Sức sống cây cao su vùng Bắc Trung bộ - Bài 1: Đổi đời từ “vàng trắng”

Đứng chân, bén rễ trên vùng đất Bắc Trung bộ nơi ít đã mười năm, nơi nhiều cũng vài ba chục năm, cây cao su đang mang đến cho người dân vùng khó này một cuộc sống mới.

Cây cao su được đưa vào Việt Nam đã hơn một thể kỷ do chủ đồn điền người Pháp trồng trên vùng đất Nam bộ, sau đó phát triển ra nhiều đồn điền thuộc vùng Duyên hải Miền Trung. Những năm đất nước khó khăn cây cao su được ví là cây kinh tế mũi nhọn, được Chính phủ giao cho Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (CNCSVN - PV) phát triển, trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu của cả nước.

Đến những năm 90 các dự án đầu tư phát triển cao su lan tỏa ra các tỉnh Miền Trung, Tây Bắc, sang đến cả Lào, Campuchia, giải quyết việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho những vùng dự án đầu tư.

Tuy nhiên mấy năm gần đây, giá mủ cao su bị tụt giảm, cộng với sự biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sự phát triển của loại cây này. Chính vì vậy, thời gian gần đây dư luận đang có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí nghi ngờ về khả năng phát triển của cây cao su trên vùng đất nắng gió này. Có nhiều ý kiến cho rằngcần phá bỏ cây cao su để thay cây có giá trị kinh tế hiệu quả hơn. Trước nhiều ý kiến trái chiều, phóng viên Tạp chí DNVN tìm hiểu thực hư sự việc.

Thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ "vàng trắng"

Vượt hơn 50 km từ TP Hà Tĩnh, chúng tôi có mặt tại rừng cao su thuộc Đội Ninh Cường (Nông trường Hương Long - Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê) vào một ngày đầu tuần tháng 7.

Trước mắt chúng tôi bạt ngàn rừng cây cao su trên 10 năm tuổi khép tán xanh ngắt một màu, rợp bóng đang chắt chiu dòng nhựa dâng cho đời, thứ mà người ta vẫn quen gọi là “vàng trắng”, thông qua bàn tay khéo léo của những công nhân cạo mủ. Đi dưới những hàng cây trong cái nắng nóng, gió Lào lên đến 39-40 độ C mà chúng tôi vẫn có cảm giác thư thái, dễ chịu bởi hầu hết rừng cao su đã khép tán.

Khai thác mủ tại Nông trường Hương Long

Thu hoạch mủ tại Nông trường Hương Long -Công ty cao su Hương Khê.

Có lẽ những phức tạp, cam go do dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng xấu, thậm chí là tê liệt mọi ngành, mọi nghề nhưng xem ra ít tác động đến ngành cao su. Trong những bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh lá cây cao su mọi người ai nấy đều thoăn thoắt thực hiện các động tác cạo mũ, sửa sang máng, bát đựng mủ một cách thuần thục.
“Được lãnh đạo nông trường, công ty thường xuyên nhắc nhở về các quy định phòng chống dịch, không đi lại vùng dịch, nhất là tuân thủ quy định 5K, chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Thời gian này là mùa làm ăn, nghỉ ngày nào mất nguồn thu nhập ngày đó nên chúng tôi phải khỏe, có khỏe mới hoàn thành được nhiệm vụ”, chị Nguyễn Thị Thu Hằng – công nhân Đội Ninh Cường chia sẻ.

Không giống với các ngành nghề khác, nghề cạo mũ cao su ở vùng đất nắng gió miền Trung này, người công nhân thường bắt đầu công việc của mình khi trời chưa sáng. Phần thì để tránh nắng, nhưng hơn thế, theo họ, đây là thời điểm cây tiết nhựa dồi dào, cho năng suất cao nhất.

Dừng tay cạo mủ, anh Nguyễn Văn Lộc – đội Phúc Đồng (nông trường Hương Long) cho biết: “Thời điểm bắt đầu làm việc mỗi ngày của chúng tôi từ 4 giờ sáng. Mọi người đều tranh thủ thời điểm này mới mong có được thu nhập cao. Tháng 5 vừa rồi tôi thu nhập hơn 13 triệu đồng, các nhà báo xem đó, giữa thời buổi dịch bệnh này mấy nghề có việc làm, có thu nhập được như công nhân cao su chúng tôi. Những người có thu nhập trên 10 triệu nhiều lắm. Tuy nhiên, thường thì tháng 7 và 8 dương lịch mới là tháng cao điểm khai thác mủ. Mấy năm qua, nguồn thu nhập từ cây cao su đã thực sự nuôi sống gia đình người công nhân như chúng tôi. Nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo khó kéo dài hàng chục năm qua, vươn lên làm giàu, có của ăn của để”.

Như để minh chứng cho nguồn thu nhập của công nhân, Giám đốc Nông trường Hương Long Mai Văn Nguyên cho chúng tôi xem bảng lương thu nhập của từng người trong đơn vị. Trong bảng liệt kê từng người chi chít những con số của gần 6 chục công nhân, người thu nhập cao nhất trong tháng đạt 13 đến 14 triệu đồng, người thấp nhất cũng trên 7 triệu đồng.

“Thường thì mỗi năm người lao động ở đây có thời gian cạo mũ từ 8-10 tháng. Những tháng còn lại trong năm họ phải chăm sóc vườn cây được giao khoán, làm vệ sinh chuẩn bị cho mùa cạo mủ. Chính vì vậy, thu nhập bình quân trong năm của họ cũng đạt mức từ 5,5 - 6,5 triệu đồng/tháng”, giám đốc Nguyên cho biết thêm.

Tại công ty Cao su Hà Tĩnh - nơi cây cao su bén rễ từ năm 1997, thu nhập của người lao động ở đây còn khấm khá và ổn định hơn. Nói chuyện với chúng tôi công nhân Nguyễn Thị Yến, đội 1 nông trường Can Lộc vui vẻ cho biết: “Cây cao su thực sự đã mang lại cuộc sống ấm no cho người lao động chúng tôi trong những năm qua. Điển hình như tháng 5 vừa qua, thu nhập từ cạo mủ của tôi (có hỗ trợ của chồng) đạt trên 30 triệu đồng. Tất cả, từ nhà ở, phương tiện đi lại và các vật dụng sinh hoạt khác đều từ cao su mà có cả”.

Công ty Cao su Hà Tĩnh

Kiểm tra năng suất mủ trước khi đưa vào khai thác đại trà ở Cty cao su Hương Khê.

Theo giám đốc Công ty Cao su Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Toàn, hiện đơn vị có 4.300 ha cao su (831 ha tại Lào), trong đó, 2.100 ha đã đưa vào khai thác. Năm 2021, đơn vị đang phấn đấu đạt và vượt kế hoạch giao của Tập đoàn là khai thác, chế biến 2.000 tấn.
"Tổng số CBCNV của Công ty gần 400 người tất cả đều có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống, bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đơn vị còn có trên 200 hộ dân nhận khoán rừng cao su, hàng tháng đều có nguồn thu nhập thêm đáng kể giúp họ trang trải cuộc sống", ông Toàn nhấn mạnh.

Không riêng ở 2 đơn vị kể trên, cây cao su đã và đang mang lại cuộc sông ổn định cho người dân các địa phương khác trên dãi đất Bắc miền Trung đầy nắng gió, khắc nghiệt này, như: Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa…

Nhiều công nhân từng nghỉ việc lại quay về gắn bó với cây cao su

Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê, một trong 2 thành viên của Tập đoàn CNCSVN trên đất Hà Tĩnh hiện có 4.501 ha cao su, phân bổ trên 4 huyện gồm Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Đức Thọ. Trong đó, đến thời điểm hiện tại, có 1.500 ha đang khai thác. Căn cứ tuổi rừng cây, diện tích khai thác, năm 2021 công ty được giao kế hoạch khai thác 900 tấn. Đến ngày 30/6 (sau hơn 2 tháng cạo mủ), đơn vị đã khai thác được 350 tấn, đạt 40% kế hoạch. Dự kiến năm 2021 công ty phấn đấu khai thác đạt 1.000 tấn, vượt 10% so với chỉ tiêu Tập đoàn giao.

“Cây cao su đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Ngoài 269 cán bộ, công nhân viên có thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/ người/tháng, công ty còn có 300 hộ dân nhận khoán rừng cao su. Thu nhập bình quân của các hộ nhận rừng này cũng đạt trên 3 triệu đồng/tháng”, ông Võ Văn Lực, giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê cho biết.

Có nhiều người bảo rằng công nhân cao su vì khó khăn phải bỏ việc. Tuy nhiên, trên thực tế đây là những thông tin thất thiệt, không khách quan. Bởi theo số liệu thống kê, số công nhân của công ty năm nay tăng 5% so với mấy năm trước.

“Năm 2019, tôi xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình. Cuối năm ngoái tôi xin trở lại công ty làm việc, thu nhập giờ đây ổn định, không như bươn chải ở ngoài. Không phải mình tôi, mà nhiều người cũng đã xin trở lại Công ty làm việc bởi từ việc làm cho đến lương bổng, đến bảo hiểm xã hội đều đầy đủ. Chúng tôi rất cảm kích vì lãnh đạo công ty đã không bỏ rơi người lao động”, chị Trần Thị Hoài, công nhân nông trường Đức Thọ chia sẻ.

Thu mủ

Rừng cao su có sản lượng mủ đạt 1,2 tấn/ha ở cao su Hà Tĩnh.

Đây cũng là thực tế chung của các đơn vị thành viên trên địa bàn Bắc miền Trung thuộc Tập đoàn CNCSVC mà chúng tôi có dịp đến. Tất cả CBCNV đều có việc làm, thu nhập ổn định. Hầu hết họ đều phấn khởi, cống hiến hết mình vì sự phát triển của công ty, vì nguồn thu nhập chính đáng của người lao động.

Để không ngừng nâng cao đời sống người lao động, các công ty cao su cũng thường xuyên đổi mới phương thức quản lý nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho CBCNV, người nhận khoán rừng.

Điển hình như ở Công ty Cao su Hương khê, theo ông Lực, việc giao nhận khoán sản lượng được đơn vị tính toán hợp lý, số sản phẩm nằm trong định mức, công ty chi trả cho công nhân 13,5 ngàn đồng/kg, người dân nhận rừng 15 ngàn đồng/kg (bao gồm cả khấu trừ BHXH – PV). Khi người lao động vượt khoán, công ty thu mua với giá 25 ngàn đồng/kg. Việc khuyến khích này không chỉ tạo điều kiện để người lao động nâng cao thu nhập mà còn giúp đơn vị hạn chế được nạn trộm cắp sản phẩm.

Còn ông Nguyễn Khánh Toàn, giám đốc Cao su Hà Tĩnh lại cho rằng mấy năm gần đây, công ty đổi mới loại hình sản phẩm, từ khai thác mủ nước sang khai thác mủ đông không chỉ tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp mà còn giảm một nửa công sức đối với công nhân lao động.

“Trước đây mỗi lao động cật lực cũng chỉ đảm nhận cạo mủ từ 1500 - 1700 cây. Còn nay, mỗi người có thể nhận làm từ 2700 -3000 cây vẫn thấy khỏe. Theo đó, năng suất và thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể”, ông Toàn chia sẻ.

Quy luật thăng trầm luôn xẩy ra với mọi ngành, mọi nghề trong bối cảnh vận hành theo cơ chế thị trường. Trong đó, ngành cao su không thể ngoại lệ. Tuy nhiên, với dải đất nắng gió, khắc nghiệt miền Trung thì cây cao su vẫn là cây trồng "cứu cánh" cho hàng ngàn hộ dân vượt qua nghèo đói, thậm chí vươn lên giàu có.

 

Bài 2: Cây cao su bén duyên nơi miền Duyên hải

Được biết, cây cao su đã được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư theo chấp thuận với lời đề nghị của Ban lãnh đạo các tỉnh Bắc Trung bộ. Và, thực tế minh chứng, loài cây này đã đem lại hiểu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động.

Cây cao su được đưa vào Việt Nam đã hơn một thể kỷ do chủ đồn điền người Pháp trồng trên vùng đất Nam bộ, sau đó phát triển ra nhiều đồn điền thuộc vùng Duyên hải Miền Trung. Những năm đất nước khó khăn cây cao su được ví là cây kinh tế mũi nhọn, được Chính phủ giao cho Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (CNCSVN - PV) phát triển, trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu của cả nước.

Đến những năm 90 các dự án đầu tư phát triển cao su lan tỏa ra các tỉnh Miền Trung, Tây Bắc, sang đến cả Lào, Campuchia, giải quyết việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho những vùng dự án đầu tư.

Tuy nhiên mấy năm gần đây, giá mủ cao su bị tụt giảm, cộng với sự biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sự phát triển của loại cây này. Chính vì vậy, thời gian gần đây dư luận đang có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí nghi ngờ về khả năng phát triển của cây cao su trên vùng đất nắng gió này. Có nhiều ý kiến cho rằng cần phá bỏ cây cao su để thay cây có giá trị kinh tế hiệu quả hơn. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm hiểu rõ hơn về vai trò của cây cao su trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng duyên hải miền Trung.

Cây cao su và những kỳ tích

Ngoài hàng ngàn ha cao su tiểu điền, trên vùng đất Bắc Trung bộ ra, còn có gần 25.000 ha cao su đại điền do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (TĐCNCSVN - PV) đầu tư tại các tỉnh: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, các công ty này thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Đến nay hầu hết diện tích nói trên đã đem vào khai thác, cho hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, có thu nhập khá, ổn định.

Đến với các Nông trường cao su đang vào mùa cạo mủ trên suốt chiều dài Bắc Trung bộ, mặc dù ở miền xuôi đại dịch COVID-19 đang bùng phát, hầu hết các doanh nghiệp điêu đứng. Thế nhưng trên những cánh rừng cao su bạt ngàn nắng gió, khí thế lao động ở đây không chút ngơi tay. Vừa sản xuất thu hoạch mủ vừa thực hiện mệnh lệnh 5K chống dịch. Sự phấn đấu nỗ lực, sự vất vả của mỗi một cán bộ công nhân để có được thành quả như hôm nay thật đáng trân trọng, bởi những rừng cây cao su bạt ngàn như những cánh rừng nguyên sinh.

Ngoài chỉ tiêu kinh tế từ khai thác mủ, cây cao su còn là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cây lấy gỗ, cây xóa đói giảm nghèo, tất cả giá trị của cây cao su đều được đúc kết trong câu kết luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là “Cao su cây đa mục tiêu”.

Ông Văn Đức Dũng, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV cao su Quảng Trị, người gắn bó với cây cao su trên đất Quảng Trị hơn 30 năm tâm sự: “Với truyền thống sản xuất, kinh doanh trong ngành cao su, chúng tôi khẳng định, cây cao su là cây chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, cho đến nay chưa có cây gì vượt trội hơn đối với cây cao su, bởi những kết quả mà nó mang lại. Mặc dầu chịu tác động rất lớn khi giá thị trường cao su xuống mức thấp, dịch bệnh COVID-19 liên tiếp xảy ra, nhưng việc tiêu thụ tại các công ty vẫn diễn biến rất tốt, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có tình trạng hàng bị tồn kho như những năm trước đây. Tất cả các công ty trong khu vực đều thực hiện giá bán cao hơn so với giá bán bình quân của Tập đoàn. Tình hình lao động không có biến động lớn, tâm lý người lao động luôn ổn định, luôn thủy chung sắt son với nghề, với công ty, với vườn cây".

Được biết, Công ty TNHH MTV cao su Quảng Trị được thành thành lập từ năm 1984, đến nay đã gần 40 năm xây dựng, phát triển, Công ty đã giành được nhiều phần thưởng quý giá của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và địa phương.

Đối với Công ty cổ phần, đầu tư, phát triển (CPĐT-PT) cao su Nghệ An là doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn nhưng cũng vươn lên để bằng chị bằng em. Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Đình Tuấn cũng cho biết: Ở Nghệ An, Dự án trồng cao su được thực hiện chủ yếu trên các diện tích đất rừng sản xuất, một số diện tích trồng keo, cộng với số diện tích dây leo bụi rậm, do một số đơn vị địa phương chuyển giao lại cho công ty tiếp quản, sau hơn 10 năm đầu tư, phát triển mọi chỉ tiêu đều vượt so với yêu cầu của Tập đoàn đề ra. Đến nay số diện tích đưa vào khai thác 1.500ha, phấn đấu năm 2021 sẽ đạt trên 1.000 tấn mủ. Năm 2022, công ty sẽ đưa tổng diện tích khai thác lên 3.000ha, dự tính sản lượng mủ sẽ đạt từ 2.000 tấn mủ/năm, giải quyết việc làm ổn định cho gần ngàn lao động trong biên chế, kể cả số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán chăm sóc, bảo vệ vườn cây.

Vì thế nếu ai đó nói rằng, trồng cao su hủy hoại môi trường sinh thái tự nhiên là thiếu cơ sở khoa học. Trong khi đó cây cao su có chu kỳ trồng và khai thác trên 30 năm, mật độ cây ổn định, độ tán che phủ cao, bộ rễ phát triển mạnh, khả năng giữ nước, giữ đất, chống xói lỡ là rất tốt. Mặt khác, đây là khu vực rừng sản xuất, nằm xen kẽ và sát với các làng bản của người dân chứ không phải là khu vực rừng tự nhiên của vườn Quốc gia nên càng không phải là khu vực bảo tồn và duy trì đàn voi. Việc voi rừng ra ngoài khu vực rừng Quốc gia phá hoại hoa màu, lán trại của người dân cần phải được ngăn chặn.

Tất cả những điều này phần nào lý giải những băn khoăn thắc mắc, thậm chí là nghi ngờ về việc một số đơn vị cao su làm ăn thua lỗ, công nhân bỏ việc… trong thời gian qua là hoàn toàn phán ánh sai sự thật!

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Nghệ an

Chủ tịch Hội đồng công ty TNHH MTV cao su Nghệ An Phạm Trung Thái và Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tuấn trao Quyết định bổ nhiệm giám đốc Nông trường Quế Phong Nguyễn Văn Linh.

Doanh nghiệp kết hợp với địa phương thực hiện tốt Luật Đất đai

Ông Võ Sỹ Lực, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê cho biết, trong tổng số quỹ đất được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho công ty quản lý, xây dựng, phát triển, quá trình tổ chức sản xuất công ty đã điều chuyển, theo yêu cầu của tỉnh Hà Tĩnh để giao lại cho một số người dân sống trong vùng 2.500 ha. Mới đây, thực hiện đề án rà soát cơ cấu lại 3 loại rừng, công ty tiếp tục giao về cho địa phương thêm 3.100 ha số diện tích đất rừng tiếp giáp các khu dân cư.

“Ngoài ra, công ty chúng tôi cũng mạnh dạn thanh lý một số diện tích cao su thuộc diện phát triển chậm, không đáp ứng yêu cầu thời gian khai thác. Hiện, Công ty đang quản lý hơn 4.500 ha cao su ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có hơn 1.500 ha diện tích đã đưa vào khai thác. Tất cả rừng cây đều phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập khá, ổn định cho những năm tiếp theo, hiện nay toàn bộ số diện tích đất đai do công ty quản lý đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thời hạn 50 năm”, ông Lực nói.

Nơi mà cây cao su bén rễ khá “sâu hơn” đó là Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh được thành lập, bắt tay vào kiến thiết cơ bản từ năm 1997, bởi thời bấy giờ Hà Tĩnh còn rất nhiều đất trống, đồi núi trọc chưa tìm ra được cây kinh tế mũi nhọn, dẫn đến đồng bào sống ở các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh do Tiến sỹ Đặng Duy Báu, Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ dẫn đầu đoàn công tác đã vào TPHCM, tìm đến để gặp lãnh đạo Tập đoàn CNCSVN để bàn bạc, đưa dự án trồng cao su ra đầu tư giúp Hà Tĩnh, nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa tạo việc làm cho số con em nông thôn, vừa góp phần giúp Hà Tĩnh xóa đói giảm nghèo...

Trải qua 24 năm xây dựng, phát triển Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo một vùng rừng núi nghèo khó trước đây nay thành những khu dân cư nông thôn mới. Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Khánh Toàn tâm sự: “Hiện công ty có 4.300 ha cao su, trong đó 831 ha tại được trồng tại tỉnh Bolikhamxay Lào, có 2.100 ha đã và đang đưa vào khai thác. Năm 2021, đơn đang phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Tập đoàn giao khai thác đạt trên 2.000 tấn mủ khô. Nói về đóng nộp ngân sách cho nhà nước, có những năm cao nhất đạt trên dưới 20 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Toàn, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn cùng với chủ trương giao đất, khoán rừng cho người dân sống trong vùng dự án của UBND tỉnh Hà Tĩnh, mấy năm qua Công ty cũng đã thanh lý 450 ha cao su trên địa bàn huyện Kỳ Anh, giao lại cho địa phương. Đây là diện tích gần biển nên cao su hay bị gãy đỗ buộc phải thanh lý. Số còn lại 4.300 ha cao su do Công ty quản lý, trong đó có 2.100 ha đưa vào khai thác đều phát triển tốt.

“Qua nhiều năm cho thấy, gió bão, nắng nóng hay rét đậm, rét hại cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển rừng cây (ngoại trừ số diện tích đã thanh lý). Đời sống người lao động giờ đây đã khá giả dần lên, bởi hiện tại giá mủ cao su tăng dần lên 37 triệu đồng/tấn thì chúng tôi có thể sống tốt rồi”, ông Toàn khẳng định.

chế biến

Chế biến mủ cao su thương phẩm tại nhà máy chế biến mủ cao su 4.500 tấn/năm công ty cao su Hà Tĩnh.

Có nên phá bỏ cây cao su?

Tại hội nghị tổng kết ngành Cao su Bắc Trung bộ vào cuối năm 2020, ông Lê Thanh Tú, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của lãnh đạo, CBCNV của các công ty cao su trong khu vực Bắc Trung Bộ đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, kế hoạch của Tập đoàn giao.

“Cũng như những năm qua, ngành cao su chịu tổn thất nặng nề do sự tụt giảm nghiêm trọng về giá cả, năm 2020 mặc dù giá cả đã có tăng nhẹ nhưng cao su Bắc Trung Bộ phải chịu 2 khó khăn kép, đó là COVID-19 và bão lũ. Nhưng các công ty cao su nơi đây đã quyết tâm sản xuất, biến khó khăn thành động lực để có những kết quả đáng tự hào. Các công ty trên địa bàn đều vượt kế hoạch Tập đoàn giao, đời sống người lao động tiếp tục được nâng lên”, ông Tú nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị Văn Đức Dũng kiểm tra vườn cây chuẩn bị đưa vào khai thác mủ năm thứ nhất.

Tôi còn nhớ, cơn bão tháng 10/2017, hàng loạt cây cao su ở xã Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị (gần bờ biển) bị đỗ gãy. Sau bão, các cơ quan chức năng ngồi lại bàn với dân có nên giữ cây cao su? Chị Nguyễn Thị Hồng một hộ trồng cao su của xã khẩn khoản nói: “Xin ngành chức năng, các cấp chính quyền đừng bỏ cây cao su. Đời sống của nông dân trong xã chúng tôi đến nay có nhà lầu xe hơi, con cái được ăn học nên người, tất cả là nhờ vào gốc cao su cả. Gốc cao su với chúng tôi là hũ tiền. Ngày nào cây cao su cũng cho nhận đều đặn. Không bao giờ chúng tôi quay lưng với cây cao su”. Đây cũng là quan điểm của tất cả các hộ dân trồng cao su trên địa bàn.

 

Bài 3: Xin đừng “quay lưng” với cây cao su

Cao su là cây công nghiệp dài ngày có vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, được các nhà khoa học, Bộ NN-PTNT ghi nhận, đánh giá là cây đa mục đích. Thế nhưng mấy năm lại đây sự cố giá mủ cao su có phần tụt giảm, nên một số ý kiến cho rằng, cần phá bỏ cây cao su để thực hiện dự án nuôi bò, hay trồng cây khác.

Cây cao su được đưa vào Việt Nam đã hơn một thể kỷ do chủ đồn điền người Pháp trồng trên vùng đất Nam bộ, sau đó phát triển ra nhiều đồn điền thuộc vùng Duyên hải Miền Trung. Những năm đất nước khó khăn cây cao su được ví là cây kinh tế mũi nhọn, được Chính phủ giao cho Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (CNCSVN - PV) phát triển, trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu của cả nước.

Đến những năm 90 các dự án đầu tư phát triển cao su lan tỏa ra các tỉnh Miền Trung, Tây Bắc, sang đến cả Lào, Campuchia, giải quyết việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho những vùng dự án đầu tư.

Tuy nhiên mấy năm gần đây, giá mủ cao su bị tụt giảm, cộng với sự biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sự phát triển của loại cây này. Chính vì vậy, thời gian gần đây dư luận đang có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí nghi ngờ về khả năng phát triển của cây cao su trên vùng đất nắng gió này. Có nhiều ý kiến cho rằng cần phá bỏ cây cao su để thay cây có giá trị kinh tế hiệu quả hơn. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm hiểu rõ hơn về vai trò của cây cao su trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng duyên hải miền Trung.

Từ định hướng phát triển của Chính phủ

Năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 750/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Theo đó, diện tích cao su trồng trên lãnh thổ Việt Nam ổn định 800 ngàn ha. Trong giai đoạn 2010 - 2015 cao su Việt Nam có bước phát triển nhanh. Nguyên nhân diện tích cao su tăng nhanh trong những năm 2010, 2011, 2012 bởi giá cao su thị trường xuất khẩu tăng cao, có lúc lên tới 5.000 USD/tấn mủ khô (năm 2011). Vì thế nên Tập đoàn CNCSVN (VRG), các doanh nghiệp, nông dân đã mở rộng diện tích trồng cao su ở nhiều tỉnh trên cả nước.

Thủ tướng

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng nước CHDCND Lào Thongsing Thammavong thăm vườn cây cao su tại tỉnh Nghệ An.

Năm 2008 Bộ NN-PTNT ra Quyết định số 2855/QĐ-BNN-KHCN xác định, cây cao su là cây đa mục tiêu. Đồng thời, Thông tư 58/2009/TT-BNN-PTNT năm 2009 cho phép chuyển diện tích đất rừng nguyên liệu, đất trồng rừng sản xuất có đủ điều kiện sang trồng cao su. Chính từ những nguyên nhân trên trong giai đoạn 2009 - 2015 diện tích cao su trên toàn quốc tăng 304 ngàn ha, bình quân mỗi năm tăng trên 50 ngàn ha.

Sau 5 năm thực hiện quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích cao su toàn quốc lên tới 981 ngàn ha. Đây thể hiện cây cao su có giá trị kinh tế, tạo việc làm nên nông dân xem cây cao su là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế hiệu quả nhất.

dân tộc

Niềm vui khi cây Cao su đến với vùng núi Tây Bắc.

Theo số liệu thống kê, trong 10 năm, năng suất cao su Việt Nam tăng 3 tạ/ha từ 13,9 tạ/ha (năm 2004) tăng lên 16,9 tạ/ha (năm 2015), tốc độ tăng trưởng bình quân 2%/năm. Hiện năng suất cao su Việt Nam đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Ấn Độ 1,8 tấn/ha). Năng suất tăng cao do Tập đoàn, các chủ đầu tư đưa các giống cây phù hợp với tiểu khí hậu từng vùng, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về trồng, chăm sóc, cạo mủ... Vì thế, vườn cây cao su đưa vào khai thác 3 - 4 năm đầu đạt trung bình 1,1 - 1,3 tấn/ha và đạt năng suất cao nhất từ tuổi 11 - 25 năm.

Giá trị kinh tế và việc làm

Theo báo cáo của Tập đoàn CNCSVN (VRG), sau khi hết thời kỳ khai thác mủ, số diện tích cao su này được thanh lý trở thành rừng gỗ quý đưa vào khai thác chế biến sản xuất đồ mộc dân dụng, xuất khẩu chế biến gỗ ván ép, gỗ MDF. Hiện Tập đoàn có 13 nhà máy chế biến gỗ, công suất trên 200 nghìn m3 gỗ phôi/năm, sử dụng hơn 7 ngàn ha cao su thanh lý hàng năm.

Điển hình như nhà máy chế biến gỗ cao su ở tỉnh Gia Lai, công suất 9 ngàn m3 phôi/năm; tỉnh Quảng Trị có 2 nhà máy, công suất đạt 120-240 nghìn m3 gỗ MDF/năm, được lắp đặt thiết bị của EU. Tại tỉnh Bình Phước có nhà máy MDF công suất lên tới 400 ngàn tấn/năm, được lắp ráp bởi công nghệ Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổng doanh thu của các nhà máy đạt hàng chục ngàn tỷ đồng/năm.

bao

Đi giữa bạt ngàn cao su trên đất Lào do Công ty cao su Viêt- Lào đầu tư phát triển tại tỉnh Champasak (Lào).

Đánh giá của một số chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu về cây cao su cho rằng, phát triển cây cao su không chỉ đơn thuần kinh doanh khai thác mủ mà khi dự án trồng cao su được thực hiện thì kéo theo cả một toa ngành nghề, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn công nhân lao động. Đó là các trung tâm kỹ thuật về sản xuất giống, dịch vụ phân bón, dịch vụ tiêu thụ mủ cao su cho các đại lý thu gom…

Về lao động, ngành cao su tăng liên tục trong những năm qua, hiện tại số lao động trực tiếp 50 vạn người. Đối tượng lao động ngày càng được mở rộng không chỉ là các hộ lao động người Kinh mà có cả lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc. Riêng lao động người địa phương làm công nhân cho VGR có trên 80 ngàn lao động.

Đời sống của người lao động ngành cao su trong nhiều năm qua có mức thu nhập khá cao, trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, ổn định trong nhiều năm, hơn hẳn so với một số cây trồng nông nghiệp khác. Đặc biệt tất cả các dự án phát triển cao su của Tập đoàn CNCSVN đều song hành với đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, trạm xá… Có thể nói, cây cao su đi đến đâu, đời sống dân sinh, văn hóa xã hội gắn với an ninh quốc phòng đều được phát triển đến đó.

Cây cao su vẫn là hũ tiền

Ông Nguyễn Anh Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam từng nói với chúng tôi "xin đừng xem cây cao su như tội phạm". Chúng ta có nên quay lưng với cây cao su?

Phải khảng định rằng, cây cao su là cây đa mục đích, cây công nghiệp dài ngày, cũng là cây rừng phòng hộ đưa lại hiệu quả giá trị kinh tế cao. Và, đến thời điểm này, về mặt kinh tế - xã hội, môi trường thì chưa có cây gì bằng cây cao su.

Thế nhưng mấy năm lại đây do sự cố mủ cao su bị rớt giá, cộng với thời tiết khí hậu biến đổi cực đoan, mưa bão lớn thường hay xảy ra, nhất là khu vực miền Trung. Còn nhớ năm 2013, bão số 7 đổ bộ vào vùng Duyên hải miền Trung gây thiệt hại năng nề về người và tài sản, trong đó có hơn chục ngàn ha cao su đại điền, tiểu điền bị đổ gãy. Ngay sau bão, Bộ NN- PTNT đã tổ chức cuộc họp khẩn tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi có số diên tích cao su bị gãy đổ nhiều nhất, bởi vùng đất trồng cao su lại tiếp giáp đối diện với biển đông, gây thiệt hại khá nặng nề. Tại cuộc họp khẩn này Bộ NN-PTNT cùng với một số nhà khoa học đầu ngành, có sự tham gia của rất đông người dân trồng cao su cùng đến tham dự. Khi Bộ đưa ra ý kiến: Nên tiếp tục trồng lại hay xóa bỏ cây cao su để chuyển đổi sang trồng loài cây khác? Sau ý kiến của các bộ ngành là ý kiến hầu hết của người dân dự họp đều đồng thanh cho rằng, cây cao su gắn bó máu thịt, nuôi sống người dân Vĩnh Tường chúng tôi. Dù thế nào, chúng tôi cũng không bao giờ “quay lưng” lại với cây cao su.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trông cây cao su trên quê hương Bác Hồ

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trồng cây cao su tại Nghệ An.

Còn tại Hà Tĩnh, khi công nhân đang cạo mủ giữa vườn cao su, xuất hiện một số người của huyên H, đưa máy móc, thiết bị đo đạc đất đai trong vườn cây khi chưa hề có ý kiến gì của (VRG), Tập đoàn cao su - cơ quan chủ quản được giao đất 50 năm. Nhiều công nhân ngỡ ngàng hỏi mới vỡ lẽ ra, huyện có chủ trương bỏ cao su để đưa dự án nuôi bò về thay thế…

Thiết nghĩ, đất đai là tài sản Quốc gia, khi Quốc gia giao cho một tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào đó thì phải được bảo vệ. Bất luận là ai dám đứng ra đòi xóa bỏ rừng cao su đang cho hiệu quả kinh tế thiết thực, đang nuôi sống hàng ngàn công nhân lao động để làm dự án khác khi chưa được chủ đầu tư chấp thuận là đều vi phạm pháp luật.

Kết thúc loạt bài viết này, tác giã xin được nêu lên ý kiến của những người dân trồng cao su ở xã Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị: Đời sống của nông dân trong xã chúng tôi đến nay có nhà lầu xe hơi, con cái được ăn học nên người, tất cả là nhờ vào gốc cao su đó. Chúng tôi xem gốc cao su là hũ tiền. Và không bao giờ chúng tôi chặt bỏ cây cao su.