn như: Đối tượng giả làm nhân viên y tế có trang bị đồ bảo hộ tìm đến tận nhà dân để mời gọi hoặc thông báo bắt buộc phải phun thuốc phòng dịch hay phát thuốc diệt khuẩn. Từ đó, đối tượng yêu cầu người dân phải đóng tiền. Giả làm nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vaccine Covid-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vaccine Covid-19 và đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng. Khi lấy được tiền, chúng sẽ biến mất hoặc cung cấp vaccine Covid-19 giả.
Theo khuyến cáo của công an, cách thức phần lớn các đối tượng thực hiện để lừa đảo sẽ là giả nhân viên y tế để tiếp cận người dân. Lợi dụng người dân sơ hở, chúng liền ra tay trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản. Một thủ đoạn hoàn toàn mới là, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội đăng thông tin giả mạo về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân Covid-19 để vận động quyên góp từ thiện. Công an cũng cảnh báo việc các đối tượng giả làm nhân viên y tế, cơ quan chức trách gọi điện thoại đến người dân để thông báo là họ nằm trong danh sách bị cách ly, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.
Tương tự hình thức này là các đối tượng gửi tin nhắn chứa đường link giả mạo website của cơ quan nhà nước, ngân hàng để lừa người dân khai báo thông tin, từ đó dễ dàng truy cập, chiếm đoạt tiền trong ngân hàng. Hay lừa đảo mua hàng qua mạng, sau đó chiếm đoạt tiền, hàng.
Một trong những hình thức lừa đảo tinh vi mới xuất hiện đó là lừa tiêm vaccine phòng Covid-19 dịch vụ.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cho đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa triển khai việc chích ngừa vaccine COVID-19 dịch vụ. Thế nhưng, trên mạng xã hội, thông qua nhiều kênh khác nhau, người dân đã được rủ rê, mời gọi các kiểu chích ngừa vaccine dịch vụ. Mới đây, một số người dân còn truyền tai nhau, được nhận những lời mời tiêm vaccine đảm bảo nguồn gốc, theo kiểu đăng ký tiêm cho đối tượng ưu tiên theo gia đình, và được nhường lại suất chích hoặc cho “ké” theo vào. Giá cả theo thỏa thuận. Thực tế, nếu cá nhân hoặc hộ gia đình được chích theo đối tượng ưu tiên đều phải có danh sách do cơ quan nhà nước lập, có tên tuổi, giấy tờ chứng minh. Và nếu đúng là chích ngừa theo đối tượng ưu tiên thì sẽ không có chuyện tráo người vào chích được.
Đại tá Dương Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an cho biết, vaccine được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 khi cơ quan y tế thông báo. Đồng thời cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.
Theo Đại tá Hằng, việc tiêm chủng là miễn phí và theo thứ tự ưu tiên. Vì vậy, khi nhận được thông tin thất thiệt, chúng ta cần phải xác minh chính xác, tránh hiện tượng khi chúng ta có thông tin chúng ta chia sẻ cho nhiều người. Thứ 2 là có thể nhấn vào các đường link rất có thể bị lừa đảo: “Chúng tôi khuyến cáo người dân chúng ta chỉ đến tiêm ở những cơ sở ở được Bộ Y tế hoặc các sở Y tế các tỉnh, thành phố công nhận đủ điều kiện tiêm chủng. Hiện nay trên mạng của Bộ Y tế cũng như các sở Y tế họ có khuyến cáo rất đầy đủ nên người dân có thể vào tìm hiểu thông tin trước khi tiêm”.
Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là hành vi phạm pháp
Về vấn đề này, theo Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), nguyên nhân khiến cho việc tội phạm lừa đảo qua việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid ngày càng gia tăng là do tâm lý lo lắng, hoang mang của người dân.
Theo Luật sư Hùng, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời, vi phạm cả về mặt đạo đức xã hội. Do đó, các hành vi này phải sớm được phát hiện, lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành. Tùy theo tính chất, cách thức, mức độ của hành vi và số tiền chiếm đoạt được, người phạm tội có thể phải chịu xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp người phạm tội bằng việc dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt được số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì người phạm tội có thể bị buộc tội theo Điều 174, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, tùy theo tính chất và số tiền chiếm đoạt được, người vi phạm có thể phải chịu hình phạt từ 06 tháng đến 20 năm tù giam, đồng thời, có thể phải chịu mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; nếu là người có chức vụ, quyền hạn vi phạm thì có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, đối với các trường hợp sử dụng mạng xã hội để đưa các thông tin gian dối, gây hoang mang, từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo thì người vi phạm còn có thể phải chịu những hình thức xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điến, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật./.