Thấp thỏm, hoài nghi, nước mắt tuôn trào là những cảm xúc mà các công nhân làm việc tại công ty Nidec Sankyo Việt Nam đã trải qua cho tới khi biết mình thành F0. Đến nay, có người vẫn đang ‘mắc kẹt’ tại khu cách ly…
Công nhân cách ly tập trung tại ký túc xá khu B ĐH Quốc gia TP.HCM.
ẢNH: CTV
Bật khóc… khi mình là F0
Chia sẻ với Thanh Niên chiều 16.7 qua điện thoại, bà T.L (47 tuổi), công nhân làm ở công ty TNHH Nidec Sankyo (Khu Công nghệ cao, TP.Thủ Đức) chốc chốc lại ho sù sụ, khản tiếng và đặc biệt là rất dễ xúc động. Bà nói hiện tại chưa sốt nhưng tình trạng ho đã kéo dài được mấy hôm nay. Khác hẳn với 10 ngày trước, tâm trạng bây giờ của người phụ nữ này tệ đi nhiều sau khi biết tin mình thành F0 sau 4 lần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Suất cơm của một công nhân đang là F1 ẢNH: CTV |
Trước đó, tối 3.7, bà L. được đưa đến ký túc xá khu B ĐH Quốc gia TP.HCM để cách ly tập trung sau khi được xác định là F1. Những ngày qua, bà được nhân viên y tế tại đây đo nhiệt độ thường xuyên. Bản thân bà vẫn luôn tự giác thực hiện nghiêm quy tắc 5K, đồng thời uống vitamin C và súc miệng với nước muối đều đặn 3 lần/ngày.
Bà L. kể lại, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 13.7, bà được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 4 (lần thứ 3 cách đây 1 tuần cũng ở khu cách ly này, còn 2 lần đầu ở công ty đang làm việc). Đến tối 15.7, bà nhận được cuộc gọi từ dãy số lạ, trong dạ bắt đầu bồn chồn. Cho tới khi đầu dây bên kia nói đúng họ tên và thông báo “sẽ có người gọi lại trước 1 tiếng để bệnh nhân kịp chuẩn bị đồ đạc đến nơi điều trị” thì tay chân người phụ nữ này hoàn toàn rụng rời.
Cứ như vậy, bà thao thức suốt đêm với hàng đống ý nghĩa ngổn ngang trong đầu. “48 tiếng sau khi lấy mẫu xét nghiệm, không có ai gọi cả nên tôi rất an tâm, cứ nghĩ là qua ải này rồi, đâu ngờ…”, nói tới đây, đầu dây bên kia bỗng nhiên im bặt, chỉ còn lại tiếng khóc nức nở.
Gần 1 ngày sau cuộc gọi ám ảnh cùng cực, bà L. vẫn đang phấp phỏng vì không biết khi nào xe cứu thương tới đưa mình đi và mình sẽ đi đâu. Sức khỏe hiện không tốt nhưng nữ công nhân lớn tuổi vẫn trông tới ngày được đi làm lại, bà sợ mất đi công việc đã gắn bó suốt 10 năm nay. Nghe nói được hưởng 70 % lương cơ bản, bà mới đỡ lo được phần nào, nhưng điều này bà cũng không nắm rõ. Còn nỗi sợ trước mắt vẫn là bệnh tật và việc điều trị cho những ngày sắp tới.
“Nếu không có gì thì tôi chỉ cần xét nghiệm khoảng 2 lần nữa là được về nhà, vậy mà…”, giọng bà nghẹn ngào. Cuộc trò chuyện giữa tôi buộc phải dừng lại tại đây vì bà L. ho khan, mệt trong người và cần được nghỉ ngơi. Hiện bà L. đã được chuyển đến điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Thủ Đức.
Công ty Nidec Sankyo đã ngừng hoạt động từ chiều 3.7 để tập trung cho việc phòng, chống dịch Covid-19 ẢNH: CTV |
|
“Mẹ hết bệnh chưa, sao mẹ không về với con”
Trong khi đó, chị N.H (23 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) mới đi làm ở Công ty Nidec Sankyo Việt Nam chưa đầy một tháng thì Covid-19 ập tới, chị không được về nhà. Lần thứ 2 test nhanh Covid-19 vào ngày 2.7, chị được xác định có khả năng nghi nhiễm Covid-19. Sáng hôm sau, nữ công nhân này được đưa đến điểm cách ly tập trung nằm trên địa bàn P.Linh Trung (TP.Thủ Đức). Đến tối 5.7, chị được chuyển tới bệnh viện dã chiến ở Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM sau khi có kết quả chính thức dương tính với SARS-CoV-2.
N.H chia sẻ rằng chị cảm thấy khá tệ sau mỗi lần đợi kết quả test nhanh Covid-19. Lần đầu là ngày 29.6, chị còn tự tin vì bản thân rất cẩn thận trong 5K và may mắn là âm tính. Sau đó thì không khỏi bất an vì nhận được thông báo công nhân phải ở lại công ty và gọi người nhà gửi đồ dùng cá nhân vô.
Khoảng 4000 công nhân làm việc tại Nidec Sankyo “mắc kẹt” trong nỗi lo cơm áo gạo tiền. ẢNH: CTV |
“Ngày đầu chưa được phát lều và mền gối, người ngủ ngoài sân, người vào trong xưởng, tắm thì phải lấy bịch ni lông hứng nước,… đông người nên làm gì cũng phải đợi. Đông đúc như vậy thì dù mình phòng thế nào cũng không an tâm, y như rằng lần test sau mình có nguy cơ trở thành F0”, chị nhớ lại.
Trong thời gian cách ly điều trị, chị H. cho biết mình được bác sĩ thăm khám và phát thuốc 2 lần/ngày. Hiện tại, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của chị đã được cải thiện, không còn gặp các triệu chứng sốt, ho, đau họng và mất khứu giác như thời gian đầu.
Vượt lên trên nỗi nhớ nhà, nhớ con, chị H. tự nhủ rằng chỉ có cách lạc quan, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng thì mới có sức đề kháng để mau chóng khỏe lại. “Mẹ ơi, mẹ hết bệnh chưa, sao mẹ không về với con? Mẹ nhớ con không? Mẹ về sớm rước con nha! Ngày nào bé cũng gọi, nghe nói vậy xót lắm!”, người mẹ trẻ đau lòng kể về đứa con 5 tuổi đang được gửi nhờ bà nội chăm sóc.
N.H cho biết thêm, sáng 16.7, chị được xét nghiệm lần thứ 2 (ở bệnh viện dã chiến) và đang đợi kết quả, lần 1 (ngày 14.7) đã có kết quả âm tính. Chị đang khá nóng lòng chờ ngày trở về sum họp gia đình sau khi nghe bác sĩ nói rằng xét nghiệm 2 lần âm tính là đủ điều kiện ra viện.