Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình khẳng định, TPHCM cam kết đảm bảo người dân trong khu cách ly và bệnh viện thu dung sẽ có điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong thời gian lưu trú. Với bất kỳ phản ánh nào về sự cố chất lượng bữa ăn, TPHCM sẽ ghi nhận và nhanh chóng khắc phục.

Thường trực UBND TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Sở TT-TT TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề người dân quan tâm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Nhiều vấn đề được đặt ra trong buổi họp báo: về tình hình thu dung điều trị Covid-19, công tác triển khai cách ly F1 tại nhà, xây dựng bệnh viện dã chiến, việc xử lý rác thải trong khu cách ly, đảm bảo an ninh trật tự, việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan, của người dân TPHCM trong phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 9-7.

Ông Lê Hòa Bình cho biết, theo sự phân công và chỉ định của Tổng cục Đường bộ, TPHCM sẽ là cơ quan chủ trì, liên thông cùng Sở GT-VT TPHCM của 17 tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ để cung cấp phiếu nhận diện (có QR Code) trong vận chuyển lưu thông hàng hóa. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm vừa giãn cách nhưng cũng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm.

Zalo

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về tổ chức thực hiện cách ly và điều trị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình khẳng định, TPHCM cam kết đảm bảo người dân trong khu cách ly và bệnh viện thu dung sẽ có điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong thời gian lưu trú. Với bất kỳ phản ánh nào về sự cố chất lượng bữa ăn, hay dồn ứ rác thải, TPHCM sẽ ghi nhận và nhanh chóng khắc phục.

Kiểm tra cụ thể “cơm thiu, cơm sống” trong khu cách ly

Tại buổi họp báo, Đại tá Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM thông tin, Bộ Tư lệnh TPHCM có trách nhiệm quản lý các khu cách ly tập trung cấp thành phố và quận huyện, đảm bảo phục vụ đời sống cho người thuộc diện F1 trong khu cách ly 21 ngày. Hiện có 10.000 cán bộ, chiến sĩ phục vụ trong khu cách ly, với tần suất 1 chiến sĩ phục vụ 20 người F1, với các nhiệm vụ bảo vệ, an ninh trật tự, phục vụ cơm nước hàng ngày, nhu yếu phẩm, nhận và giao hàng cho khu cách ly.

Zalo

Đại tá Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM trả lời báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Đại tá Lê Xuân Thế, lực lượng mỏng như vậy dẫn đến cường độ làm việc của dân quân, cán bộ, chiến sĩ đang rất cao. Vì thế, Bộ Tư lệnh TPHCM đã xây dựng quy trình sao cho người dân trong khu cách ly được đảm bảo các nhu cầu cơ bản nhất, tuy nhiên không thể có chất lượng cao như sống tại gia đình.

“Bộ Tư lệnh TPHCM mong muốn người dân có thể chia sẻ nếu có những vấn đề chưa trọn vẹn. Lực lượng vũ trang TPHCM hiện đang căng kéo lực lượng để phục vụ người dân và an toàn cho TPHCM”, Đại tá Lê Xuân Thế bày tỏ.

Liên quan đến các phản ánh về chất lượng bữa ăn trong khu cách ly, Đại tá Lê Xuân Thế cho hay, theo quy định, chế độ ăn của người ở khu cách ly là 80.000 đồng/ngày, do Saigon Co.op cung cấp suất ăn và có sự giám sát của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM. Đại tá Lê Xuân Thế cho rằng, tình trạng "cơm thiu, cơm sống", chất lượng bữa ăn trong khu cách ly cần được kiểm tra cụ thể.

Rút kinh nghiệm và khắc phục rác thải dồn ứ trong khu cách ly

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, hiện TPHCM có 128 khu cách ly và bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Các cơ sở này thải ra khoảng 42 tấn rác mỗi ngày. Để giải quyết, ngành TN-MT bố trí trên 40 phương tiện vận chuyển và 200 công nhân hoạt động liên tục. Tùy vào lượng rác thải của từng địa điểm, công nhân môi trường sẽ thu gom từ 1 đến 3 lần mỗi ngày.

Ngoài ra, Sở TN-MT TPHCM có cổng thông tin để tiếp nhận các phản ánh về vấn đề thu gom, xử lý rác thải y tế, sẵn sàng xử lý khi có tình trạng tồn đọng hay ô nhiễm tại các khu cách ly và bệnh viện.

Zalo

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại buổi họp báo

Ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, hiện TPHCM có rất nhiều đơn vị xử lý rác thải nói chung và rác thải y tế nói riêng, nếu lượng rác thải tăng lên đến 100 tấn/ngày thì vẫn đủ năng lực xử lý.

Trước phản ánh vẫn còn tồn tại việc rác thải bị dồn ứ ở các khu cách ly tập trung, nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết tình trạng này đã được rút kinh nghiệm và khắc phục. “Đây là vấn đề được xác định sẽ còn xảy ra, nên Sở TN-MT TPHCM sẵn sàng tiếp nhận thông tin và xử lý bất kỳ thời điểm nào, đảm bảo không gây nguy hại cho người dân và môi trường TPHCM”, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho hay.

Chuẩn bị kịch bản 50.000 giường thu dung

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế đã phân tầng điều trị bệnh nhân từ không triệu chứng, triệu chứng nhẹ cho đến nặng và nguy kịch.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, hiện TPHCM đã sẵn sàng có 36.500 giường thu dung với tốc độ chuẩn bị rất nhanh nhờ sự hỗ trợ của Sở Xây dựng TPHCM. Trong khi đó, các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 là 6.500 giường, kể cả giường hồi sức cho các trường hợp nặng và nguy kịch. Ông Tăng Chí Thượng khẳng định với tốc độ như trên, kịch bản chuẩn bị 50.000 giường thu dung là hoàn toàn có thể đáp ứng.

Để chuẩn bị tình huống bệnh nhân nguy kịch tăng cao, TPHCM đã thiết lập thêm tầng thứ 4 là hồi sức chuyên sâu ở 4 trung tâm, có tổng quy mô 1.000 giường.

Về xây dựng bệnh viện dã chiến, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, TPHCM đã chuẩn bị nguồn dự phòng để thiết lập các bệnh viện dã chiến. Theo yêu cầu của Sở Y tế, ngành xây dựng đã bàn giao 11.500 giường để phục vụ cách ly F1. Trước khi chính thức hoạt động sẽ được kiểm tra và nghiệm thu chất lượng.

Hiện TPHCM có 5 bệnh viện dã chiến tại quận 12, quận 5, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức đã hoạt động, chủ yếu trưng dụng từ các chung cư đã xây dựng sẵn. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục chuẩn bị để bàn giao, đảm bảo 9 bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn và kế hoạch của ngành y tế.

Zalo

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng trả lời báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về kế hoạch thực hiện cách ly F1 tại nhà, ông Tăng Chí Thượng cho rằng đây là 1 hướng đi mới Bộ Y tế đã mở ra trong bối cảnh lượng F1 đang tăng rất cao tại TPHCM. Hiện tại, quận 3 và quận Phú Nhuận đã thí điểm một số trường hợp F1 cách ly tại nhà.

Theo phản ánh, hiện vẫn còn tình trạng người dân tập trung đông người tại một số cơ sở y tế để test nhanh, lấy giấy xét nghiệm âm tính để lưu thông giữa các tỉnh. Ông Tăng Chí Thượng cho biết, đã công khai các cơ sở y tế công lập được phép xét nghiệm test nhanh trên cổng thông tin Sở Y tế, để người dân có lựa chọn phù hợp, thuận tiện. Dự kiến thời gian tới sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo và nhận kết quả xét nghiệm thông qua các ứng dụng và QR Code. Khi đó, có thể sẽ rút ngắn thời gian và khắc phục tình trạng tập trung đông người đang xảy ra khi làm test nhanh dịch vụ.

Trao đổi về việc hỗ trợ nhân sự cho ngành y tế, ông Tăng Chí Thượng đánh giá, chưa bao giờ toàn ngành y tế TPHCM phải sử dụng hết nhân lực, năng lực và thời gian như hiện tại. Do đó, sự hỗ trợ 10.000 nhân lực của Bộ Y tế có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm này.

Liệu việc các cơ sở y tế tập trung phòng chống dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh với các loại bệnh ngoài Covid-19 hay không? Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, thời gian qua, lượng bệnh nhân của TPHCM giảm khoảng 50%. Do đó, sự ảnh hưởng là không quá nhiều.

2 ngày giãn cách, xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng

Về tình hình an ninh trật tự, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM thông tin, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM được đảm bảo, số vụ phạm pháp hình sự trong 2 ngày giãn cách giảm, số lượng vụ án xảy ra bằng 1/3 so với ngày thường.

Hiện nay trên địa bàn TPHCM đã lập 12 trạm, chốt kiểm soát cấp thành phố và 266 chốt kiểm soát của các quận, huyện nhằm kiểm soát việc thực hiện giãn cách xã hội. Thống kê đến 12 giờ trưa nay (ngày 10-7), tại các chốt kiểm soát đã kiểm tra tổng cộng gần 52.000 lượt phương tiện, 33.600 người. Công an TPHCM đã lập biên bản phạt vi phạm hành chính đối với 203 trường hợp về các hành vi: không đeo khẩu trang, mở cửa kinh doanh hàng hóa không thiết yếu, ra đường không có lý do chính đáng với số tiền xử phạt gần 390 triệu đồng.

Cùng với đó, trong 2 ngày vừa qua, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã xử phạt tổng cộng 841 triệu đồng, tập trung chủ yếu vào 3 hành vi: ra khỏi nhà khi không có việc thực sự cần thiết, tiếp tục mở cửa kinh doanh hàng hóa không thiết yếu, tập trung đông người nơi công cộng.

Zalo

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho rằng, người dân qua chốt phải mang theo giấy tờ chứng minh được lý do của mình thì mới được đi qua. Không phải trường hợp nào cũng bị xử phạt mà chỉ những trường hợp nào cố tình vi phạm mới xử phạt, còn trường hợp vô tình thì bị nhắc nhở.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TPHCM thông tin, trong 2 ngày giãn cách xã hội, các phương tiện vận tải hành khách, grab không hoạt động. Tại các chốt, theo ghi nhận của lực lượng cảnh sát giao thông, xe tải hoạt động nhiều do không bị ảnh hưởng của Chỉ thị 16, xe 2 bánh qua lại không nhiều... Đa số tài xế chấp hành nghiêm quy định về y tế, có khẩu trang, có giấy xét nghiệm âm tính… Lực lượng chức năng quyết liệt xử lý nghiêm các trường hợp, buộc người không có giấy xét nghiệm âm tính sẽ phải quay đầu lại. Tại 12 chốt của TPHCM, đến nay có 782 trường hợp bị bắt buộc quay đầu lại, không được qua chốt.

Zalo

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TPHCM trả lời báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về một số lưu ý đối với người dân qua các chốt kiểm soát, Thượng tá Nguyễn Văn Bình cho hay, người dân phải mang theo các giấy tờ: 1- giấy xét nghiệm âm tính, 2- khai báo y tế, 3 - mang theo giấy tờ tùy thân, 4- giấy xác nhận công tác, thẻ cán bộ, nhân viên, công chức; 5- tuân thủ nguyên tắc 5K.

Trao đổi về “luồng xanh” để phương tiện vận tải thiết yếu ra vào các chốt kiểm soát, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GT-VT TPHCM cho biết, trong 2 ngày qua, sở đã cấp gần 9.000 phiếu nhận diện (có mã tra cứu QR) cho các phương tiện chở hàng thiết yếu ra vào TPHCM. Việc cấp phiếu nhận diện được thực hiện trong vòng 24 tiếng. Những xe được cấp là xe chở hàng hóa và xe chở công nhân từ ngoại tỉnh ra vào TPHCM. Với phiếu nhận diện, các xe có thể lưu thông vào giờ cấm. “Đối với xe ở TPHCM, chỉ chạy ở TPHCM, thì không phải xin giấy này, ngoại trừ xe đó muốn đi vào giờ cấm”, ông Võ Khánh Hưng khẳng định.

Phó Giám đốc Sở GT-VT TPHCM cho hay, TPHCM đồng ý cho 400 taxi của hãng Mai Linh và Vinasun hoạt động để phục vụ việc vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện, từ bệnh viện về nhà.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM PHAN KIỀU THANH HƯƠNG:

Người dân có khó khăn, hãy gọi MTTQ

Đến nay MTTQ đã tiếp nhận số tiền ủng hộ gần 913 tỷ đồng để phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, tiền mặt là hơn 765 tỷ đồng và hàng hóa, trang thiết bị trị giá gần 148 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã phân phối tiền, hàng trị giá gần 793 tỷ đồng (gồm 645 tỷ đồng tiền mặt và toàn bộ gần 148 tỷ đồng hàng hóa, trang thiết bị).

Zalo

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phan Kiều Thanh Hương nhắn nhủ các trường hợp gặp khó khăn, hãy gọi tới MTTQ các cấp

Ngay trong ngày 10-7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM - Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid -19 TPHCM đã chi số tiền 3,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu (300.000 đồng/phần) cho người yếu thế, hộ khó khăn trong giai đoạn áp dụng theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16. Hệ thống MTTQ của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cũng công bố số điện thoại để người dân liên hệ, cung cấp thông tin về các trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn cần được trợ. MTTQ sẽ ghi nhận, hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không ai rơi vào hoàn cảnh khốn khó, đói kém do dịch Covid-19.

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN:

45.000 người lao động tự do đã nhận hỗ trợ

Về triển khai gói an sinh xã hội lần 2, TPHCM có 230.000 lao động tự do, mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (chi trả một lần 1,5 triệu đồng/người). Sau 5 ngày UBND TPHCM chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ (ngày 5-7), có 45.000 người đã được hỗ trợ. Trong 230.000 lao động tự do, có 34.000 người chạy xe ôm, 20.000 người bán vé số dạo (8.000 người tạm trú).

TPHCM sẽ kết thúc chi trả hỗ trợ cho người lao động tự do trước ngày 15-7. Đồng thời, tập trung triển khai hỗ trợ cho 80.000 lao động ở các doanh nghiệp phải ngừng việc, nghỉ việc; 60.000 điểm kinh doanh ở các chợ truyền thống; và khoảng 9.000 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động.

Zalo

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn trao đổi về tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lần 2 của TPHCM với người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng thời với thực hiện gói hỗ trợ của theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM, TPHCM cũng bắt đầu triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Nguyên tắc xuyên suốt là trường hợp người hỗ trợ thuộc diện hưởng từ 2 chế độ trở lên thì chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ (1 diện) cao nhất và không được chi trùng người hỗ trợ.