TP.HCM đã đi được nửa chặng đường giãn cách theo chỉ thị 16. Thời gian càng thu hẹp nhưng số ca mắc, tử vong đang tăng. Liệu TP.HCM có tận dụng được "thời gian vàng" khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới?

Cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM: 7 ngày quyết định - Ảnh 1.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của người dân khi đi qua khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ (quận 1, TP.HCM) vào chiều 16-7 - Ảnh: NHẬT THỊNH

Sơ kết 1 tuần giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, lãnh đạo TP.HCM cho hay "dù số ca phát sinh tăng từng ngày nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm". 

Các chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu lạc quan, nhưng cần phải tiếp tục cảnh giác, duy trì thật nghiêm chỉ thị 16 bên cạnh các giải pháp khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm, cách ly mới có thể tận dụng "thời gian vàng" để kiểm soát dịch.

Chỉ nên xác định là F0 khi có triệu chứng, còn dương tính nhưng không có triệu chứng, số lượng virus quá thấp thì không nên coi là F0 để giảm tải nguồn lực điều trị.

TS.BS Phạm Hùng Vân

Thừa nhận hạn chế...

Tính đến ngày 16-7, TP.HCM đã có gần 24.000 ca COVID-19, 144 ca tử vong. Dự báo các ngày tới, số ca mắc tiếp tục tăng duy trì mức 4 con số. Sau 8 ngày giãn cách, các chuỗi lây nhiễm mạnh ở chợ Tân Định (Q.1), chợ Bình Điền (Q.8), chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc Môn) và một số chuỗi liên quan đến các công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghệ cao TP.HCM... đã được giám sát chặt.

Tuy vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết vừa phát hiện thêm 3 chuỗi lây nhiễm mới, trong đó có 2 tại khu phong tỏa và 1 tại chợ Phùng Hưng (Q.5). Hiện HCDC đang tập trung phân loại các vùng nguy cơ để triển khai xét nghiệm. Các quận huyện vẫn đang được điều phối lấy mẫu xét nghiệm phù hợp với năng lực xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, phục vụ công tác điều tra, truy vết.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP vẫn còn lúng túng, bởi công tác phòng chống dịch mới, chưa có tiền lệ, các hướng dẫn phải điều chỉnh liên tục, gây khó khăn trong triển khai thực tế tại cơ sở. 

Vài nơi không tuân thủ giãn cách khi lấy mẫu; trả mẫu RT-PCR chậm, kéo theo chậm chuyển F0 từ địa phương đến nơi điều trị. Các quận huyện còn chậm thành lập tổ xét nghiệm làm ảnh hưởng đến công tác xét nghiệm, phát hiện F0, truy vết, khoanh vùng. 

Đặc biệt là phát sinh nhiều ca mắc COVID-19 do lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phong tỏa. Các quận huyện còn mất nhiều thời gian chờ giường bệnh, tìm bệnh viện đủ năng lực tiếp nhận, gây mất thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.

Khẳng định mục tiêu tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất và mở rộng "luồng xanh" trên bản đồ COVID-19, ông Phong đề nghị các sở, ngành, quận, huyện phải tận dụng tối đa "thời gian vàng" chống dịch. Ngoài ra cần tập trung điều trị cho các ca F0 nặng, hạn chế các ca tử vong.

Cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM: 7 ngày quyết định - Ảnh 3.

Lực lượng tại chốt kiểm dịch cầu Phú Long (quận 12, TP.HCM) kiểm tra giấy tờ người dân qua hệ thống camera nhằm hạn chế tiếp xúc - Ảnh: NHẬT THỊNH

Nên tiếp tục "vét" F0

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ Bệnh viện Nhi đồng 1 - nhận định công tác chống dịch của TP đã đồng bộ, nhịp nhàng hơn giữa các tuyến từ TP xuống cơ sở; trong các khâu cách ly, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm... so với giai đoạn đầu. Nhờ đó đã "bắt" được nhiều F0, đặc biệt các F0 ngoài cộng đồng.

Để kiểm soát dịch trong những ngày giãn cách còn lại, theo bác sĩ Khanh, TP có 2 việc cần làm là tiếp tục "vét" bằng được F0 và phải làm sao số F0 này đảm bảo an toàn, hạn chế tử vong. Về vấn đề F0 được phát hiện chưa rõ nguồn lây ngoài cộng đồng, theo ông Khanh là "không đáng lo", bởi khi áp dụng chỉ thị 16 nếu chấp hành nghiêm, tất cả các F0 đều "đứng yên".

Bác sĩ Khanh khuyến cáo TP cố gắng tách được nhiều người lành trong khu phong tỏa càng tốt. Bởi nếu để dịch tấn công khu phong tỏa, đồng nghĩa việc không có đủ nguồn lực điều trị, đặc biệt là với bệnh nhân nặng. Để đánh giá khuynh hướng dịch sắp tới, theo ông, cần phải có đầy đủ dữ liệu về tỉ lệ xét nghiệm, thời gian trả kết quả xét nghiệm tại các vùng lõi và ngoài cộng đồng. 

 

"Khi chưa có dữ liệu chắc chắn kiểm soát được dịch, theo tôi, cần phải tính toán phương án kéo dài thêm giãn cách, bởi nếu thả ra dịch bùng phát lại, mọi nỗ lực coi như công cốc" - bác sĩ Khanh nói.

Đồng quan điểm này, TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho rằng cần phải có số liệu thống kê về tổng số lượng ca phát hiện/tổng số người được xét nghiệm mới có thể đánh giá đúng tình hình dịch bệnh của TP.HCM sắp tới. 

Ông đặt giả thiết, nếu số xét nghiệm càng thấp nhưng số lượng ca mắc được phát hiện càng cao, đó mới là vấn đề đáng báo động. Vì lúc này số lượng ca dương tính thực sự trong cộng đồng rất lớn. Ngoài ra cần so sánh tỉ lệ mắc trước giãn cách và khi giãn cách, từ đó mới đưa ra được xu hướng của dịch. 

"Đánh giá của TP về lượng ca mắc trong cộng đồng ở TP.HCM đang giảm, đồng nghĩa với việc dịch đang từng bước được kiểm soát. Số ca mắc trong khu phong tỏa, khu cách ly tăng, điều này cũng cho thấy việc khoanh vùng đang đúng đối tượng, đúng trọng tâm, xét nghiệm trọng điểm, không lây lan ra cộng đồng" - bác sĩ Hùng phân tích.

Theo ông, trong những ngày kế tiếp nếu số ca mắc trong cộng đồng vẫn giảm, TP.HCM cần kiên định các giải pháp chống dịch hiện tại, chưa cần các biện pháp khác ở mức độ cao hơn. Tất nhiên người dân phải có ý thức chấp hành nghiêm giãn cách. 

Song song đó, ngành y tế cần phải phân tích dữ liệu dịch tễ mỗi ngày để đánh giá đúng khuynh hướng của dịch, từ đó có sự điều chỉnh, tránh mất sức người, sức của nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM: 7 ngày quyết định - Ảnh 4.

Dữ liệu: HOÀNG LỘC- Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Không nên cứng nhắc phong tỏa bệnh viện có F0

Trong khi đó, TS.BS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên khoa vi sinh ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng 8 ngày vừa qua đã "đánh trúng" ý thức của người dân về việc cần phải nghiêm túc giãn cách. 

Những ngày giãn cách còn lại, theo ông, song song xét nghiệm "trọng tâm, trọng điểm", ưu tiên số 1 vẫn là vận động người dân thực hiện giãn cách thật nghiêm túc. Việc xét nghiệm hàng loạt chỉ mang lại hiệu quả khi cách ly xã hội nghiêm, nếu không tuân thủ giãn cách thì xét nghiệm chỗ này virus "chạy" qua chỗ khác.

Một giải pháp dài hơi hơn là các bệnh viện cần thiết lập khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc COVID-19, song song với điều trị các bệnh nhân bệnh lý thông thường. 

"Không nên phong tỏa, ngừng hoạt động mỗi khi có ca F0 ghé qua. Điều này khiến nhiều bệnh nhân có bệnh lý khác không có nơi điều trị hoặc lo sợ không dám điều trị. Hậu quả không chết vì COVID-19 mà chết vì các bệnh lý khác" - bác sĩ Vân khuyến cáo.

Phải dự liệu khả năng tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16

Tại cuộc họp trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với các cơ quan báo chí chiều 16-7, ông Phan Văn Mãi - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - cho hay TP đang thực hiện quyết liệt và đồng bộ chỉ thị 16 với mong muốn đạt được hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch. TP cũng đã đưa ra 3 kịch bản sau thời gian giãn cách.

Kịch bản 1: TP kiểm soát được dịch, sẽ xem xét lại việc thực hiện chỉ thị 16 theo hướng tiếp tục áp dụng hoặc nới lỏng áp dụng chỉ thị 15 hay chỉ thị 19.

Kịch bản 2: TP chưa kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng, sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện chỉ thị 16+ ở một số địa bàn.

Kịch bản 3: Dịch gia tăng, mất kiểm soát, TP phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn.

Theo ông Mãi, TP.HCM đang nỗ lực để đạt được mục tiêu theo kịch bản thứ 1. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, TP cũng lường trước việc sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 trong một thời gian nữa sau khi hết 15 ngày giãn cách xã hội. "Chúng ta phải có sự chuẩn bị về tâm lý và giải pháp cho từng tình huống cụ thể trong thời gian tới" - ông Mãi nói.