Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, số thanh niên (người từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp sáu tháng đầu năm 2021 là khoảng 399 nghìn người, chiếm 34% tổng số người thất nghiệp.
Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới thị trường lao động; trong đó, lao động trẻ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó là sự gián đoạn trong công cuộc giáo dục và đào tạo; khó khăn trong việc chuyển tiếp từ trường học đến việc làm và chuyển đổi giữa các công việc trong thời kỳ suy thoái.
Theo ILO, nếu không được quan tâm thích đáng, khủng hoảng nêu trên có nguy cơ tạo nên một “thế hệ bị phong tỏa” và thế hệ này sẽ phải gánh chịu hệ quả trong nhiều năm.
Các thách thức đến từ đại dịch Covid-19 đòi hỏi chính phủ nhiều nước phải đưa ra các định hướng nhằm sống chung với dịch bệnh trong tương lai gần và kể cả trung hạn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm nhằm duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó phát triển nâng tầm kỹ năng lao động cho đối tượng lao động thanh niên trẻ thời hậu Covid-19 được xác định là trọng tâm.
Đây cũng là lý do để Liên hợp quốc chọn thông điệp “Reimagining Youth Skills Post Pandemic” (Tái định hình kỹ năng thanh niên hậu đại dịch) để hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2021 (15/7).
Tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới, chiều 14/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao phối hợp các tổ chức quốc tế tổ chức diễn đàn quốc tế về tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0, với chủ đề “Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam”.
Có thể thấy, kỹ năng nghề và nâng cao kỹ năng nghề hết sức quan trọng đối với người lao động, nhất là thế hệ trẻ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải có các chính sách cần thiết và tổng thể về nâng tầm kỹ năng lao động và tương lai việc làm cho lao động trẻ; phát triển các kỹ năng số, kỹ năng cơ bản, nền tảng giúp người lao động là thanh niên có khả năng học tập suốt đời và thích nghi trong kỷ nguyên số hậu Covid-19...
Để thực hiện được nhiệm vụ này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang tập trung xây dựng đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng.
Theo đó, phát triển nâng tầm kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hình thành đội ngũ lao động có tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, thích ứng linh hoạt và sáng tạo. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, liên thông, nhất là các trường cao đẳng nghề chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập và học tập suốt đời...