Chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden khẳng định ủng hộ chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump về việc bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra đối với Biển Đông.

Tàu khu trục Mỹ USS Benfold (DDG 65) hoạt động ở Biển Đông vào ngày 12.7 /// US NAVY
Tàu khu trục Mỹ USS Benfold (DDG 65) hoạt động ở Biển Đông vào ngày 12.7
US NAVY
Tối qua (12.7), Reuters dẫn thông tin từ quân đội Trung Quốc cho hay lực lượng này cùng ngày vừa xua đuổi một tàu chiến Mỹ ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, trang mạng của Hạm đội 7 - hải quân Mỹ thông báo vừa điều tàu khu trục USS Benfold (DDG 65) tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa.

Giữ vững quan điểm của ông Trump

Vụ việc trên diễn ra đúng vào ngày đánh dấu 5 năm Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền do Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông (12.7.2016 - 12.7.2021).
Ngay trước dịp này, chính quyền của Tổng thống Biden ngày 11.7 đã đưa ra tuyên bố ủng hộ việc cựu Tổng thống Trump hồi năm ngoái đã bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải quan trọng mà Bắc Kinh đưa ra đối với Biển Đông. AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố: “Không ở đâu mà trật tự hàng hải dựa theo luật lệ quốc tế lại bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông”. Thông điệp này tương tự ông Mike Pompeo phát biểu hồi năm ngoái trong cương vị ngoại trưởng Mỹ.
 
Đương kim Ngoại trưởng Blinken cáo buộc thêm rằng Trung Quốc tiếp tục “ép buộc và đe dọa các quốc gia ven biển Đông Nam Á, đe dọa quyền tự do hàng hải trên con đường toàn cầu quan trọng này”. “Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13.7.2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông”, ông Blinken đề cập lại tuyên bố hồi năm ngoái của ông Pompeo.
“Chúng tôi cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Mỹ”, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh.
Thông điệp này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tương trợ cho Philippines nếu Philippines bị Trung Quốc tấn công ở Biển Đông dựa trên thỏa thuận phòng thủ chung giữa Washington với Manila.

Không lặp lại sai lầm

Cùng ngày 12.7, trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: “Đối với Biển Đông, chính sách của ông Biden về cơ bản giống với cựu Tổng thống Trump. Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận hải quân, hoạt động tự do hàng hải”.
“Tôi tin rằng nội các của Tổng thống Biden nhận ra rằng quyết định của cựu Tổng thống Barack Obama thiếu sự can dự tại bãi cạn Scarborough vào năm 2012 là một sai lầm chiến lược lớn. Quyết định đó đã làm suy yếu uy tín của Mỹ trên toàn châu Á. Khi được nhìn nhận bằng các “lằn ranh đỏ trống rỗng” của Obama ở các nơi khác, một số quốc gia đặt câu hỏi về giá trị của Mỹ với tư cách là một đối tác. Thực tế này tạo điều kiện cho Trung Quốc và Nga thực hiện các hành động gây hấn mà Mỹ không phản ứng hiệu quả. Chỉ đến khi ông Trump cầm quyền thì tình hình mới thay đổi. Nội các của Tổng thống Biden đang cố gắng xây dựng lại uy tín đó và đang cảnh báo Trung Quốc rằng chính quyền này sẽ không lặp lại những sai lầm của chính quyền Obama”, cựu đại tá Schuster nhận xét và cho rằng chính sách của chính quyền Tổng thống Biden về Biển Đông sẽ có mức độ phản ứng như thế nào thì còn phải chờ đến lúc Bắc Kinh tiến hành động tác “thử lửa” nhưng mang tính biểu tượng ở Biển Đông.

Cần sự phối hợp

Cũng nhân dịp 5 năm ngày Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết, Bộ Ngoại giao Canada ngày 12.7 phát đi thông cáo nhắc lại sự cần thiết của việc cần tuân thủ phán quyết.
“Phán quyết là dấu mốc quan trọng và là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”, thông cáo nêu và nhấn mạnh: “Tất cả các bên trong khu vực phải thể hiện sự kiềm chế và tránh hành động đơn phương, vì điều này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng và đe dọa sự ổn định của khu vực. Canada đặc biệt lo ngại trước các hành động leo thang và gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ C.J.Jenner, chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị - đặc biệt về quan hệ quyền lực biển Mỹ - Trung tại Đại học Oxford (Anh), cho rằng Mỹ cùng nhiều nước trong khu vực đều đang cảnh giác sâu sắc trước sức mạnh hàng hải đang trỗi dậy của Trung Quốc cũng như nước này ngày càng thể hiện rõ tư thế đế quốc.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, có một thực tế là mối quan hệ thương mại ràng buộc khiến nhiều nước vẫn bị lệ thuộc vào hợp tác với Trung Quốc. Chính vì thế, theo ông, các nước cần tăng cường phối hợp và chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng: “Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau ngày nay, sự thay đổi tiến bộ đến nhờ hợp tác quốc tế và trong nước chứ không phải ép buộc. Ở Biển Đông và các nơi khác, sự hợp tác đặt lên hàng đầu về lòng tin và thiện chí”.
Bên cạnh đó, theo TS C.J.Jenner thì những gì xảy ra trong 5 năm qua cho thấy luật pháp quốc tế lẫn Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 là chưa hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ bởi một sự phối hợp rộng rãi giữa các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế thì luật pháp quốc tế nói chung, hay UNCLOS 1982 nói riêng, vẫn là phương tiện tối ưu hiện nay để đảm bảo an ninh, thịnh vượng và hòa bình tại khu vực Biển Đông.
Giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các tiến trình ngoại giao và pháp lý
Ngày 12.7, trả lời câu hỏi của PV về bình luận của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
“Với tư cách là quốc gia thành viên UNCLOS 1982 và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong UNCLOS 1982, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói.