Sau hơn hai tháng bùng phát, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư 19 đã khiến 1,8 triệu lao động trên cả nước không có việc làm. Đợt dịch này đã xâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, gây tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực lao động - việc làm.
Ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm
Ngày 14-7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức trực tuyến Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Theo Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng tư năm nay đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư từ ngày 27/4 đến nay 19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm.
Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, lao động có việc làm quý II là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý I.
Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.
Nhận định chung, đến hết quý 2, tình hình bệnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng cách ứng phó của người lao động và người chủ sử dụng lao động trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 26%.
Tích cực hỗ trợ lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Thời gian tới, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, phải kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mục tiêu kép theo chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, nhưng nhận thức về mục tiêu kép cũng phải đổi mới. Đó là tiến hành đồng thời song song cả phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch ở những nơi mà dịch chưa tấn công. Còn nơi dịch đang tấn công thì ưu tiên phòng, chống dịch. Nơi chưa có dịch thì tập trung vào phát triển kinh tế. Tiến tới thực hiện nguyên tắc: sống chung với dịch. Khi tỷ lệ tiêm vaccine của chúng ta cơ bản đạt mức độ miễn dịch cộng đồng, phấn đấu năm nay đạt 70%.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng lưu ý, trong sáu tháng cuối năm, cần chủ động và tích cực triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.
Bên cạnh đó, có các giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Hơn nữa, cần tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và cho đối tượng yếu thế; bảo đảm từng bước nâng cao đời sống người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, hướng tới “Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn”.