Hàng loạt ứng dụng (app) đào tiền ảo, vay vốn, đầu tư tài chính... lừa đảo đã xuất hiện trong thời gian qua để lấy cắp tiền của người sử dụng.
Nhiều app lừa đảo liên tục xuất hiện
ẢNH: NGUYỄN LONG
Công ty bảo mật Lookout vừa có báo cáo đã xác định được hơn 170 ứng dụng đào tiền ảo lừa đảo. Trong đó có 25 ứng dụng xuất hiện trên Google Play. Các ứng dụng này tự quảng cáo là cung cấp dịch vụ khai thác tiền điện tử đám mây có tính phí. Tuy nhiên, sau khi phân tích, các chuyên gia nhận thấy không có hoạt động khai thác nào thực sự diễn ra. Mục đích của các ứng dụng này là ăn cắp tiền từ người dùng thông qua các quy trình thanh toán hợp pháp, nhưng không bao giờ cung cấp dịch vụ như đã hứa. Theo Lookout, các ứng dụng này đã lừa đảo hơn 93.000 người và chiếm đoạt ít nhất 350.000 USD.
Trên thực tế không chỉ có những app đào tiền ảo lừa đảo mà tại Việt Nam, hàng loạt ứng dụng khác đã được cảnh báo. Trong những ngày đầu tháng 7, Công ty Tài chính Bưu điện PTF khuyến cáo thời gian gần đây, một số đối tượng đã mạo danh công ty mời khách hàng vay vốn và sử dụng ứng dụng Auto Cash để giải ngân khoản tiền ảo với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản và chiếm đoạt. Để tiến hành thủ đoạn lừa đảo, các đối tượng sẽ gọi điện tới người dân mời vay tiền và hướng dẫn cài đặt một ứng dụng có tên “Auto Cash” để giải ngân nhanh.
Sau đó, tài khoản Zalo có tên "Phê duyệt PTF" sẽ kết bạn với khách hàng để dụ dỗ, thuyết phục khách hàng vay vốn, chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng. Sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân, như: Số điện thoại, chứng minh nhân dân... khách hàng sẽ được ứng dụng "Auto Cash" giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo Công ty Tài chính Bưu điện PTF. Để nhận được số tiền giải ngân trên phải có một mật khẩu xác nhận. Muốn có mật khẩu này, người dân phải phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc, đối tượng lừa đảo cắt liên lạc hoàn toàn với khách hàng...