Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021. Với mong muốn tiếp nhận thêm những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với tính khả thi cao, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về vấn đề này.
+ PV: Thưa ông, Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Hai vấn đề được nhấn mạnh trong Chiến lược là Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Theo ông, hai vấn đề này có mối liên hệ như thế nào? Theo ông, để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cần những yếu tố gì?
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi đánh giá cao những nội dung đã được nêu ra trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 của Bộ VHTTDL. Trong phạm vi một cuộc trao đổi ngắn, tôi không kỳ vọng có thể góp ý toàn diện cho Dự thảo Chiến lược. Tuy nhiên, quả thực tôi rất tâm huyết với nội dung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Tôi cho rằng, sự phát triển và hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Vì thế, hai vấn đề xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh có quan hệ tương hỗ, gắn kết hữu cơ với nhau. Con người chỉ có thể phát triển toàn diện trong môi trường văn hóa lành mạnh và môi trường văn hóa chỉ lành mạnh và tốt đẹp khi nó được góp sức xây đắp từ những con người ngày càng phát triển toàn diện. Từ cách nhìn nhận đó, có thể khẳng định văn hóa chính là môi sinh của giáo dục, nhưng có giáo dục thì mới có văn hóa.
Xây dựng con người có ý nghĩa rất quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa". Năm 2014, sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" (Nghị quyết số 33), trong đó, đề cao việc phần xây dựng con người phát triển toàn diện.
Một tiêu chí để xây dựng con người phát triển toàn diện là "bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách". Đây là tư tưởng xuyên suốt trong chăm lo xây dựng con người. Lấy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc là giá trị cơ bản, cốt lõi đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy chuẩn mực đạo đức, lối sống và nhân cách làm thước đo đánh giá con người trong quan hệ ứng xử với tự nhiên, xã hội, hướng tới giá trị nhân văn.
"Tôi nghĩ, cần đặc biệt chú trọng văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử là gương mặt của văn hoá. Văn hóa ứng xử thể hiện cốt cách, tâm hồn dân tộc. Văn hóa ứng xử được hình thành và thể hiện ở trong gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó phải chú trọng vai trò nêu gương của người lớn tuổi, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị"- Nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Các giá trị truyền thống đang chịu những va đập rất mạnh của các yếu tố ngoại lai, của mặt trái kinh tế thị trường, của thời đại truyền thông kỹ thuật số, có thể xô lệch những giá trị văn hóa và tinh thần truyền thống của dân tộc. Vì thế, cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng văn hóa cho lớp trẻ.
Nhưng xây dựng văn hóa cho lớp trẻ không phải là chỉ bó hẹp, khư khư giữ lấy những giá trị truyền thống mà phải tạo không gian thoáng đãng, cởi mở để tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại, để nền văn hóa Việt Nam ngày nay thực sự là một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Yếu tố tiên tiến rất cần lưu ý. Cho nên, vai trò của việc xây dựng các thiết chế văn hóa, các cơ sở vật chất cho văn hóa, hạ tầng văn hóa cần phải được chú ý hơn. Việc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hoá, thị trường văn hóa cũng cần được nhìn nhận dưới góc độ này. Thực tiễn phát triển và quảng bá văn hóa của Hàn Quốc thông qua âm nhạc, điện ảnh và thời trang là một ví dụ sinh động.
Hiện nay, những giá trị truyền thống, những giá trị văn hóa đích thực đang gặp khó khăn, như sân khấu nghệ thuật truyền thống. Những giá trị bề nổi, hào nhoáng thì chiếm lĩnh truyền thông. Chúng ta cần tăng cường quảng bá các chương trình nghệ thuật đích thực. Nếu không, một ngày nào đó, những giá trị đích thực sẽ không còn đất sống. Chiến lược văn hóa cần quan tâm quảng bá hơn nữa những sản phẩm văn hóa đích thực.
Đồng thời, phải hết sức coi trọng công tác báo chí, truyền thông. Báo chí là một bộ phận của văn hóa, là lực lượng tiên phong, đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng. Văn hóa có vai trò rất quan trọng trong việc xây đắp niềm tin xã hội. Niềm tin đó chỉ được xác lập vững chắc bằng một cơ chế thông tin theo phương châm minh bạch, khoa học và kịp thời.
+ PV: Qua nhiều kỳ Đại hội, Đảng ta vẫn nhất quán quan điểm coi văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển xã hội, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, đôi lúc, ở một số nơi, vẫn còn hiện tượng cấp chính quyền chưa xem trọng việc phát triển văn hóa. Theo ông, có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đúng vậy! Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết khẳng định vai trò của văn hóa. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" của Đảng nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng con người toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng thời bổ sung các nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Những nhiệm vụ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát huy nguồn lực văn hóa trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
"Sự phát triển và hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa"- Nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Nguồn lực văn hóa chính là sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhận thức mới có tính đột phá của Đảng về nguồn lực văn hóa đối với phát triển được thể hiện ở việc khẳng định vai trò của văn hóa trong chính trị và trong kinh tế. Chính trị và kinh tế là hai lĩnh vực then chốt của xã hội phải được đặt trên nền tảng văn hóa và phải phát huy vai trò của nguồn lực văn hóa đối với việc phát triển hai lĩnh vực trên.
Đảng ta nhấn mạnh: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Đây chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhưng trên thực tế, những quan điểm này ở một số cấp chính quyền còn chưa thấm nhuần sâu sắc. Một bộ phận lãnh đạo ở các cấp chỉ chú trọng phát triển kinh tế, trong khi lại coi nhẹ, sao nhãng việc chăm lo phát triển văn hóa. Điều này rất đáng lo ngại.
Khi nói phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế có nghĩa là văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế. Văn hóa không thể đi sau kinh tế, hoặc chỉ giữ vị trí thứ yếu trong kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế- xã hội. Không thể phát triển kinh tế rồi mới quay lại phát triển văn hóa. Văn hóa cần được đặt ở vị trí trung tâm để soi chiếu các lĩnh vực khác.
+ PV: Trong lực lượng những người làm công tác văn hóa, ông có suy nghĩ gì về vai trò của các văn nghệ sĩ?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Văn hóa – nghệ thuật là lĩnh vực của lao động sáng tạo và tài năng. Trong phát triển văn hóa, cần hết sức quan tâm đến lực lượng những người làm công tác văn hóa, đặc biệt là các văn nghệ sĩ. Đội ngũ văn nghệ sĩ là vốn quý của đất nước. Chính họ đang ngày đêm kiên trì, kiên cường sáng tạo để gìn giữ và phát triển nền văn hóa dân tộc, đồng thời để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Vì thế, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của văn nghệ sĩ, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho lực lượng này lao động sáng tạo. Không thể để đội ngũ thuộc giới tinh hoa này vật lộn gay go với chuyện "cơm áo gạo tiền". Với suy nghĩ đó, tôi đồng tình với đề nghị kịp thời của Bộ VHTTDL hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, tuy nhiên, tôi nghĩ không nên cào bằng vì khó khăn của các ngành văn hoá, nghệ thuật không giống nhau. Khi nhấn mạnh "sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa", tôi đánh giá rất cao vị trí và trách nhiệm của các cán bộ ngành văn hóa, các văn nghệ sĩ làm công tác "kỹ sư tâm hồn" trong sự nghiệp xây dựng con người mới. Điều đó kéo theo cả việc nâng cao chất lượng sáng tác, nâng cao văn hóa đọc cho công chúng, làm sao thu hút được lớp trẻ quan tâm đến văn hóa - văn nghệ, say mê nghiên cứu, tự hoàn thiện mình, biết mở rộng kiến thức xã hội và nhân văn bên cạnh kiến thức tự nhiên và kỹ thuật. Tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa văn nghệ, và coi việc đầu tư cho văn hóa văn nghệ đích thực là biện pháp chống suy thoái một cách hiệu quả nhất.
+ PV: Theo ông, có giải pháp gì để thay đổi nhận thức của người dân, lãnh đạo các cấp về vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội?
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trước hết phải thấu suốt quan điểm của Đảng, Nhà nước về văn hóa. Điều này cần được tuyên truyền, quán triệt sâu rộng. Từ đó, các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch, chủ trương, đề án thực hiện phát triển văn hóa thiết thực nhất, tránh hình thức, kiểu "ăn xổi ở thì" mang tính thời vụ. Cần phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình thực hiện các kế hoạch, chủ trương, đề án đó để khích lệ, đôn đốc, rút kinh nghiệm kịp thời. Cần có chế tài xử lý mạnh hơn, kiên quyết hơn để tạo chuyển biến thật sự. Không thể nhắc nhở qua quýt rồi đâu lại vào đấy như kiểu "đá ném ao bèo". Địa phương nào, đơn vị nào không chăm lo phát triển văn hóa, không đạt các chỉ tiêu phát triển văn hóa cũng cần bị xem xét, xử lý nghiêm minh như các địa phương, đơn vị thua lỗ kinh tế, không hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế.
Tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa văn nghệ, và coi việc đầu tư cho văn hóa văn nghệ đích thực là biện pháp chống suy thoái một cách hiệu quả nhất- Nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Chúng ta nhìn ra thế giới, ở nơi nào mà thảm họa, bi kịch xảy ra thì nơi đó thiếu quan tâm văn hóa, văn hóa bị chà đạp. Việt Nam chưa phải là đất nước phát triển về kinh tế, nhưng Việt Nam có sức hút đặc biệt với thế giới. Tôi nghĩ rằng một trong những sức hút của Việt Nam đối với thế giới là chúng ta rất đẹp về văn hóa, chúng ta rất tự hào về nền văn hóa Việt Nam- nền văn hóa nghìn năm mà ánh sáng của nó vẫn còn soi rọi đến ngày hôm nay. Chúng ta phải làm sao để trong quá trình phát triển, chúng ta vẫn luôn nâng niu, lưu giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Một xã hội dù có hoa lệ đến mấy nhưng không đẹp về văn hóa, không có tình thương yêu con người thì đó cũng không phải là một xã hội hạnh phúc. Cho nên, phát triển kinh tế song song với phát triển văn hóa xã hội là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước ta. Văn hóa phải soi sáng các hoạt động trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu của chúng ta.
+ PV: Xin cảm ơn ông!